Sou Fujimoto: Mỗi công trình là một cuộc khám phá

Sou Fujimoto sử dụng kiến trúc làm công cụ thổi luồng gió mới tới đời sống tại nhiều nơi trên thế giới. Với những thiết kế kiến trúc có một không hai, ông đã hoà quyện các chủ thể đối lập một cách uyển chuyển đồng thời làm nổi bật những nét riêng của từng đối tượng, ví dụ không gian bên trong-ngoài, các yếu tố tự nhiên–nhân tạo…

Những sáng tạo của ông tạo điều kiện thuận lợi để thay đổi tương lai. Bài viết dưới đây chia sẻ góc nhìn đa chiều của kiến trúc sư về về đại dịch Covid-19, suy nghĩ của ông về mô hình kiến trúc lý tưởng và tương lai của đô thị.

Kiến trúc sư Sou Fujimoto
Nguồn bài: Tokyo Midtown

Kiến trúc có tính công bằng về mặt giá trị của mỗi đối tượng

Kiến trúc mang trong mình một phần thích ứng với sự đa dạng của môi trường xung quanh. Ví dụ như sự xô bồ tấp nập thú vị ở Roppongi hình thành theo thời gian, điều này không dễ để tạo ra, đối lập hoàn toàn với khu tôi sống thời niên thiếu ở Hokkaido bao quanh bởi thiên nhiên, tôi nhận ra nếu chỉ có phần nhân tạo mà thiếu mảng tự nhiên thì chưa đủ. Ngôi nhà tôi lớn lên nằm ở một chốn nhiều cây, tôi thường dành cả ngày để lang thang quanh đó, những khu phố mua sắm ở Tokyo cũng mang tới cho tôi cảm giác này.

Là một người hiểu được sự khắc nghiệt của tự nhiên, tôi cảm thấy Tokyo là nơi thân thiện với cả hai yếu tố thiên nhiên lẫn nhân tạo. Ở đây, mọi thứ đều được sắp xếp một cách hợp lý với tỉ lệ hài hoà. Tuy nhiên, nếu các toà nhà quy mô lớn còn tiếp tục phát triển thì khả năng không gian sinh hoạt của người dân thành phố sẽ dần bị mất đi. Tôi không muốn loại bỏ yếu tố tự nhiên hay nhân tạo, không phải là cái nào tốt mà là cả hai đều tốt, tôi thực sự muốn kết hợp sự tuyệt vời của hai yếu tố này. Mong muốn này chính là điểm hình thành kiến trúc của tôi. 

House N
Ảnh: Iwan Baan

House NA
Ảnh: Iwan Baan

Tạo ra không gian đa dạng bằng cách pha trộn nhiều yếu tố

Hiểu theo nghĩa tích cực, kiến trúc mang nhiều hàm ý. Nó chứa đựng ý nghĩa của hai thái cực đối lập, chẳng hạn như không gian bên trong – ngoài, cởi mở – bao bọc, đảm bảo sự thông thoáng nhưng vẫn mang yếu tố riêng tư cho người sử dụng. Tôi muốn tạo ra ‘sự đa dạng về địa điểm’ khi kết hợp nhiều yếu tố vào làm một. 

Khái niệm ‘sự đa dạng’ cũng khác nhau trong mỗi dự án. Khí hậu, văn hoá và hình thái ở mỗi nơi khác nhau mang tới sự khác biệt nhất định. Ví dụ khi thiết kế một toà nhà, tôi nhận thấy chẳng nơi nào giống hệt nhau. Sắc thái của một dự án thay đổi theo người chủ dự án. Sự đa dạng cấu thành khi những yếu tố khác biệt này được hoà quyện. Chúng ta sẽ có nhiều phương án lựa chọn và kết quả sẽ rất phong phú. 

Tôi muốn tạo ra một không gian mang nhiều yếu tố đồng thời đảm bảo sự thoải mái cho mọi người. Đồ vật nhân tạo có xu hướng khá đơn điệu, ngược lại thiên nhiên lại rất đa chiều đa cạnh. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng có thể tạo ra một cái gì đó ‘vừa phải’ bằng cách kết hợp cả hai. Sự ngẫu hứng sẽ kích thích những ý tưởng xây dựng các thành phố trong tương lai. 

Mỗi công trình là một cuộc khám phá

Điều đầu tiên tôi làm khi bắt đầu thi công một dự án là nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh ra đời và địa điểm. Thường tôi nảy ra ý tưởng cho mỗi dự án khi nói chuyện cùng người dân lân cận nên tôi dành nhiều thì giời đi thăm địa điểm công trình và trò chuyện với mọi người. Lúc đầu thì chỉ nói mấy chuyện vu vơ nhưng dần dà nhiều tình tiết kết nối lại với nhau thành hình ảnh. Tôi nghĩ quá trình của kiến trúc là sự tích hợp các yếu tố khác nhau qua thời gian, hiếm khi vừa thấy địa điểm là biết ngày sẽ vẽ gì. Ý tưởng có thể thay đổi khi tôi kiểm chứng mỗi khía cạnh của dự án. Cuối cùng khi thuyết phục được bản thân là “À, đây là phương án duy nhất để làm chỗ này”, khi đó tôi mới cảm thấy như khám phá ra được điều gì đó.

Công trình L’Arbre Blance cho tôi cảm giác này. Đó là một khu ở tại thành phố Montpellier miền Nam nước Pháp, gần biển Địa Trung Hải nên khí hậu ôn hoà, phù hợp với các buổi tụ tập thư giãn ngoài trời. Thứ đầu tiên hiện ra trong đầu tôi là mong muốn làm những diện ban công rộng toả ra như tán lá trên cây, dù đây là công trình chung cư cao tầng. Chúng tôi đã thử rất nhiều cách làm và phương án khác nhau kết hợp với nhiều yếu tố tại công trình để tạo ra thành phẩm kiến trúc. Một dự án khác – Khách sạn Shiroiya ở Maebashi (Nhật Bản), đây là công trình kiến trúc cổ điển 300 năm tuổi có từ thời Edo, tôi bắt đầu công việc với ý tưởng tạo ra một đại sảnh bên trong toà nhà. Khi dành nhiều thời gian nói chuyện với chủ đầu tư, ý tưởng cũng dần trở nên phong phú hơn.

L’Arbre Blance
Ảnh: Iwan Baan

Sảnh khách sạn Shiroiya
Ảnh: Katsumasa Tanaka

Dự án Bảo tàng và Thư viện Đại học Nghệ Thuật Musashino (Nhật Bản) tôi làm thể hiện rõ quan điểm ‘làm nhiều để nhận ra’ điều gì đó. Ban đầu tôi định xây một thư viện theo ý tưởng ‘Khu rừng sách’. Nhưng sau đó, khi đi dạo trong thư viện thì một ý tưởng khác nảy ra, tôi “muốn tạo ra một nơi không chỉ để tới tìm sách theo kiểu máy móc mà khách tham quan có thể dạo quanh thưởng thức”. Thêm vào đó, tôi nghĩ giai thông dễ dàng sẽ giúp mọi người tìm sách thêm hiệu quả, đồng thời đảm bảo mỗi người tới sẽ có một cảm xúc vui vẻ và mới mẻ ở mỗi chốn họ ghé chơi. Kết quả là thư viện có không gian giống như một loạt mê cung với các giá sách hình xoắn ốc, một “cánh rừng” để mọi người lui tới lấy cảm hứng, cảm giác thoải mái khi chọn được cho mình một cuốn sách hay và tận hưởng nó ngay tại chỗ.

Thư viện Đại học Nghệ Thuật Musashino
Ảnh: Iwan Baan

Tận hưởng sự tích cực khi tạo ra sự chân thành

Điều tôi luôn trân trọng không phải thứ tôi kiến tạo mà là điều mình muốn sẽ được thấy ở vị trí và bối cảnh đó, được quan sát hành trình chỗ đó thay đổi theo thời gian. Suy nghĩ này có thể hiểu đơn giản là tôi cảm nhận nó ngay thời điểm hiện tại còn tương lai điều đó có thể thay đổi vượt ngoài tầm với của mình. Giống với việc làm nông vậy, mùa màng thay đổi theo thời tiết, địa điểm, người nông dân và cách canh tác của mỗi người. Tuy nghiên với nghề làm nông, chí ít là mình biết mình trồng cây gì, khi nào thì thu hoạch. Còn với chúng tôi thì nó như trang giấy trắng ấy. Thay vì hy vọng công trình của mình có điều gì đó mang lại lợi ích, chúng tôi luôn tìm kiếm những đầu mối hữu dụng tại công trình, ví dụ như mùi của đất hay hướng gió. 

Với kiến trúc thì đây vẫn luôn là một quá trình thử nghiệm và mắc lỗi. Tôi cố làm mọi thứ và gặt hái thành tựu theo cách của mình, nhưng theo cách khác thì tôi thấy mình may mắn vì gặp được những chủ đầu tư tuyệt vời với nhiều dự án có một không hai trong sự nghiệp. Những dự án trong tương lai luôn mới mẻ nên tôi nghĩ điều quan trọng là thái độ tiếp cận dự án bằng niềm hân hoan khi bắt đầu. Tôi luôn nghĩ “Có chuyến phiêu lưu gì mới ở đây nhỉ?” Tôi muốn tận hưởng quá trình làm việc một cách tích cực khi thực hoá được sự chân thành của mình.

Công trình xây dựng và cầu đường quá rành mạch ở các đô thị hiện đại

Hiện tại tôi dành phần lớn thời gian ở văn phòng tại hai thành phố Tokyo và Paris. Tôi có cảm giác gắn bó và thấy an toàn khi “trở về” một trong hai nơi này. Tôi cũng thích New York như hai thành phố trên nhưng cảm giác không thân thuộc, mỗi nơi đều có những bản sắc riêng. Tuy nhiên, tôi rất thích sự kết hợp của đời sống con người với sự năng nổ của mỗi thành phố.

Tôi bị thu hút bởi các thành phố biển như Venice (Ý) và Dubrovnik (Cộng hoà Croatia), mọi thứ ở đó như được gom lại thành một thế giới thu nhỏ. Nếu chúng lọt thỏm trong trung tâm Tokyo, có lẽ tôi sẽ không bị chúng thu hút đến thế. Suy cho cùng, tôi mê ý tưởng về một hòn đảo bao quanh bởi một vùng biển xinh đẹp. Thành phố là nơi mọi người sinh sống với các địa điểm công cộng như toà thị chính và các hàng quán. Một thành phố lớn có mọi thứ không phải là điều lạ, các thành phố nhỏ cũng vậy, tôi thích cảm giác nhiều thứ đa dạng được cô đọng tại một địa điểm. Và thực tế một chút thì điều này thuận tiện cho việc đi lại, thể hiện được sự vận động liên tục giữa con người và thành phố. 

Phương án thiết kế Mille Arbres (có nghĩa là hàng nghìn cây xanh)
Tham gia: Sou Fujimoto Architects, Manal Rachdi OXO Architects

Tôi thấy Tokyo là một thành phố hiếm hoi duy trì được sự kết hợp giữa con người và môi trường trong phạm vi quy mô lớn của thành phố. Mặc dù gần như là nhân tạo nhưng Tokyo được xây dựng theo cách hữu cơ, đa dạng và hài hoà. Đây là điểm thu hút và có tiềm lực phát triển trong tương lai, một phần của mảng màu này có trách nhiệm của kiến trúc sư.

Đây chỉ là ý kiến cá nhân nhưng tôi thấy là sẽ thật lãng phí nếu có quá nhiều sự tách biệt giữa cơ sở hạ tầng, đường xá và cảnh quan. Kiến trúc có thể giống như một con phố và ngược lại, cảnh quan có thể là yếu tố kết nối tạo nên một tổng thể hợp nhất. Rất khó để giải quyết các vấn đề liên quan tới sở hữu nhà nước và tư nhân; tuy nhiên, nếu một dự án quy mô như Tokyo Midtown hoặc Roppongi Hills (Nhật Bản) – dự án cải tạo đô thị ứng với nhu cầu người dân sẽ mang tới sự kết hợp và hoà quyện giữa thiên nhiên cùng con người và cơ sở hạ tầng địa phương.

Tính bất quy tắc trên các con phố mua sắm ở đô thị

Tôi tin rằng sự bất quy tắc sẽ làm phong phú các không gian đô thị, giúp các khu ở và đường phố có “không gian để thở”, điều này thường bị hạn chế trong các dự án quy hoạch. Sự “lộn xộn” của những phố mua sắm luôn hấp dẫn tôi, nơi mà người chủ không gian được tuỳ ý sắp đặt vật dụng của mình. Tôi thấy điều này tồn tại một cách vô thức trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu điều này được vận dụng ở quy mô lớn hơn, khung cảnh đô thị sẽ mang một tấm áo mới. Giả dụ việc lắp đặt một cấu trúc – có thể là một con đường hay một hang động – dẫn lối cho một dòng sông, ở cuối đường là một thư viện, mọi người có thể men theo con sông để tới điểm đích thay vì đi trên mặt đường. Điều này khá thú vị nếu thiết kế được một không gian không bị ngắt kết nối bởi những danh giới.

Tôi nghĩ ý tưởng này thật hoàn hảo nếu được thiết lập ở Roppongi – quận trung tâm ở Tokyo. Địa hình ở Roppongi rất phù hợp với phương án này, đây là nhận định của tôi. Con người không thể kiến tạo một địa thế, địa hình như vậy. Roppongi có chất riêng, nếu ta kết hợp được nét riêng của quận với bối cảnh sẽ tạo được điểm nhấn cho nơi này. Sẽ chẳng có ý nghĩa nếu một địa điểm mới được tạo ra nhưng lại đứng khép kín một mình, một nơi cộng hưởng được với bố cảnh xung quanh đồng thời tạo ra một thế giới riêng của nó là điều đáng hướng đến.

Một xã hội với những hạn chế hay một đô thị phát triển
với nhiều sự lựa chọn cho con người

Tôi có cộng tác để thiết kế cửa hàng UNIQLO PARK Yokohama Bayside (Nhật Bản), đây là sự kết hợp cho chuỗi thời trang UNIQLO và GU, khách mua sắm có thể vào cửa hàng bằng lối chính trong toà nha hay lối cầu thang ngoài trời của công viên. Các khu mua sắm được chia ra theo hãng và nhóm đối tượng khách hàng gồm UNIQLO, GU và khu đồ trẻ em của 2 hãng. Điều đặc biệt là lối ra được thiết kế theo dạng cầu trượt để đi xuống hay dẫn tới bãi đậu xe. Các ranh giới giữa nhiều không gian được xoá bỏ và trở nên hài hoà cùng bối cảnh công viên.

UNIQLO PARK Yokohama Bayside
Nguồn ảnh: Casa Brutus

Với tốc độ đô thị hoá nhanh cùng ảnh hưởng tiêu cực của dại dịch COVID19, tôi thấy lựa chọn cho người dân bị thu hẹp lại, trong khi việc phát triển thành phố lẽ ra sẽ mang tới nhiều lựa chọn hơn cho mọi người. Không có một khuôn khổ bắt buộc cho mỗi người, tôi thấy việc mình có thể đưa ra lựa chọn của riêng bản thân là một sự giàu có cho xã hội.

Mặt khác, xã hội chúng ta cũng cố gắng duy trì trật tự bằng sự hạn chế và những quy chuẩn, điều này có thể duy trì lớp vỏ của trật tự chứ chưa chắc là trật tự của con người. Theo tôi, thay vì hạn chế, sẽ tốt hơn nếu mình hướng người dân tới những lựa chọn. Nó không phải là “nó phải như vậy” mà là “thế này tốt, thế kia cũng tốt”; nếu thực hành được điều này một cách tích cực, tôi nghĩ rằng các thành phố và kiến trúc sẽ dần được cải thiện. 

Trong dự án Đuốc Tokyo – Tokiwabashi ở trước ga Tokyo, tôi là một trong ba kiến trúc sư đang tham gia và phụ trách thiết kế phần trên cùng của Tháp Đuốc cao 300m này. Chúng tôi muốn tạo ra một cấu trúc giống một ngọn đồi. Chủ sở hữu toà nhà muốn “thách thức hướng tới tương lai”, tôi thấy nhiều doanh nghiệp và các nhà phát triển đang có xu hướng này, có lẽ đây cũng là một phần tác động của đại dịch COVID19. “Liệu chúng ra có thể tiếp tục xây dựng các thành phố như cách đã làm không?” là một câu hỏi rất nhiều người đặt ra. Điều này không có ý chối từ trạng thái hiện tại, đúng hơn thì đó là một ý tưởng mang tính tích cực khám phá cách thay đổi thành phố sao cho thú vị hơn. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho khả năng phát triển theo hướng mới. Với tôi thì dự án này đầy thử thách và rất thú vị.

Tháp Đuốc – Tokyo

Thiết kế
Sou Fujimoto Architects

Nguồn ảnh
Mitsubishi Jisho Sekkei Inc

Sự đồng điệu của mỗi cá nhân tạo nên hình ảnh mới của xã hội hiện đại
Kiến trúc tương lai nằm ngoài điều này

Từ giờ tới năm 2050, khái niệm song hành của thiên nhiên và môi trường đô thị sẽ nhận được nhiều quan tâm. Sự khởi nguyên của việc kết hợp các mảng xanh vào kiến trúc đang bắt đầu, do đó chúng tôi đã đưa thêm cây xanh vào kiến trúc. Tương lai gần, không chỉ là cây xanh, kiến trúc sẽ đa dạng hoá và phức tạp hơn, đẩy mạnh mối liên hệ giữa không gian trong-ngoài, bổ sung các yếu tố mang tính địa hình giống như ngọn đồi của Tháp Đuốc tôi đề cập bên trên; điều này sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng quỹ đất trên quy mô toàn cầu.

Mối quan tâm hàng đầu của tôi từ trước tới nay là “những nơi dành cho con người”. Thay vì hiểu theo nghĩa hẹp, tôi quan tâm tới môi trường sống trong tương lai của mọi người, mối tương quan của cá nhân với xã hội kèm theo sự phát triển của công nghệ và các khái niệm khác. Tôi tin rằng hình ảnh xã hội và kiến trúc sẽ luôn song hành với nhau trong tương lai. Tất cả những điều này đều phản ánh và liên quan trực tiếp đến tương lai của kiến trúc.

Dự án SPACE∞TOKYO, một thành phố tương lai ảo nổi trên Vịnh Tokyo,
với nhiều hòn đảo nổi trên bầu trời tạo thành một quần đảo
độc lập ba chiều được thiết kế bởi Sou Fujimoto Architects.
Một số phòng trưng bày ảo đóng vai trò là nền tảng cho các thành phố metaverse trong tương lai.

Khi thực tế ngắm nhìn một công trình được xây dựng từ 2000 năm trước, tôi thấy “Quá tuyệt vời!”. Liệu rằng công trình mình làm bây giờ, 2000 năm sau họ có thấy nó tuyệt không nhỉ? Vì vậy, tôi nghĩ điều tốt nhất là nhận thức của mình cần thường xuyên đổi mới để có những khám phá mới. Trên thực tế, tôi đang thực hành suy nghĩ này mỗi khi nhận được các dự án khác nhau.


Kiến trúc sư Sou Fujimoto sinh năm 1972 tại đất biển Hokkaido (Nhật Bản), ông tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Khoa mỹ thuật Đại học Tokyo. Năm 2000, ông thành lập văn phòng kiến trúc Sou Fujimoto Architects.