Đình Cao Đài

Đình được xây dựng trên khu vực thái ấp xưa của Thượng tướng Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải, thờ ông và phu nhân là Phụng Dương Công chúa.

Kiến trúc đình Cao Đài được làm theo kiểu chữ nhất hậu chữ đinh trên một khu đất rộng, thoáng mát. Tòa tiền đường 5 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, bộ vì kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy. Công trình được trùng tu năm Mậu Thân đời vua Duy Tân năm thứ 2 (1908) nên đường nét kiến trúc và lối chạm khắc tại khu vực này mang đặc trưng phong cách thời Nguyễn.

Tiếp sau là toà trung đường và hậu cung xây kiểu chữ đinh, mái cong lợp ngói mũi hài. Khác với tiền đường, trung đường và hậu cung có kiến trúc và chạm khắc mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Hai cột và bộ cánh cửa của tòa trung đường có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật với chủ đề: rồng, hoa lá, chim, tiên nữ được chạm kênh bong khá sắc sảo. Xà trên cửa võng hậu cung chạm một dòng chữ Hán trong khung hình hoa sen “Đại vương thượng đẳng thần từ”.

Đình Cao Đài hiện còn lưu giữ được một số di vật quý, trong đó phải kể đến tấm bia đá được soạn khắc năm 1293. Nội dung cung cấp tư liệu về công chúa Phụng Dương, thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285).

Cách đình Cao Đài 200m về phía trước là khu mộ Phụng Dương công chúa đặt trên một gò cao, cây cối um tùm và người địa phương quen gọi là Phủ Rừng.

Địa điểm
Thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định

Ảnh
Triệu Chiến