Hội An qua góc nhìn của Darren Bradley

Chút cảm nhận của Darren Bradley khi nhiếp ảnh gia chuyên chụp kiến trúc hiện đại có dịp ghé thăm Việt Nam, đặc biệt là Hội An.

Thành phố sống đúng như danh tiếng của mình. Toàn cảnh là một bộ phim lãng mạn, pha trộn kiến trúc châu Á và kiến trúc thuộc địa trên những con đường nhỏ dọc theo dòng sông uốn khúc.

Nếu bạn có hỏi người Mỹ về thành phố Hội An ở Việt Nam, hầu hết còn chưa nghe thấy cái tên này bao giờ. Đó là trải nghiệm của tôi. Nhưng đối với những ai biết đến nơi này, đây là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất trên thế giới, có đủ các công trình từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Khi đến đây, tôi không mong đợi chụp được nhiều ảnh về kiến trúc hiện đại nhưng hoá ra là tôi đã nhầm…

Các thành phố cổ quyến rũ và còn được bảo tồn tốt nhất thế giới dường như có cùng điểm chung về lịch sử với Hội An. Nơi đây từng là trung tâm thương mại quan trọng nhất ở Đông Nam Á và cũng là điểm đến chính của thương nhân châu Âu. Nhưng vào cuối thế kỷ 18, dòng sông bị nghẽn bùn khiến các tàu lớn không thể cập cảng. Hoạt động buôn bán chuyển đến Đà Nẵng. Ở đó có bến cảng lớn hơn nhiều (và vẫn là cảng chính của Việt Nam cho đến nay). Hội An trở thành vũng sông và gần như không có tiến triển nào trong gần 200 năm. (Thành phố Bruges ở Bỉ cũng có một câu chuyện tương tự).

Thành phố này như chiếc hộp thời gian. Nó hầu như không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và chỉ được khám phá lại như một điểm du lịch khi Việt Nam mở cửa trở lại vào giữa những năm 90. Ngày nay, dọc con đường nối Đà Nẵng và Hội An là một chuỗi các khu nghỉ dưỡng sang trọng theo suốt đường bờ biển, có các tên tuổi lớn như Four Seasons, Sheraton và Marriott. Đến thị trấn có nhiều khách sạn cổ phục vụ khách du lịch.

Kiến trúc Hội An rất đẹp nhưng hầu hết mọi người dường như có mặt ở đây vì nền ẩm thực. Khách du lịch đổ về tham gia các lớp học nấu ăn là một trong những hoạt động phổ biến nhất của địa phương.

Ảnh: Darren Bradley

Trong khi khám phá những con đường nhỏ duyên dáng của thành phố, tôi sớm phát hiện ra một ngôi nhà hiện đại đẹp đẽ và thú vị từ những năm 1950 ẩn giấu trong những công trình kiến trúc cũ.

Tôi nghi ngờ rằng tất cả đều là thiết kế của cùng một kiến trúc sư, nhưng tôi không thể tìm thấy thông tin gì. Tôi đoán rằng chúng được người Pháp thiết kế và xây dựng vào đầu những năm 50, hoặc do chính người Việt thực hiện vào cuối những năm 50 – đầu những năm 60.

Điều thú vị ở đây là bất cứ khi nào tôi chỉ ra một ví dụ về kiến trúc hiện đại cho người dân địa phương, họ luôn nói rằng đó là kiến trúc “Mỹ” và tỏ ra không quan tâm. Thực tế là phần lớn trong số đó được thiết kế và xây dựng bởi chính người Pháp hoặc người Việt. Hãy nhớ rằng người Mỹ không thực sự xuất hiện tại Việt Nam cho đến giữa thập niên 1960 và hầu hết việc họ làm là các công cụ cơ sở hạ tầng như cầu và đường sắt hoặc căn cứ quân sự. Người Mỹ thực sự có rất ít hoặc không liên quan gì với việc xây dựng nhà ở hoặc công trình thương mại/văn phòng ở đây.

Nhưng dù sao, đối với người Việt thì bất cứ thứ gì hiện đại cũng đều liên quan đến người Mỹ, còn kiến trúc Pháp nghĩa là biệt thự thế kỷ 19, kiểu như vậy.

Rạp chiếu phim ở Hội An.
Tòa nhà bảo hiểm y tế cũ bị bỏ hoang gần Thánh địa Mỹ Sơn. Người hướng dẫn của tôi gọi đây là “tòa nhà kiểu Mỹ”, nhưng rất có thể nó được thiết kế và xây dựng bởi một kiến trúc sư Việt Nam.

Tác giả & hình ảnh
Darren Bradley

Nguồn
Darren Bradley Photography