Con đường gần chục cây số kéo dài từ quốc lộ 4 đi vào đến thôn Lùng Phin ở xã Na Khê có thể gọi là con đường “vất vả” với những ai dưới xuôi lên đây thăm núi. Còn với người dân tộc Dao Đỏ đang ngày ngày mưu sinh tại đây thì họ vốn đã quen với cảnh gập ghềnh xóc nảy. Từ khi thủy điện sông Miện 1 hình thành, dưới lòng sông giờ nhiều chỗ không thể đi qua như trước, thành thử việc xuyên núi băng rừng hoàn toàn phụ thuộc chính vào con đường đất.
Lùng Phin chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa phùn nhẹ. Cả thôn chỉ nghe tiếng gà kêu, có lẽ mọi người đã lên nương lên rẫy. Thấy người lạ, mấy con chó làm căng khiến thôn bản trở nên ồn ã. Chúng tôi ghé thăm cụm 5 nếp nhà nằm sát bên nhau, cao độ mỗi căn bám theo địa hình đồi, từ nhà trên cao dễ thấy toàn bộ hệ mái, khoảng sân, khu nhà chứa và khu gia súc của căn dưới thấp. Quý nhất là nhà nào cũng có một khoảng sân trời, là không ngăn cách giữa nơi người ở và nơi thú ở. Khoảng trống này theo mùa vụ sẽ thành sân phơi, vừa là chỗ chơi đùa của lũ trẻ, chỗ nằm lim rim của con chó, chỗ để tạm đống rau mới cắt mang về xắt cho đàn lợn có bữa chiều.
Mái nhà của người dân tộc vùng núi luôn là điểm trọng yếu quyết định tới sự tồn vong của căn nhà. Nhà của người Dao Đỏ tại đây sử dụng mái âm dương truyền thống, gió về khu này chắc ít hơn bên phía Đông Bắc Bộ nên hầu như mái nhà ở bản làng này cũng chưa cần phải lấy đá suối chặn trống xô. Người Dao làm mái nhà đơn giản và chắc chắn, họ đề cao tính bền vững và vẻ đẹp đơn giản hơn sự trang trí cầu kì.
Người Dao xưa có gốc ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), gồm bảy nhóm. Ở Việt Nam hiện có ba nhóm chính gồn Dao Tuyển, Dao Nga Hoàng và Dao Làn Tẻn (Dao Chàm) có dân số không đông, sống rải rác khắc các tỉnh miền núi phía Bắc ở Việt Nam từ thời Lê vào cuối thế kỉ 17. Phong tục và nghi lễ của người Dao phần nào phản ánh con đường vất vả để họ đến được Việt Nam, từ băng biển, vượt núi, qua sông theo lối Hải Nam, Phòng Thành tới Bắc Giang. Từ đó, người Dao theo sông Lô ngược lên cao tới Hà Giang, hình thành nên người Dao Áo dài, nhánh khác theo sông Chảy tới Lào Cai, lớp hậu duệ ngày nay gọi là Dao Tuyển. Nhóm còn lại ở vùng Nga Hoàng, thuộc địa phận Yên Lập, Vĩnh Phúc một thời gian thì họ di cư lên Văn Chấn (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai), định hình tổ tiên của người Dao Quần chẹt ngày nay. Trang phục là chìa khóa chính để phân biệt giữa các nhóm người Dao. Vốn được đánh giá là dân tộc thiểu số có nền văn minh và văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của người Dao từ bao đời vẫn giữ được giá trị cho tới ngày nay.
Người Dao ở Việt Nam dân ít, sống chủ yếu ở nơi địa hình núi cao nên bản làng cũng hình thành hai kiểu phổ biến, dạng làng phân tán du canh du cư và dạng làng tập trung định cư. Môi trường, thiên nhiên và điều kiện địa lý góp phần không nhỏ hình thành nên kiểu sống và sinh hoạt ngắn dài.
Làng phân tán thường phổ biến ở những nhóm người Dao sống bằng nghề làm nương rẫy. Do điều kiện canh tác không ổn định, ngắn ngày nên người dân tộc Dao sống ở những bản làng phân tán không quá quan niệm an cư. Trong kiểu làng này, các hộ gia đình có thể sống cách xa nhau hàng cây số, hầu như nhà nào biết nhà đấy, ít có thời gian giao tiếp thăm nom. Chủ yếu nếu có đi làm nương hoặc lên chợ phiên mới có dịp gặp nhau. Nhưng khi mỗi nhà có việc, như cất nhà, hiếu hỉ, việc của dòng tộc…thì tinh thần đùm bọc và giúp đỡ nhau vẫn thấy rõ trong nếp sống của người Dao.
Còn kiểu làng cư trú tập trung thường thấy xuất hiện ở khu vực sườn đồi, gần nguồn nước như sông suối. Điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở những khu vực này tương đối tốt khiến người Dao muốn an cư, ổn định sản xuất, thay vì du canh họ chuyển sang định cư và luân canh. Mỗi bản làng như vậy thường có vài chục nóc nhà nằm gần nhau, len lỏi giữa những mảng xanh của núi rừng.
Ngoài các tỉnh miền núi phía Bắc, gần đây có một số nhỏ người dân tộc Dao chuyển vào sinh sống ở khu vực Tây Nguyên. Nhưng dù cư trú phân tán và có nhiều nhóm, nếp nhà của người Dao vẫn dễ nhận ra nét đặc trưng, chủ yếu gồm nhà đất, nhà sàn (người Dao quần trắng ở Yên Bái) và nhà nửa sàn nửa đất (người Dao đỏ ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai).
Theo thời gian, dù ở khu vực ít tiếp cận với sự phát triển của kiến trúc nhưng nếp nhà của người Dao cũng dần thay đổi. Tuy nhiên, số hiện đang tồn tại còn lại lưu giữ nếp nhà Dao còn khá nhiều, dễ nhận ra khi bước vào bên trong và chiêm ngưỡng bộ khung định hình ngôi nhà hay cách thức tổ chức mặt bằng sinh hoạt.
Vật liệu sử dụng làm nhà chủ yếu kiếm quanh nơi họ sống. Gỗ, tre, nữa, lá…đều có thể tận dụng làm nhà. Trong xóm này, chủ yếu thấy mấy căn nhà 3 gian, có căn thì 5 gian, không hề có chái như nhà truyền thống dưới xuôi. Kết cấu đơn giản gồm hệ vì kèo đỡ cái mái bên trên, tường trình bằng đất khá dày, các chi tiết điêu khắc gỗ chủ yếu ở dạng đơn giản.
Ghi chép
Trần Trung Hiếu
Ảnh
Triệu Chiến
Thời gian
05.2022
Tư liệu hình minh hoạ được chụp trong chuyến khảo sát điểm trường vùng cao Lùng Phin ở xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.