Không dễ để tìm được một căn hộ hoàn hảo ở Tokyo. Tất nhiên là có nguyên nhân đằng sau. Đầu tiên, Tokyo là một thành phố không có bản sắc. Khác với Paris, từ thế kỷ 19 Baron Haussmann và Napoleon III đã đặt ra quy định về thẩm mỹ nghiêm ngặt với tất cả các toà nhà: từ chiều cao cho đến kích thước của ban công và cửa sổ. Với lối kiến trúc đô thị đồng nhất như vậy, người ta nhớ về Paris với khung cảnh thành phố rất đặc trưng nhiều hơn là cư dân hay những gì thành phố này mang lại. Trái ngược lại, kiến trúc Tokyo không có gì điển hình nổi bật. Các dãy nhà chọc trời? Bóng đèn Neon? Có thể đã từng có một Tokyo đặc trưng trong Blade Runner 1982 nhưng giờ thì nhà cao tầng đã có mặt ở hầu hết các thành phố Nhật Bản. Tokyo được chia thành 24 phường và mỗi khu vực, mỗi con phố lại có sự khác biệt đáng kể. Kiến trúc vô cùng đa dạng, tất cả các toà nhà đều khác nhau và không đi theo một quy tắc thẩm mỹ nào cả. Tôi không nói rằng điều đó là tốt hay xấu nhưng đó chính là Tokyo. Bạn không có một tiêu chuẩn kiểu ‘Haussmann’ để đi theo nên công cuộc tìm kiếm một căn hộ ưng ý sẽ chẳng khi nào có điểm dừng.
Hoạ sĩ Masanao Hirayama / Ảnh: Tokion
Ngoài ra, không gian công cộng và riêng tư ở Nhật Bản có một mối quan hệ khá độc đáo. Cho đến nay, sentō (nhà tắm công cộng) vẫn được sử dụng rộng rãi và có số lượng lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác. Đi ăn một mình mỗi ngày là điều bình thường và giá cả cũng phải chăng. Điều này cho thấy cư dân Tokyo không tự giam mình trong các căn hộ nhỏ – thành phố là một phần mở rộng cho ngôi nhà của họ mà vẫn mang lại cảm giác gần gũi.
Để nghe thêm từ góc nhìn của người trong cuộc, tôi hẹn gặp nghệ sĩ Masanao Hirayama. Các nét vẽ của anh rất dễ nhận ra, chúng như thoát ra từ ý thức của anh và tiến gần tới trừu tượng. Anh thường vẽ tranh tường lớn trong các phòng trưng bày, nhà hàng và còn minh họa cho tạp chí, sách – cả sách dạy nấu ăn của đầu bếp người Đan Mạch Frederik Bille Brahe, All the Stuff We Cooked (tạm dịch: Những thứ chúng ta nấu), do Apartamento xuất bản năm ngoái. Masanao đang có kế hoạch chuyển nhà – hoặc ít nhất đó là những gì tôi nghĩ khi tới thăm căn phòng trống trải của anh. Nhưng anh ấy nói với tôi rằng anh ấy thực sự đã sống như vậy trong một thời gian dài. Đây có thể là lối một sống của người Tokyo và thiếu không gian không phải là lời giải thích duy nhất.
Một người bạn của tôi kể lại rằng trong nhà anh không có gì nhưng tôi không ngờ nó trống đến vậy. Chỉ có một vài hộp các tông, một chiếc bàn màu trắng và máy tính.
Gần đây tôi không còn mang đồ về nhà nữa. Tôi đã từng mua rất nhiều sách nghệ thuật và tạp chí dành cho người hâm mộ. Tất cả đều nằm trong hộp bìa màu trắng trên kệ.
Vậy là không chỉ vì anh ít đồ đạc, mà mọi thứ trông gọn gàng hơn bình thường vì anh để hết đồ trên kệ.
Vâng, cũng khá gọn gàng. Trước đây tôi từng nuôi mèo nên tôi đóng chiếc kệ đơn giản này lên tường và đặt tất cả đồ đạc của mình ở đó. Tôi thích cảm giác không có gì trên sàn nên tôi vẫn giữ cái kệ mặc dù con mèo không còn ở đây nữa. Thực ra có một thứ tôi đang sưu tầm, đó là ống giấy vệ sinh. Tôi mang theo chúng về từ các quốc gia khác nhau mà tôi từng đi. Gần đây tôi không thể thu thập nhiều hơn vì Covid-19.
Chúng có khác nhau giữa các quốc gia không?
Chúng thường có hình trụ nhưng một số có lõi dày hơn, một số làm từ giấy tái chế, một số có hoa văn sặc sỡ trên đó. Ở Nhật Bản, một số còn có con tem ghi ‘cảm ơn’. Thật thú vị khi quan sát sự khác biệt.
Lời ‘cảm ơn’ đó là dành cho ai? Có phải là ‘cảm ơn’ vì đã sử dụng hết cuộn giấy?
Tôi không biết. Dù sao, tôi cũng cố gắng không có quá nhiều đồ. Căn phòng này là như vậy.
Đã lâu rồi tôi mới quay lại Ikenoue, nơi anh đang sống hiện tại. Có nhiều thứ thú vị quanh đây. Có một phòng trưng bày nghệ thuật – Quiet Noise (Tiếng ồn yên tĩnh), một cửa hàng quần áo – Min-Nano, một nhà hàng ngon, một quán rượu nhỏ.
Đúng rồi. Tôi thích khu này vì nó gần Shibuya và xung quanh khá yên tĩnh, nhưng tôi đang tìm một nơi rộng rãi hơn để sống cùng người bạn đời của mình.
Anh đã tìm được căn hộ nào chưa?
Rất khó. Tôi đã đi xem khoảng 20 địa điểm khác nhau. Nghe có vẻ nhiều nhưng tôi thích việc này. Tôi có lý do để đến thăm những nơi khác nhau, những nơi mà tôi không biết và muốn khám phá.
Bên cạnh việc xem nhà, anh có đi dạo xung quanh không?
Nghe có vẻ lạ nhưng tôi thích đi dạo xung quanh hơn là đi xem nhà. Khi tìm được một căn ưng ý ở Katase-Enoshima, chúng tôi đi dạo trước. Nơi này chỉ cách nhà ga năm phút và ở gần bãi biển. Không khí rất dễ chịu. Sau khi đi một vòng xung quanh, tôi quyết định gọi chủ nhà để hẹn xem nhà nhưng họ nói rằng đã có người thuê rồi. Tôi thậm chí không có cơ hội vào căn hộ. Lúc nào cũng như vậy.
Thông thường người ta sẽ làm ngược lại. Anh gọi điện hẹn trước rồi mới tới xem. Vậy anh đã đi những đâu rồi?
Tôi cũng đã tới phía đông Tokyo, đến một khu tên là Kiyosumi Shirakawa, một khu dân cư gia đình tên là Futako-Tamagawa, Kajigaya ở Kawasaki và Sangenjaya.
Phỏng vấn
Takuhito Kawashima
Hình vẽ trong bài
Masanao Hirayama
Nguồn
Apartamento
Biên tập
Hạnh Nguyễn
Khi anh nhắc đến những địa điểm này, có vẻ như anh không chọn một nơi thuận tiện hoặc ở trung tâm thành phố. Anh tìm kiếm điều gì ở một căn nhà? Điều kiện bắt buộc phải có là gì?
Quan trọng nhất là yên tĩnh, chúng tôi cũng ưu tiên nơi nào có ánh nắng mặt trời. Chúng tôi từng đến xem một căn hộ ở Nakameguro, một nơi rất thuận tiện gần Shibuya. Căn phòng rộng và khu phố thì xinh xắn, nhưng có một vấn đề là cửa sổ nhỏ quá. Tôi nghĩ như vậy không ổn nên đi tìm tiếp.
Môi trường lý tưởng với anh là gì?
Gần biển, gần núi nhưng không quá xa thành phố. Có siêu thị, hiệu thuốc gần nhà. Tất nhiên không có nơi nào hoàn hảo cả, vì vậy tôi chỉ cố gắng tìm một nơi đủ tốt. Nhưng ngay cả khi nghĩ vậy, tôi vẫn thấy có những nơi tốt hơn. Vì vậy tôi tiếp tục tìm kiếm.
Tôi hiểu rồi. Anh quan tâm cả bên trong và bên ngoài. Khi nhìn vào căn phòng này, tôi thấy anh không cần phải có đầy đủ mọi thứ – đặc biệt là ở Tokyo, nơi những ngôi nhà có diện tích rất nhỏ. Tôi nhớ một kiến trúc sư nổi tiếng đã nói rằng trong và ngoài chỉ là tương đối; nếu nhìn từ góc độ trái đất, nơi chúng ta sống luôn là bên trong.
Đó là một ý tưởng thú vị. Nhà viết luận Nhật Bản Jun Miura nói ông ấy coi thư viện gần nhà là giá sách của mình. Tôi cũng suy nghĩ tương tự. Tôi coi nhà hàng đầu phố là bếp của mình. Nên tôi không cần quá nhiều đồ trong nhà.
Các chức năng lẽ ra phải ở trong nhà cũng có thể tồn tại ở bên ngoài; nên chọn môi trường cũng là việc cần chú ý. Có căn hộ nào anh không thích không?
Chỉ là vấn đề chi tiết thôi. Tôi không thích nhà bếp không có kho chứa, chỉ có bồn rửa và bếp nấu.
Tại sao vậy?
Bạn cần chỗ để chảo và các đồ dùng khác mà. Nếu nhà bếp chỉ nhìn đẹp thôi thì tôi không nghĩ đó là thiết kế.
Tôi hiểu. Đó là thiết kế vô dụng.
Tôi cũng không thích bồn tắm có khoảng cách giữa tường và bồn, như bồn tắm Clawfoot (một loại bồn tắm có chân kiểu phương Tây). Sau cùng toàn bộ sàn nhà sẽ bị ướt. Nói chung, có lẽ tôi không thích những căn hộ được làm bởi các ‘nhà thiết kế’.
Giám đốc nghệ thuật nổi tiếng Kaoru Kasai từng nói rằng có rất nhiều thứ trên thế giới bị hủy hoại vì các nhà thiết kế.
Tôi luôn nghĩ về điều đó. Tôi có thể làm tốt hơn họ. Tôi nghĩ họ chỉ cần hỗ trợ đưa ra thông tin hoặc lời khuyên. Mà vậy thì chưa đủ để giúp thế giới trở nên đẹp hơn nhỉ?
Giống như khi anh đi siêu thị, những món đồ tươi ngon không được viết bằng màu sắc hay phông chữ lạ mắt, nhiều khi chỉ là tấm bảng viết tay bằng bút dạ ‘2€ cho một con cá thu’.
Rất dễ hiểu và luôn có vẻ ngon.
Anh thích làm gì gần đây?
Tôi hay ra ngoài ăn Yakisoba.
Mural, Ostra Pedrin, Madrid, 2019
Yakisoba? Không phải soba.
Tôi lái xe khoảng hai giờ đến Utsunomiya ở tỉnh Gunma, ăn Yakisoba ở đó rồi quay lại. Nhà hàng Yakisoba mà tôi đã ghé thăm gần đây, tên là Ando, thực sự rất ngon.
Có mì, bắp cải và nước sốt. Món ăn rất đơn giản phải không?
Cửa hàng cũng rất mộc mạc và có cảm giác hoài cổ. Thực đơn chỉ có món này.
Tô lớn, trung bình, nhỏ. Một thực đơn đơn giản và thú vị.
Nó có vị chua vừa phải và rất ngon. Sợi mì dày mà bạn không thể làm ở nhà. Nhắc đến món ăn này, tôi nhận ra tôi thích những thứ đơn giản. Cả về không gian và khẩu vị ẩm thực.
Không hẳn là anh tiết kiệm, chỉ là anh nhìn mọi thứ từ góc độ phẳng: cái gì tốt là tốt. Dù là áo phông hàng hiệu hay áo phông Haynes, chúng đều là sản phẩm chất lượng cao.
Tôi nghĩ sẽ thật đáng tiếc nếu bạn chưa nếm thử hương vị của một nhà hàng như Ando. Một thực đơn tinh tế kiểu Pháp có giá 200€ là ngon, nhưng một món Yakisoba 3€ cũng vậy. Có rất nhiều điều bạn không thể đánh giá chỉ từ một góc độ.
Tôi nghĩ mọi người đang suy nghĩ lại về giá trị của mọi thứ từ sau Covid-19. Thay vì sống trong một căn hộ cao cấp sang trọng, những người xung quanh tôi đã bắt đầu thuê một ngôi nhà vừa phải như một ngôi nhà thứ hai ở nông thôn. Nó tương tự như việc khám phá lại hương vị của Yakisoba.
Điều quan trọng là làm theo bản năng của bạn. Nơi tôi sống tuy nhỏ nhưng có ánh nắng mặt trời trong ít nhất là nửa ngày. Cảm giác khi được ở dưới nắng rất dễ chịu. Đây hoàn toàn là bản năng. Không ai dạy tôi rằng một nơi có ánh nắng sẽ thoải mái hơn một nơi không có.
Tôi nghĩ rằng có những mối liên hệ giữa cảm xúc bản năng và các tác phẩm nghệ thuật của anh.
Một điều gì đó mà mọi người đang tìm kiếm trong tiềm thức?
Anh có thể thấy trên Instagram hoặc ảnh thu nhỏ (thumbnail) trên Youtube—mọi người đều muốn thể hiện điều gì đó. Còn tôi không nghĩ các tác phẩm của anh muốn truyền đạt điều gì cụ thể. Tuy vậy, những thứ đến với chúng ta một cách tự nhiên thường dễ chịu và cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ về nó.
Tôi còn không giỏi trong việc đặt tên. Tôi luôn ước gì mình không cần phải đặt tên cho mỗi tác phẩm nhưng nếu không có gì ở đó, mọi người sẽ không phân biệt được. Nên tôi thường chỉ đánh số chúng. Mặc dù vậy, tôi luôn nghĩ rằng thật tuyệt nếu có một cái tên hay. Gần đây, tôi đã lấy tên của những bức tranh nổi tiếng trong quá khứ rồi vẽ. Tôi đang thử làm việc theo cách khác. Nó giống như tìm kiếm cảm hứng từ các cụm từ.
Cuốn sách dạy nấu ăn của đầu bếp người Đan Mạch Frederik Bille Brahe, All the Stuff We Cooked
Đó là phong cách của anh phải không? Anh tiếp thu những thứ xung quanh mình. Anh không bao giờ đi quá xa.
Tôi có xu hướng được truyền cảm hứng từ những thứ xung quanh nhà hoặc nơi tôi từng đến. Như bạn có thể thấy, không có nhiều thứ trong nhà của tôi và tôi không quan tâm đến việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mà tôi chưa từng nhìn thấy hoặc chạm vào.
Như lúc anh ra ngoài đi dạo ở Katase-Enoshima?
Đúng. Mặc dù tôi không bao giờ phác thảo tại chỗ khi tôi đang đi bộ. Tôi thường chụp ảnh hoặc ghi chép các cuộc trò chuyện mà tôi nghe thấy.
Khi tôi ngồi ở bàn làm việc cả ngày, cố gắng tìm kiếm ý tưởng thú vị trên máy tính thì thường không tìm thấy điều gì đáng kể. Thật bức bối.
Khi bạn đang tìm kiếm thứ gì đó, bạn chọn từ khóa và rồi bạn chỉ loanh quanh ở phạm vi đó thôi. Thay vào đó hãy thử nhìn xung quanh.
Tôi nghĩ lối suy nghĩ này là điều làm cho tác phẩm của anh trở nên độc đáo. Có ranh giới nào giữa vẽ nguệch ngoạc và nghệ thuật không?
Khi nói đến nghệ thuật đương đại, bối cảnh và ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng cho dù đó là vẽ nguệch ngoạc hay vẽ có chủ ý, tôi nghĩ chúng đều như nhau nếu bạn loại bỏ phần ‘ý nghĩa’. Chỉ là vấn đề về sở thích cá nhân. Trước đây, tôi từng nghĩ về sự độc đáo, cá tính: ‘Điều gì làm tôi khác biệt?’ hay về phong cách, chẳng hạn như: ‘Tôi có thể làm gì để khác với những người khác?’. Nếu bạn nhìn khắp thế giới, bạn sẽ thấy mọi người đang làm những điều tương tự mà bạn đang nghĩ đến, vì vậy tôi quyết định làm ngược lại. Khi tôi làm triển lãm cá nhân tại NADiff Gallery, tôi đã mời rất nhiều người và nhờ họ vẽ những bông hoa tulip, tôi cũng vẽ. Tôi còn làm một cuốn sách từ tất cả các bức vẽ này. Tôi muốn để người khác tham gia vào nhiều hơn, đến mức tôi không biết đó có phải tác phẩm của tôi nữa hay không.
8443, 2019