Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân thuộc thôn Xuân Vũ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất này xưa kia là kinh thành cũ (đầu tiên) của nước Việt và làng đá Ninh Vân thời kì đó đã nổi tiếng với nghề làm tượng đá cho kinh thành và đền chùa ở Hoa Lư, từ thời các vua Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009). Cho đến tận bây giờ, mỹ nghệ đá Ninh Vân vẫn nổi tiếng khắp cả nước với những tác phẩm điêu khắc đá như tượng đài bà mẹ chiến sỹ ở Thủ Đức (TP.HCM), tượng đài nghĩa trang liệt sỹ ở Trường Sơn, tượng Bác Hồ (Nghệ An, Vĩnh Phúc), tượng mẹ Suốt (Quảng Bình)…

Ghé thăm làng đá Ninh Vân vào dịp cuối năm, điều làm tôi ấn tượng đầu tiên chính là cổng làng được làm từ những khối đá xanh rất lớn, trên thân được chạm khắc tinh xảo. Men theo lối vô làng là những mái nhà phủ đầy bụi đá, những sản phẩm mỹ nghệ đá đủ chủng loại, mẫu mã được bày trước sân. Có thể thấy, nghề chạm khắc đá ở đây đang là sinh kế chính của hơn 80% hộ dân trong xã trong làng. Những xưởng làm đá lớn nhỏ rải đều khắp xã, tiếng máy đục, máy mài vang lên không ngớt để kịp làm xong đơn hàng của khách đặt trước Tết Nguyên đán.

Quan sát những tác phẩm được trưng bày khắp làng, tôi thầm mến phục tài năng và sức sáng tạo của những nghệ nhân “làm việc với đá” ở Ninh Vân, không hiểu bằng cách nào, một tảng đá xù xì góc cạnh, qua bàn tay của người dân nơi đây, lại biến thành những sản phẩm đầy thẩm mỹ và tinh tế đến vậy.

Thực hiện
Phương Mây

Thời gian
01.2023

Có dịp ghé thăm và cuộc trò chuyện với bác Ánh – một nghệ nhân với gần 40 năm tuổi nghề đã giúp tôi hiểu hơn về công việc điêu khắc và chạm trổ đá mỹ nghệ. Đôi mắt bác không giấu nổi niềm tự hào khi tiếp chuyện tôi: những công trình như nhà thờ đá Phát Diệm, tượng đại mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng đài mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, rồi rất nhiều tượng đài Bác Hồ trên khắp cả nước hay Long sàng đá được trưng bày ở đền vua Đinh Tiên Hoàng đều do người làng Ninh Vân tận tâm thực hiện.

Để tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ đá cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao ở người thợ. Trước đây, hầu hết đều được đục đẽo hoàn toàn thủ công bằng tay, mất rất nhiều thời gian và công sức, hiện giờ công việc này đã bớt nhọc hơn nhờ có sự tham gia của cơ khí và máy móc. Để tạo hình, bước đầu người thợ nghề chủ yếu sử dụng búa, tạ, xà beng để tạo tác từ một khối đá lớn. Bác Ánh còn giải thích thêm cho tôi khâu bóc tách đá thì thợ nhà bác cần dùng tới con vọt, con chạm. Bước chạm khắc phải sử dụng đục. Theo bác Ánh chia sẻ rất tỉ mỉ thì “cái nghề này còn sử dụng rất nhiều loại mũi để chế tác. Ví dụ mũi bạt để chặt cạnh góc vuông hay đường thẳng, mũi ve để chạm các chi tiết nhỏ và mũi ngô để định hình những đường lượn tròn, uốn góc. Ngoài ra không thể thiếu các dụng cụ như cưa, khoan  trong nhiều công đoạn để làm nổi các chi tiết chạm khắc.”

Nghe bác nói, trong lòng tôi thầm kinh ngạc và kính nể những nghệ nhân Ninh Vân. Kinh ngạc bởi sự phức tạp trong mỗi công đoạn làm ra một sản phẩm mỹ nghệ đá, kính nể bởi sự giỏi giang, tỉ mỉ và óc sáng tạo của người nghệ nhân. Chưa kể, cái nghề này vất vả, cực nhọc vô cùng. Người ta thường ví von “nặng như đá”, vậy mà ở đây, quanh năm suốt tháng mọi người đều làm việc với những khối đá lớn nhỏ khác nhau. Nhẹ thì vài chục cân, nặng thì vài tạ, vài tấn và hơn thế nữa. Cũng vì lẽ này mà việc vận chuyển vật liệu hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chốn làm việc thường ở ngoài trời bất kể nắng nóng hay mưa rét, vừa bụi và ồn. Thế nhưng người Ninh Vân vẫn miệt mài với nghề, không ngừng sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để phục vụ thị hiếu của khách gần xa nhằm góp phần duy trì, nuôi dưỡng và phát triển làng nghề truyền thống mà ông cha đã gây dựng và tiếp nối bao đời.