Hà Giang nằm ở cực Bắc Việt Nam, được biết đến là cao nguyên đá vì núi đá chiếm tới hơn 90% diện tích cả tỉnh. Dân tộc đông nhất ở đây là người Mông, quần cư nhiều gia đình thành một bản làng nằm rải rác trên những sườn núi cao. Họ có chữ viết và ngôn ngữ riêng, không như một số dân tộc khác hầu như chỉ còn ngôn ngữ truyền khẩu, chữ viết không hề tồn tại.
Căn bếp nhà Vừ, một trong ba căn nhà được đề cập trong tạp chí Notesbook 01. Ảnh: Triệu Chiến
Một số tài liệu lịch sử từng đề cập khá kĩ việc người Mông vốn gốc Trung Quốc, tộc người này về sau di cư dần xuống phía Nam thuộc lãnh thổ phía Bắc của người Việt và vùng Đông Nam Á bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar khoảng cuối thế kỷ 16.
Quan sát kiến trúc của người Mông ở Hà Giang dễ thấy tương đồng với nét kiến trúc nhà thổ lâu ở phía Nam Trung Hoa, nhà chủ yếu sử dụng kết cấu gỗ với hệ tường bao được trình bằng đất, mái lợp ngói âm dương. Hàng rào đá bao quanh căn nhà thường cao không quá đầu người.
Chủ nhà trồng một cây đào rừng ở trong sân, gia đình nào có điều kiện thì sử dụng đá xếp ngay ngắn thành lối đi từ cổng vào tới chân nhà cho sạch. Quy mô căn nhà phụ thuộc vào số lượng người ở, còn vị trí thể hiện tầm nhìn của người chọn đất. Người Mông chủ yếu sống trên núi cao nên nhà của họ thường thấp, cùng lắm chỉ cao tới hai tầng, các phòng chức năng nằm liên gian có hướng nhìn vào khoảng sân trong. Nhà lớn thường có nhiều hơn một khoảng sân đi kèm với quy định về chức năng sử dụng. Lối kiến trúc này tới nay vẫn đứng vững trước những khắc nghiệt về khí hậu và bối cảnh lịch sử.
Trong phạm vi ghi chép này, tác giả muốn giới thiệu về kiến trúc ba căn nhà của ba dòng họ, cung cấp thêm góc nhìn khái quát về nếp nhà người dân tộc Mông trước đây cùng những biến đổi theo thời cuộc.
Xem chi tiết về ba căn nhà này trên tạp chí Notesbook 01