Từ một di tích lịch sử bị bỏ hoang, Etsi Architects đã làm việc cùng một đội ngũ chuyên gia trong hơn 8 năm để biến Teloneio thành một ngôi nhà hiện đại, đồng thời bảo tồn được giá trị của công trình đối với cảnh quan, lịch sử và cộng đồng địa phương.
Trạm hải quan Teloneio trước khi cải tạo bên bờ biển Hy Lạp.
Nằm ở bến cảng Kardamyli – Hy Lạp, Teloneio từng là cứ điểm quan trọng vào thế kỷ 18. Tới những năm 1960, công trình được tu sửa thành nhà nghỉ nhưng nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian ngắn. Kể từ đó đến nay, Teloneio chỉ là một tàn tích phủ bê tông không ai sử dụng.
“Tiền thân là một trạm hải quan kiên cố, Teloneio ban đầu được thiết kế để bảo vệ, có kho chứa hàng hoá ở tầng dưới và không gian phòng thủ quân sự ở trên. Chúng tôi muốn mở rộng và kết nối không gian hai tầng của cả hai khối nhà, thêm các tính năng cần có cho một mái ấm.” – Etsi Architects chia sẻ.
Phần bê tông thêm vào trong những năm 60 được cận thận gỡ ra, biến toà nhà thấp lùn trở nên mảnh mai hơn và để lộ những mảng tường bằng đá từ thế kỷ 18.
“Chúng tôi phục hồi tường bao quanh nhà dựa trên kiến trúc ban đầu. Chúng tôi còn làm lại mái nhà và thêm cửa sổ để không gian sống có đủ ánh sáng và thoáng khí.”
Ảnh
Julia Klimi
Hai khối nhà nối nhau bằng một khoảng sân trong có mái che, ngoài ra các phòng đều có lối đi riêng ra bên ngoài. Bên trong nhà, các phòng cũng có lối đi chung. Etsi Architects còn đặt vào khối nhà chính một cầu thang dẫn ra ngoài ở phía nam, liên kết hai khối nhà với nhau. Như vậy, cư dân có thể thuận tiện di chuyển tự do cả trong và ngoài.
“Teloneio ở hiện tại là thành quả từ sự hợp tác với các chuyên gia bảo tồn. Chúng tôi ứng dụng kỹ thuật truyền thống cùng vật liệu địa phương: đá cẩm thạch làm sàn từ mỏ đá Itilo, gỗ oliu và gỗ dán cho đồ nội thất, đá cuội để trang trí lối vào.” – Etsi Architects cho biết thêm.
Ngôi nhà có tổng cộng bốn phòng ngủ, một phòng làm việc và ba phòng tắm. Ngoài ra còn một không gian mở kết nối phòng khách, nhà bếp và phòng ăn.
“Chúng tôi đã đạt được những gì mình mong muốn. Phục hồi công trình lịch sử đồng thời mang cho nó một cuộc sống mới, là một không gian nghỉ dưỡng nhìn ra biển. Dự án cũng đã phần nào làm thay đổi suy nghĩ của cộng đồng địa phương, vượt qua sự e ngại trong việc khôi phục lại địa danh được nhiều người quan tâm.”
Biên tập
Hạnh Nguyễn