Chùa Đậu

Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo tự hoặc Pháp Vũ tự, dân gian thường gọi là chùa Vua, chùa Bà. Nhiều ghi chép cho thấy công trình chùa được xây dựng từ thời Sĩ Nhiếp, vào những thế kỷ Đầu Công nguyên, xuất hiện cùng với sự tích về Man Nương và Phật Tứ Pháp.

Chính vì tính chất khởi nguồn như vậy nên ngôi chùa luôn nhận được sự quan tâm của các triều đình phong kiến Việt Nam, từng có nhiều đợt, nhiều giai đoạn ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa khang trang. Tấm bia dựng năm Dương Hoà thứ 5 (1639) đời Lê Thần Tông hiện lưu giữ trong chùa có thông tin chùa Đậu được xây dựng từ thời Lý, tiếp tục tu bổ, mở mang vào thời Trần, Lê, Mạc. Chứng tích của những lần xây dựng, trùng tu đó còn để lại đến nay nhiều di vật quý đang hiện hữu trên các công trình kiến trúc trong chùa.

Chùa được xây dựng với quy mô lớn, trong khuôn viên, các công trình kiến trúc nhà thờ tiền Phật, hậu thánh, bố cục giống hình chữ Công, xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ Quốc. Sau Tam quan và gác chuông cao chừng 8m gồm hai tầng tám mái là một khoảng sân gạch hình chữ nhật, có diện tích chừng vài trăm mét vuông. Góc ngoài bên trái sân chùa có cây đa cổ thụ, bóng rợp che kín một góc chùa. Qua sân gạch là lên nhà tiền đường. Hai bên nhà tiền đường là dãy hành lang song song, đặt tượng của các vị La Hán và năm tấm bia đá.

Toà Thượng điện nằm ở chính giữa chùa, cụm gian phía ngoài Tam bảo thờ Phật, phía trong ban thờ Thánh Bà còn gọi là Bồ tát Pháp Vũ. Tượng Thánh Bà màu đỏ sẫm do nghệ nhân Cửu Bén (nghệ danh của nhà điêu khắc Đào Văn Can) tạo tác, được đúc bằng đồng, hoàn thành vào năm 1950, đặt trong am sơn son thếp vàng. Thượng điện là công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Mạc. Tuy nhiên, tòa nhà này đã bị hủy hoại hoàn toàn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện vật còn để lại là những viên gạch rồng thời Mạc, bệ đá kê chân cột chạm khắc hoa văn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI, những viên gạch hòm sớ mà trên mặt có dập nổi hình hổ, voi, ngựa, chim đầy chất dân gian của thế kỷ XVII và một số tượng Phật cổ. Phía trong cùng là một dãy nhà tổ, xây ngay nối với hai hành lang tạo thành một cụm kiến trúc kép kín.

Ảnh
Triệu Chiến

Đáng quý nhất ở chùa Đậu là hai pho tượng bằng sơn phủ lên thi hài của hai nhà sư trụ trì tại chùa nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Pho tượng thi hài của nhà sư Vũ Khắc Minh được đặt trong lồng kính để trên bệ xây gian bên phải nhà tổ. Tượng này nhỏ bé, trông hệt người thật đang trầm tư mặc tưởng. Tượng ở tư thế ngồi thiền, đầu hơi ngả về phía trước, cao 0,57m. Hai chân vắt chéo nhau, ống chân trái đè lên ống chân phải. Bàn chân phải ghếch lên đùi trái, bàn chân trái ghếch lên đùi phải. Hai bàn chân ngửa. Hai tay đặt trước bụng so le nhau, tay trái ở phía trong, tay phải ở phía ngoài. Lòng bàn tay trái ngửa lên phía trên, lòng bàn tay phải hướng về phía bụng, trong động tác lần tràng hạt. Xương ngực hằn lên, xương sống nhô rõ từng đốt. Cả pho tượng nặng bảy cân. Trên đầu có một vết nứt, mắt thường có thể nhìn thấy hộp sọ. Trên sống lưng cũng có một lổ thủng nhỏ, thấy rõ đốt sống.

Còn pho tượng thi hài nhà sư Vũ Khắc Trường được đặt trong lồng kính để trên bệ gạch ở gian bên trái nhà tổ. Tượng ở tư thế ngồi, cao 0,70m, lưng thẳng, mặt béo, tai dầy, chân xếp vòng tròn, môi tô son, lông mày kẻ vẽ. Toàn thân được quét một lớp sơn trắng, hình dáng phảng phất tượng Phật. Tượng này mới bị hỏng và được đắp vá lại bằng thạch cao. Nay phần thạch cao ở đầu gối và khuỷu tay vỡ ra để lộ xương chân và xương tay.

Chùa Đậu là một kiến trúc Phật giáo đặc biệt của Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân gian, đồng thời, là một kiến trúc lớn quốc gia còn lưu giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc.