Nằm tại thành phố Fort Worth của tiểu bang Texas, Bảo tàng Nghệ thuật Kimbell do Louis Kahn thiết kế đã trở thành thánh địa cho những ai có hứng thú với kiến trúc hiện đại.
Ánh sáng tự nhiên là thành phần quan trọng nhất trong thiết kế kiến trúc này. Chúng tạo nên những không gian trang nhã, phù hợp một cách hoàn hảo với các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại đây.
Tại Bảo tàng Kimbell, hình thức khác biệt của hệ mái vòm dạng nửa cung tròn kết hợp với các cửa sổ mái hẹp làm bằng kính acrylic ở trên cao mang lại ánh sáng tự nhiên cho từng không gian.
Các tấm phản xạ bằng nhôm có khả năng xuyên thấu với hình dạng như đôi cánh treo phía dưới cho phép ánh sáng được khuếch tán và chiếu sáng toàn bộ bề mặt nhẵn phẳng của vòm bê tông. Vì lẽ đó, các tác phẩm nghệ thuật dường như được đắm mình trong ánh sáng dịu dàng, mê hoặc.
Bản phác thảo hệ mái vòm
Ba khối nhà, mỗi khối dài 100 foot (30,48 mét), phía trước có mái hiên hình vòm tạo thành mặt đứng hướng tây, lối chính giữa lùi vào so với hai khối còn lại. Đồ án gồm ba sân vườn, mang lại nhiều ánh sáng, lưu thông không khí và gia tăng mối quan hệ giữa không gian bên trong và bên ngoài.
Được xem là một thiết kế hiện đại bởi những chi tiết theo Chủ nghĩa Phục hưng và không có những trang trí rườm rà, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó trong công trình dấu vết của kiến trúc La Mã cổ đại, đó là các vòm cuốn hay mái vòm lớn. Để thực hiện chúng, Kahn đã sử dụng bê tông, đá travertine và gỗ sồi trắng. Hầu như không gian trưng bày đều nằm ở tầng trên nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Các ống dẫn khí và hệ thống cơ khí được đặt gần nhau ở các góc kín của công trình.
Kay Kimbell cùng vợ mình là Velma Fuller thành lập Quỹ Nghệ thuật Kimbell vào năm 1935 dưới dạng một học viện nghệ thuật. Cho đến khi Kay Kimbell qua đời vào năm 1964, vợ chồng họ đã thu thập được một trong những tuyển tập tác phẩm tiêu biểu của các bậc thầy gạo cội, và do đó, các di sản trên đã được gửi lại cho quỹ với mục đích xây dựng một bảo tàng hạng nhất. “Tuyên bố chính sách” của giám đốc quỹ Richard Brown đã nhấn mạnh yêu cầu là công trình mới này cũng phải được xem như một tác phẩm nghệ thuật.
Ông đặc biệt chú trọng đến “ánh sáng tự nhiên phải đóng vai trò quan trọng” trong thiết kế. Ông đã tham khảo nhiều kiến trúc sư như Marcel Breuer, Mies van der Rohe, Pier Luigi Nervi, Gordon Bunshaft và Edward Larrabee Barnes, nhưng rồi đã chọn Kahn vào cuối năm 1966. Không có gì là tuyệt vời hơn thế, bởi Brown đã luôn ngưỡng mộ sự chú trọng của Kahn vào ánh sáng tự nhiên.
Sơ đồ mặt bằng bảo tàng
Sơ đồ mặt cắt
Kiến trúc sư Renzo Piano đã được mời để thiết kế một công trình phụ trợ cho bảo tàng hiện có, với mục đích tạo thêm không gian sử dụng cho các lớp học và studio.
Không gian thính phòng có diện tích khá lớn cho phép âm thanh khuếch đại ấn tượng. Thật thú vị, hầu hết mọi người đều đi vào tòa nhà từ lối vào phụ phía đông. Tòa nhà và nhà để xe mới sẽ đóng vai trò như một rào chắn để ngăn cản việc tiếp cận công trình theo cách trên, du khách sẽ đi vào từ cửa chính. Dự án mới không liền sát với tòa nhà mà Kahn thiết kế, nhưng vẫn sẽ tôn trọng quy mô, quy hoạch và vật liệu, đồng thời, khám phá nhiều hơn tính chất khác của công trình hiện có.
Mặt bằng tổng thể năm 2006
Ảnh
Zereshke
Andreas Praefcke
Biên tập
Thuỳ Linh