Thomas Heatherwick và toà tháp Vessel

Vào một buổi sáng ở Manhattan, ông trùm bất động sản Stephen Ross nhớ về thời điểm nhiều năm trước khi ông quyết định rằng, quảng trường Hudson Yards cần một tác phẩm tuyệt vời ở trung tâm. Ông đã suy nghĩ trong đầu về một thứ gì đó ‘thật lớn và hoành tráng’.

Dự án Hudson Yards của tập đoàn Related nằm ở phía tây Manhattan, là một tổ hợp bao gồm chung cư, văn phòng, quảng trường và trung tâm thương mại. Được xây dựng trên diện tích gần 28 mẫu Anh (tương đương 113.312 m2), ước tính vốn đầu tư 25 tỉ USD, Hudson Yards được coi là dự án phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Phác thảo “chiếc bình” gồm 154 cầu thang, 80 chiếu nghỉ

Ross nhìn xuống mô hình quảng trường Hudson Yards, bên trong có phiên bản thu nhỏ công trình của Heatherwick: một mạng lưới màu đồng hình “chiếc bình” gồm 154 cầu thang, 80 chiếu nghỉ. Hiện tại, công trình được gọi là Vessel nhưng Ross vẫn mong muốn công chúng sẽ đặt cho nó một cái tên trìu mến. Công trình mở cửa vào năm 2019, tham quan tự do trong khung giờ cố định. Dù cho nhiều cộng sự của ông băn khoăn về quy mô, mục đích nhất là khi chi phí lên đến hơn 150 triệu USD, Ross không giấu đi niềm yêu thích với công trình vì ông tự tin rằng theo thời gian, Vessel sẽ trở thành biểu tượng của New York giống như Eiffel ở Paris. Vessel có bề rộng tương đương với chiều cao, vừa vặn một khung hình Instagram.

“Một cái cây – 365 – ngày” trong suy nghĩ của Stephen Ross

Stephen Ross xem trung tâm quảng trường Hudson Yards như một dự án nghệ thuật cá nhân. Ông nhận thấy rất đông khách du lịch và người dân New York đổ về Trung tâm Rockefeller mỗi dịp Giáng sinh để ngắm cây thông. Vì thế, ông muốn làm “một cái cây – 365 – ngày”.

Băng ghế được làm từ nhôm
Cây cầu dành cho người đi bộ có thể cuộn tròn

Mùa thu năm 2012, Jay Cross, giám đốc điều hành Related – người phụ trách Hudson Yards, đã đưa cho Ross một tập chuyên khảo của Heatherwick mang tên ‘Designing the Extraordinary’ (tạm dịch: Thiết kế phi thường). Ross đọc lướt qua cuốn sách khi họ lái xe đến thung lũng Hudson. Ông nhìn thấy một băng ghế được làm từ nhôm ép, bề mặt gợn sóng quyến rũ; một cây cầu dành cho người đi bộ có thể cuộn tròn như quả bóng bên bờ sông London. Cross còn nói với ông về công trình Heatherwick mới tiết lộ vài tháng trước đó, dùng cho lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012.

Ross quyết định gọi cho Thomas Heatherwick.

***

Heatherwick Studio nằm trên một con phố sầm uất ở King’s Cross, trong một tòa nhà Edwardian bằng gạch đỏ mà văn phòng chia sẻ với một khách sạn hai sao. Sân trong của studio có hàng dãy kệ chứa cả tá thiết kế kỳ lạ, như thể đồ trưng bày trong bảo tàng Victoria. Có một con mèo may mắn Nhật Bản gắn động cơ, có chiếc thìa tay cầm dài lạ thường, một vài bộ phận mô tơ và những chai nước hoa studio thiết kế cho Christian Louboutin.

Bên trong văn phòng thiết kế Heatherwick

Heatherwick vẫn thường được đánh giá cao vì sự sáng tạo trên nhiều quy mô và nhiều loại vật liệu. Bjarke Ingels, kiến trúc sư người Đan Mạch, người từng cộng tác với anh đã nói rằng, không giống như nhiều nhà thiết kế, “Thomas thường tập trung vào chi tiết mang đến hiệu ứng thị giác ‘kinh ngạc không ngờ’.” Heatherwick có xu hướng tạo hiệu ứng với bề mặt vật liệu hơn là hình dáng thiết kế, hay nói cách khác anh thường kết hợp nhiều thành phần giống nhau cùng tạo nên một tổng thể. Một ví dụ, tác phẩm lớn của Heatherwick tại trụ sở quỹ Wellcome Trust tại London được làm từ 140.000 quả cầu thuỷ tinh kích cỡ quả mận, treo lơ lửng trong không gian giếng trời, sắp xếp thành hình dạng như đám mây. Nhà thiết kế cũng đã từng đề xuất xây dựng một cây cầu cạn bằng cách hàn nối các tấm thép tròn không gỉ thành từng cụm. Năm 2010, anh thiết kế cho gian hàng U.K tại Triển lãm Expo ở Thượng Hải một khối lập phương hình thành từ 60.000 thanh acrylic mỏng và trong suốt, đung đưa trong gió. Công trình này được coi là một chiến thắng lớn. Rowan Moore, nhà phê bình kiến trúc của tạp chí Observer, đã nhắc đến sự kiện với cụm từ “vô cùng đáng nhớ”, và “chưa bao giờ nghĩ đến một công trình có thể chuyển động”.

Năm 2012, kỳ Thế vận hội Olympic tại London diễn ra thành công ngoài mong đợi. Heatherwick cũng góp một phần tạo nên khoảnh khắc đó.

Ngọn đuốc thế vận hội Olympic London 2012 thiết kế bởi Heatherwick Studio

***

Các bộ phận của Vessel được sản xuất tại một xưởng thép gần Venice, sau đó vận chuyển bằng đường biển đến cảng sông Hudson. Vào thời điểm khi công trình mới xây xong phân nửa, nhìn từ dòng sông, Vessel như một tách Espresso màu nâu sáng bóng lạc lõng giữa lộn xộn cầu cẩu và những toà nhà cao tầng dang dở. Khung cảnh bờ sông rồi sẽ bị che khuất hoàn toàn khi các toà tháp còn lại của dự án được xây dựng ở nửa phía tây Yards. Vessel khó có thể trở thành đối thủ của tượng Nữ thần Tự do vì bị hàng dãy toà nhà chọc trời vây quanh. Có lẽ nó chỉ có thể hoàn toàn lộ diện nếu được treo lơ lửng như quả bóng SpongeBog trong buổi diễu hành ngày lễ Tạ ơn.

Vessel ở trung tâm quảng trường Hudson Yards

15 năm trước, dự án đường sắt ở ngoại ô Manhattan được đem ra đấu thầu phục vụ phát triển hạ tầng cho Olympic mùa hè 2012. Thành phố đề xuất xây dựng một sân vận động ở mảnh đất giữa đường 30 và 33. Sau thế vận hội, sân vận động được dự kiến làm sân nhà cho đội bóng bầu dục New York Jets. Quận Hudson Yards được thành phố mở ra để hỗ trợ cho việc đấu thầu, khuyến khích phát triển mật độ cao cùng lời hứa hẹn về không gian công cộng mới.

Kế hoạch sân vận động ở New York sụp đổ, London giành quyền đăng cai. Nhưng dự án quy hoạch và những hứa hẹn về chi tiêu công đã thu hút các nhà phát triển tư nhân. Ngày Vessel mở cửa, người ta có thể nhìn toàn cảnh về quy hoạch đô thị mới trên cấu trúc bậc thang tổng chiều cao 46m này.

***

Cuối năm 2012, tập đoàn Related đã chọn ra 3 ứng viên Heatherwick, Kapoor và Plensa, mỗi người được yêu cầu đưa ra một đề xuất thiết kế.

Các tác phẩm của Heatherwick vẫn luôn phù hợp với thị hiếu của công chúng với những trải nghiệm nghệ thuật mới lạ. Chảo lửa Olympic được trao giải cho tác phẩm nghệ thuật thị giác xuất sắc nhất năm 2012 của Anh, nhưng Heatherwick phủ nhận “Tôi không phải nghệ sĩ“. Ông ngờ rằng những gì ông làm ở Hudson Yards sẽ khiến mọi người “tự hỏi về dụng ý phía sau của nghệ sĩ.” (Jonathan Jones, nhà phê bình nghệ thuật của tờ Guardian, đã viết rằng “nếu Heatherwick là một nghệ sĩ thì hẳn anh ấy là một nghệ sĩ tồi.” Chảo lửa Olympic đã làm tốt nhiệm vụ mang tính biểu tượng, thể hiện hình ảnh các quốc gia riêng biệt và khi kết hợp cùng với nhau. Tuy nhiên, không có ẩn dụ nên thơ nào khác nữa cả.)

Tại studio ở King’s Cross, Heatherwick ngồi thảo luận cùng người đồng nghiệp cấp cao Stuart Wood bên chiếc bàn tròn. Heatherwick nói rằng, “Tôi thích cầu thang vì ngay khi anh vận động cơ thể, anh sẽ chẳng nghĩ đến gì khác ngoài đôi chân đang căng ra.”

Chand Baori (tiếng Việt: giếng Mặt Trăng) là một giếng bậc thang cổ ở làng Abhaneri, bang Rajasthan, Ấn Độ.

Các kiến trúc sư bắt đầu xóa các mảng hình học không cần thiết, cuối cùng còn lại các cầu thang và chiếu nghỉ. Chân đáy được làm nhỏ để không chiếm nhiều không gian, có đường kính 50 feet (tương đương 15 mét). Mỗi tầng càng lên cao sẽ càng mở rộng hơn. Ban đầu các kiến trúc sư muốn càng ở cấp độ cao sẽ có nhiều chiếu nghỉ hơn: 5 chiếu nghỉ ở tầng thấp nhất, 9 ở tầng trên cùng. Tuy nhiên phương án này gây khó khăn cho thiết kế đối xứng. Vì vậy họ quyết định duy trì một hình lục giác lớn dần lên, với 5 chiếu nghỉ trên mỗi tầng.

Khi Heatherwick gửi bản thuyết trình PowerPoint tựa đề Vessel, Stephen Ross đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông nói “Mọi người đều nghĩ rằng tôi mất trí rồi. Nó quá lớn. ‘Chúng ta sẽ xây dựng thế nào’, ‘Chi phí sẽ ra sao’, tôi chỉ trả lời rằng ‘Tôi không bận tâm đến chuyện đó’. Tôi ước chừng giá rơi vào khoảng 75 triệu USD“. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Ross cũng đã cân nhắc Vessel với đề xuất của Plensa và Kapoor. Tháng 10 năm 2013, Heatherwick chính thức tiếp nhận dự án. Related đã cố gắng giữ bí mật về thiết kế trong ba năm sau đó.

Heatherwick nói rằng công trình không có mục đích thương mại cụ thể nào, nhưng Ross đã chia sẻ thiết kế này với một vài khách hàng tiềm năng của Hudson Yards. Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn Boston, nhớ lại lúc Stephen Ross cho ông xem mô hình của Vessel. “Quả là một công trình tuyệt vời”, Love kể lại. “Ross nói với tôi về Vessel như một người cha đầy tự hào“.

Về sau, công ty đã thuê tầng 42 đến 47 tại số 10 Hudson Yards.

***

Vessel hoàn thiện sau 3 năm. Khi đang ngồi cùng Jay Cross chuẩn bị cho chương trình khai trương, Heatherwick chỉ ra một sự tình cờ: Vessel có 80 chiếu nghỉ, New York Philharmonic cũng có 80 thành viên. (Thực ra dàn nhạc có 106 thành viên).

“Một buổi hoà nhạc vào tối thứ 5 ở Vessel ư?”, Cross nói. “Tôi không biết mọi thứ sẽ như thế nào nữa”. Stephen Ross ngồi bên nhận định, “Có lẽ, Thomas là người sáng tạo nhất thế giới.”


Quá trình thiết kế, sản xuất, lắp thử, vận chuyển và thi công tháp Vessel

Biên dịch
Hạnh Nguyễn

Tư liệu ảnh
Heatherwick Studio

Nguồn
The New Yorker