Trong trí tưởng tượng đầy chất thơ của Luis Barragán, màu sắc đóng vai trò quan trọng tương đương kích thước hay không gian. Chất liệu thô ráp và sự phản chiếu của mặt nước khiến ánh sáng mặt trời hiện lên rực rỡ hơn trên những công trình đầy màu sắc của ông.
Nhưng sự rung động đến từ đâu và kiến trúc đã nâng tầm những trải nghiệm này như thế nào ? Bài viết này chia sẻ góc nhìn thú vị của Thomas Schielke về thế giới đầu sắc màu của Luis Barragán
Tường bao che
Diện tường trong các tác phẩm kiến trúc của Barragán không chỉ là một yếu tố để định hướng những góc nhìn mà còn là yếu tố tạo ra bóng đổ hoặc làm nền phản chiếu bóng đổ của cây cối. Chiêm ngưỡng tác phẩm của ông, ta sẽ tìm thấy những bức tường có bề mặt thô ráp và những bức tường trơn láng. Bề mặt thô ráp tạo ra từ vữa trộn sỏi trát trên tường gạch, chính sự không đều đó đã khiến chất cảm từ ánh sáng hắt lên nhìn sống động hơn. Ngược lại, bề mặt láng mịn tạo ra từ hỗn hợp vữa thông thường đem đến một khung cảnh trừu tượng, tĩnh lặng, đầy chiêm nghiệm, làm nền cho những chùm sáng liên tục thay đổi trong ngày. Trong khi kết cấu của tường thường đơn giản, chất liệu bề mặt và màu sắc lại mang đến những trải nghiệm đầy thơ mộng. Mối quan hệ này gần đây đã được trình bày trong một tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ người Mỹ, Fred Sandback.
Vùng sáng mờ
Ở những nơi bầu trời ít mây, người ta thường phải tìm bóng râm để tránh nắng. Tường tạo ra bóng đổ, những ô cửa nhỏ, có màn che mang đến một môi trường sống thoải mái hơn ở những vùng khí hậu nóng bức. Barragán đã áp dụng những thiết kế không gian như trên vào nhiều tác phẩm, chẳng hạn như “nhà nguyện Tu viện Capuchine” hay “ngôi nhà Gilardi”, nơi ông hạn chế những khoảng mở trực tiếp ra ngoài.
Các kiến trúc sư đang quên rằng vùng mờ là một yếu tố rất cần thiết với con người, ánh sáng dịu dàng của vùng mờ sẽ mang lại cảm giác yên bình cho không gian sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi. Người ta phải bỏ đi hơn một nửa số kính hiện có trong nhiều tòa nhà văn phòng, cũng như nhà ở để có được chất lượng ánh sáng cho phép sống, làm việc một cách thoải mái và tập trung hơn. Chúng ta nên giảm bớt sự lo lắng – một đặc trưng của thời kỳ đầy biến động này, hạn chế những không gian có ánh sáng chói lòa gây mất tập trung, để thoải mái suy ngẫm, làm việc và trò chuyện.
Barragán lên án những thiết kế kiến trúc không có vùng mờ
Moritz Bernoully, nhiếp ảnh gia và kiến trúc sư người Đức rất tán đồng quan điểm này sau khi tham quan một số dự án của Barragán : “Đối với tôi, cách Barragán chơi đùa với ánh sáng trong các tác phẩm của mình quan trọng hơn thứ gọi là “màu sắc Mexico”. Thay vì sử dụng những ô cửa sổ lớn để tạo ra một không gian tràn ngập ánh sáng, Barragán lại giảm lượng ánh sáng ban ngày xuống mức tối thiểu. Ví như, ánh sáng tại hành lang của “ngôi nhà Gilardi” phải được lọc qua lớp kính mờ màu vàng hay thậm chí trong chính ngôi nhà của mình, ông luôn để cửa sổ ở tận trong góc của mỗi căn phòng.”
Khu vườn và màu sắc
Cuộc gặp gỡ với nhà thiết kế cảnh quan người Pháp, Ferdinand Bac, đã mở mang tầm nhìn của Barragán về chủ đề nét đẹp của những khu vườn. Barragán được truyền nhiều cảm hứng sau khi hiểu được mối quan hệ của Bac với những khu vườn và quan điểm của ông. Barragán đã trích dẫn lời của Bac trong bài phát biểu nhận giải Pritzker năm 1980 như sau: “Linh hồn của những khu vườn che chở cho sự bình yên trong tâm hồn của mỗi chúng ta.”
Sau khi xem ảnh chụp những ngôi nhà của Barragán, Bac đã gửi cho Barragán cuốn sách “Les Colombières” mà ông viết về khu vườn ở Menton trên Riviera thuộc Pháp với vài dòng nhắn gửi: “Gửi Luis Barragán, người mà tôi muốn gọi là con đỡ đầu của mình bởi Luis đã thấu hiểu dự án cải tạo mang phong cách Địa Trung Hải-Tây Ban Nha của tôi.”
Barragán tiếp tục giải thích trong bài phát biểu nhận giải Pritzker rằng sự kết hợp giữa bí ẩn và bình yêu là điều mà ông luôn xem là rất quan trọng trong các tác phẩm của mình. Trí tưởng tượng của Barragán được tự do bay bổng trong các trang trại và khu vườn ở Mexico, truyền cảm hứng cho những thiết kế phóng khoáng và đầy màu sắc trong suốt sự nghiệp của ông.
Xét về cách phối màu của Barragán, nhiều nhà phê bình đề cập đến sự rực rỡ của các tòa nhà bản địa xứ Mexico. Nhưng đối với kiến trúc sư người Nhật, Yutaka Saito, rõ ràng là màu sắc trong công trình của Barragán bắt nguồn từ màu sắc những bông hoa ở nơi ông sinh sống: “Hồng đậm của hoa giấy, đỏ rực của hoa phượng đỏ và tím nhạt của hoa phượng tím, xanh lam của bầu trời và vàng son của đất. Khi tôi lấy những bông hoa và đối chiếu với sự kết hợp màu sắc trong kiến trúc, tôi thấy chúng khớp nhau một cách hoàn hảo.”
Những màu sắc này tạo nên tương phản mạnh mẽ với cây cối xanh tươi. Đôi khi Barragán cũng sơn màu xanh lam cho tường ở sân trong hay trong không gian nội thất, biến chúng thành một phần của bầu trời xanh ngắt, không một gợn mây. Nhưng những màu sắc rực rỡ này không phải là một điều hiển nhiên, bởi để duy trì chất lượng của chúng trong ánh nắng gay gắt của Mexico, người ta phải thường xuyên sơn lại những bức tường này.
Barragán đã sáng tạo ra một loạt các quan điểm đối lập với khát vọng của những người theo chủ nghĩa Hiện đại. Đáng kể là khi những người theo chủ nghĩa hiện đại tìm cách làm nổi bật ưu điểm của kết cấu bằng việc sử dụng những tấm kính lớn thì Barragán lại tìm cách thu nhỏ các ô cửa sổ để chống lại ánh nắng chói chang. Thứ hai là bảng màu mà ông sử dụng có độ phản chiếu thấp hơn nhiều các hình khối trắng toát điển hình của chủ nghĩa hiện đại vào thời kỳ đó. Cuối cùng, những bức tường có bề mặt thô ráp trong các công trình kiến trúc của ông đã tạo ra bóng đổ có sắc thái tinh tế, luôn biến đổi trong suốt một ngày dài.
Thiết kế chất liệu và màu sắc độc đáo của Barragán cho ta thấy một khía cạnh thơ mộng, cân bằng lại các hình khối kiến trúc hoành tráng trong mỗi tác phẩm của ông.
Tác giả
Thomas Schielke
Biên tập
Thuỳ Linh
Ảnh
Barragan Foundation