Làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Địa danh này đã có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 400 năm với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (trời phú cho dân có bàn tay lụa).

Sản phẩm ban đầu của làng chủ yếu là vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày như rổ, rá, dần, sàng, thúng, nia…sau này, nhiều nghệ nhân trong làng đã sáng tạo thêm một số sản phẩm khác có thẩm mỹ và ứng dụng cao trong đời sống hiện đại ngày nay như bàn ghế mây, giỏ mây, đồ nội thất trang trí nhà cửa (lọ hoa, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung…) với đa dạng kiểu dáng và kích cỡ.

Để làm ra được một sản phẩm mây tre đan bất kì, dù lớn dù nhỏ, người làm nghề đều phải biết lựa chọn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn chất lượng, rồi tuốt, phơi, chẻ nan sau đó sấy khói rơm hoặc phơi nắng để cho lên màu tự nhiên. Sản phẩm khi đan lên dáng sẽ được nhúng vào một lớp keo, sau đó người thợ đem đi phơi khô (thường đặt ngay ngoài đường phía trước nhà mỗi nghệ nhân) để tăng độ bền khi sử dụng. Nhiều kỹ thuật đan và đường đan cài của nghệ nhân Phú Vinh rất cầu kỳ và tinh xảo, nổi bật như đan xương cá, kết hình hoa, kết màu sắc, tạo hình chi tiết hoa văn nổi trên sản phẩm và họa tiết thổ cẩm được thực hiện như thêu trên vải.

Hiện nay, làng nghề Phú Vinh vẫn còn hơn 60% người dân trong làng theo nghề truyền thống và có rất nhiều gia đình nuôi dưỡng và phát triển nghề truyền thống của làng tới đời thứ ba, cứ cha truyền con nối. Hy vọng rằng, hành trình bảo tồn và phát huy nghề truyền thống mây tre đan nơi đây mãi giữ được lửa hồng như bây giờ.

Địa điểm
Làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa
Huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Thực hiện
Phương Mây

Thời gian
12.2022

Tại các tỉnh phía Bắc, ngoài Phú Vinh còn có làng nghề mây tre đan Thạch Cầu (tỉnh Nam Định).