Sep’on

Khách sạn này được thiết kế bởi 324Praxis architects, ngụ tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) – nơi có bầu không khí kết hợp giữa một thành phố du lịch với đời sống bản địa. Công trình có hướng chính nhìn ra biển và những ngọn núi phía xa.

Chúng tôi muốn tạo ra một công trình khách sạn có tinh thần công cộng và thân thiện, không hạn chế hành vi cũng như tiếng ồn mà mọi người vô tình tạo ra. Ý tưởng thiết kế hướng đến những không gian sống bình dị trong toàn bộ khách sạn.

324Praxis architects

Mặt tiền khách sạn được thiết kế mở và linh hoạt, nơi đây được nhóm kiến trúc sư bố trí một quầy phục vụ cà phê và rượu để bất kì ai có dịp đi ngang qua muốn ghé vào thưởng thức đều dễ dàng tiếp cận từ bên ngoài.

Ảnh
Nhật Duy, Lê Bá Lộc

Để thích ứng với điều kiện cảnh quan xung quanh, nhóm kiến trúc sư tạo ra 3 khu vực khác nhau với đa dạng tầm nhìn về hướng núi hoặc biển, tương ứng với 3 khối nhà (5 tầng, 3 tầng, 4 tầng) nằm trải dài theo chiều sâu khu đất. Chuỗi không gian tương tác và liên kết với nhau thông qua những khoảng trống, giúp mở rộng tầm nhìn xuống khu vườn phía dưới hoặc bầu trời bên trên.

Chúng tôi tìm cách biến không gian này thành một chốn yên bình, tựa khu vườn treo trên hệ thang xoắn được gắn vào tường.

Kiến trúc sư Đinh Tất Đạt

Khu vực phía mặt tiền là khối nhà 5 tầng được xoay 20 độ so với tuyến dọc khu đất, để lộ ra khoảng sân vườn hình tam giác trải dài liên tục về phía cuối nhà. Khu vực tiếp tới là phần mở rộng kết cấu của khu vực thứ nhất, gia cố khả năng chịu lực bởi giải pháp xoay thêm 30 độ mà không cần tăng cường kích thước của các cấu kiện chịu lực. Khu vực cuối cùng là phần cuối khu đất với đặc điểm dài và hẹp, đây là không gian di chuyển và kết nối với không gian sinh hoạt chung của khách sạn.

Ở khu vực sinh hoạt chung, ngoài không gian thưởng thức cà phê và quầy bar ở tầng trệt, khoảng liên thông lên tầng lửng là nơi mọi người có thể ngồi đọc sách, ngồi thư giãn hoặc trò chuyện cùng nhau. Khoảng sân thượng dành cho những người mong muốn tận hưởng thiên nhiên, còn một tầng nữa được bố trí làm nơi tổ chức những hoạt động yoga và thiền do có tầm nhìn khá bao quát và yên tĩnh.

Để mọi người dù ở bên trong khách sạn nhưng luôn cảm nhận được tinh thần của một không gian công cộng ngoài trời, 324Praxis architects đã chọn và sử dụng vật liệu có gợi tính cởi mở, giống chất liệu được sử dụng để xây dựng công viên.

“Quá trình khảo sát cho thấy nguồn vật liệu tại địa phương khá giới hạn về thẩm mĩ và tính chất đa dạng nên cuối cùng chúng tôi quyết định sử dụng bê tông rửa chia sọc – loại vật liệu được ứng dụng nhiều ở các công viên với đặc tính chống trơn trượt và có thể tạo ra màu sắc rất gần với màu của đất bằng việc điều chỉnh tỉ lệ các thành phần cốt liệu.” – đại diện đơn vị thiết kế cho hay.

Cũng theo đơn vị thiết kế chia sẻ: “Với chúng tôi, suy nghĩ về công trình này như một “Biophilia” – thuật ngữ xuất hiện vào năm 1984 với nhà sinh vật học Edward O. Wilson, ông chỉ ra mối quan hệ bẩm sinh của con người với mọi sinh vật. Với định nghĩa này, ông cố gắng nhấn mạnh sự phụ thuộc chặt chẽ của chúng ta vào thiên nhiên vì lợi ích của mối liên hệ với những sinh vật sống khác và môi trường mà chúng ta phát triển.”