Là một nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật dân gian, thông qua dự án này, chủ đầu tư mong muốn lưu giữ những giá trị trường tồn của Đạo Mẫu, vốn là tín ngưỡng nội sinh của người Việt Nam từ bao đời, có sức sống bền bỉ nhất đến tận ngày nay.
Công trình được thiết kế bởi văn phòng ARB Architects, trong khuôn viên có diện tích khoảng 5.000 m2, thuộc về một ngôi làng nhỏ gần thủ đô Hà Nội. Nơi đây được lấp đầy bởi một vườn vải có tuổi đời gần 50 năm cùng nhiều loại cây ăn quả, cây Tùng và các cây bonsai. Ở hiện trạng còn một ngôi nhà nhỏ, vốn là nơi người chủ thường lui tới mỗi dịp cuối tuần.
Cả đội ngũ kiến trúc sư và chủ nhà đều thống nhất giữ lại tất cả những thứ đang “hiện hữu trên mặt đất”, gồm toàn bộ cây đang bám rễ trong vườn, ngôi nhà cũ, hàng rào, trụ cột cổng. Còn những thứ “không chạm xuống đất” như cánh cổng được thay thế, các cây bonsai trồng trong chậu được bán cho những người chơi cây cảnh. Ngoài ra, tầng lửng bên trong ngôi nhà cũ được tháo dỡ để cải tạo nơi đó thành một không gian lớn hơn có chức năng trưng bày những tác phẩm tranh vẽ về Đạo Mẫu.
Những khối công năng mới bao gồm khu lưu trú, phòng tranh và khu bếp chung được bố trí gọn gàng xung quanh ngôi nhà cũ mà nay đã được cải tạo thành khu trưng bày các hiện vật về Đạo Mẫu, mục đích muốn tránh tối đa việc di chuyển cây hiện trạng. Từ bên ngoài đường liên xóm, vườn vải cổ thụ như được đóng khung và dấu kĩ sau cánh cổng nhà, kiến trúc vừa tách biệt vừa hài hoà cùng bối cảnh ở địa phương.
Vật liệu chính của công trình này là ngói ta, được người chủ nhà thu gom từ hàng trăm ngôi nhà cũ và cổ quanh mấy địa phương lân cận. Thực trạng đô thị hoá đã và đang hiện hữu ở khắp các làng quê góp phần tạo nên một diện mạo mới của kiến trúc làng xã. Nhiều gia đình giờ không còn muốn giữ lại những nếp nhà mái ngói thuở xưa, thay vào đó, họ xây lên những công trình mang vẻ hiện đại và kiên cố hơn nhiều. Chính điều này đã tác động đến mong muốn lưu lại hình hài xưa thông qua kiến trúc đương đại của nhóm thiết kế và chủ đầu tư công trình.
Ý tưởng sử dụng ngói cũ đến từ ký ức của tôi mỗi dịp đi xem hầu Thánh. Tôi nhớ cảm giác linh thiêng qua khói hương, qua ánh sáng của buổi chiều hắt sâu vào tận bên trong những mái đền được lợp ngói chìa ra. Đứng từ xa, tôi có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn đường nét kiến trúc được tạo nên bởi hệ mái được xây thấp, tựa bức rèm buông thõng để thanh âm, vũ điệu, khăn áo cô đồng và tay quỳnh tay quế hội tụ vừa đủ trong một khuôn hình.
Nguyễn Hà / ARB Architects
Thông qua bảo tàng Đạo Mẫu, ngói từ hàng trăm nếp nhà cũ được giữ lại, tiếp biến trong đời sống mới thay vì vứt bỏ. Vật liệu tiếp tục trải nghiệm một hành trình mới, hành trình cùng lưu giữ nét tín ngưỡng nội sinh của dân tộc.
Thờ Mẫu một tín ngưỡng thuần Việt, thờ các vị nữ thần, thờ mẹ thiên nhiên và đỉnh cao là nghệ thuật hầu đồng huyền bí, chứa đựng niềm tin mãnh liệt và khát vọng sống tha thiết của người Việt. Ngoài sự mầu nhiệm mà mỗi cá nhân gửi gắm qua niềm tin của mình thì nghi lễ hầu đồng còn là một cách mỗi thanh đồng (cô đồng) vượt ra hẳn bên ngoài thế giới niềm tin diệu kỳ ấy.
Những giá hầu thường diễn ra ở các đền, phủ. Xét ở góc độ nghệ thuật, đây là hoạt động biểu diễn (performance art) gắn liền với đời sống, vậy nên dù nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hiện dần bị mai một nhưng hầu đồng vẫn có đời sống riêng. Bởi đây là bộ môn nghệ thuật trình diễn không có hậu kỳ, không có cánh gà, các giá hầu tiếp nối nhau ngay tại chiếu hầu, mỗi lần chuyển cảnh tương tự một chương nghệ thuật trình diễn rất riêng, điều mà với các loại hình trình diễn khác sẽ thường diễn ra ở cánh gà.
Ảnh
Triệu Chiến