Kiến trúc hiện đại thường bị cho là thực dụng, trọng hình thức và đặc biệt là không có tính nơi chốn. Do đó, có thể đặt một công trình kiến trúc hiện đại ở bất cứ đâu, miễn là tuân thủ các nguyên tắc về thẩm mỹ và các yêu cầu về công năng. Tuy nhiên, Tòa nhà Quốc hội do Louis Kahn thiết kế ở Dhaka là một ví dụ điển hình về việc biến kiến trúc hiện đại thành một phần của kiến trúc bản địa Bangali.
Được hoàn thành vào năm 1982, Tòa nhà Quốc hội là một trong những công trình nổi bật nhất của Kahn nhưng đồng thời, đó cũng là một tượng đài biểu tượng của Chính phủ Bangladesh.
Vào năm 1959, Tòa nhà Quốc hội vốn được chính phủ Pakistan dự kiến là một phần mở rộng của trụ sở quốc hội. Mãi đến năm 1962, Louis Kahn mới được giao nhiệm vụ thiết kế đồ án này. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 1971, khi Bangladesh tuyên bố độc lập khỏi Pakistan, việc thi công công trình đã bị hoãn lại.
Ban đầu, Kahn dự định xây dựng một tòa nhà có hình thức như một đài tưởng niệm, nhưng sau khi Bangladesh chính thức thoát khỏi sự cai trị của Pakistan vào tháng 12 năm 1971, dự án đã trở thành biểu tượng của nền dân chủ và niềm tự hào của người dân Bangali. Tòa nhà được hoàn thành vào năm 1982 với chi phí thi công là 32 triệu USD, cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Thiết kế kiến trúc của Louis Kahn cũng ấn tượng như quá trình hình thành Tòa nhà Quốc hội, đây chính là khía cạnh hấp dẫn nhất của dự án. Như đã nói ở trên, kiến trúc hiện đại không giàu bản sắc với đặc trưng là tách biệt khỏi văn hóa và kiến trúc truyền thống bản địa.
Nhìn chung, Tòa nhà Quốc hội lại độc đáo ở chỗ là công trình này mang tính hiện đại, nhưng lại gắn bó sâu sắc với bối cảnh, cư dân và ngôn ngữ bản địa Bangali. Bởi các công trình kiến trúc hiện đại có thể đặt ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhưng Tòa nhà Quốc hội thì không như vậy. Kahn đã sử dụng các vật liệu địa phương đơn giản, sẵn có, với cách thi công giống nhau để bảo vệ công trình khỏi khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Việc đó đã giúp một công trình kiến trúc hiện đại có thể hòa mình vào bối cảnh phi hiện đại.
Sơ đồ mặt bằng
Sơ đồ mặt cắt chính diện
Tòa nhà Quốc hội cao lớn sừng sững trên sa mạc Bengali, với tám hội trường quây xung quanh đại sảnh Quốc hội. Không những ám chỉ việc lấy chính phủ dân chủ mới làm trung tâm mà còn là một cách để Kahn tối ưu hóa việc sắp xếp không gian cho các khu phụ trợ (văn phòng, nơi lưu trú của quan chức quốc hội và nhà hàng) nằm bên ngoài khối trung tâm.
Toàn bộ khu phức hợp được xây dựng bằng bê tông đổ tại chỗ, lát đá cẩm thạch trắng. Điều này thể hiện sức mạnh và sự hiện diện của chủ nghĩa hiện đại, đồng thời minh chứng cho vật liệu và các giá trị mang tính địa phương. Hình khối đã nhấn mạnh quy mô hoành tráng của Tòa nhà Quốc hội và hồ nhân tạo bao xung quanh có vai trò làm mát và cách nhiệt tự nhiên, giúp tạo ra môi trường không gian và ánh sáng thú vị.
Các hình ảnh khác nhau trên mặt đứng có ảnh hưởng lớn đến bố cục tổng thể công trình. Đó là những hình ảnh trừu tượng của nền văn hóa Bangali truyền thống. Mục đích là tạo ra sự kết hợp giữa bản sắc văn hóa cũ và mới, đồng thời đóng vai trò là giếng trời và hệ thống điều tiết môi trường tự nhiên cho không gian bên trong. Đối với Kahn, ánh sáng là một khía cạnh quan trọng trong thiết kế kiến trúc, ánh sáng không chỉ chiếu sáng không gian mà đó còn là một thành phần tạo nên không gian.
Trước hội đồng, tôi đã giới thiệu một yếu tố mang lại ánh sáng cho không gian bên trong. Nếu ta nhìn thấy một hàng cột, có thể nói rằng việc lựa chọn các cột cũng là lựa chọn ánh sáng. Các cột đóng vai trò là chất rắn để đón nhận ánh sáng. Bây giờ hãy nghĩ ngược lại, nếu các cột rỗng và lớn hơn nhiều, đồng thời, bề mặt của chúng có thể tự phát sáng. Khi đó, các khoảng trống mới là vật đón nhận ánh sáng, còn cột là tác nhân tạo ra ánh sáng, chúng có thể có hình dạng phức tạp, là vật chống đỡ không gian và mang lại ánh sáng cho không gian. Tôi đang tiếp tục tìm tòi để phát triển yếu tố này đến mức biến chúng trở thành một thực thể thơ mộng có vẻ đẹp riêng bên cạnh vị trí vốn có của chúng trong bố cục tổng thể. Bằng cách này, cột rỗng trở nên tương tự như cột đặc mà tôi đã đề cập ở trên như một vật mang lại ánh sáng.
Louis Kahn
Ảnh
Flickr abrinsky (CC BY-NC-SA)
Courtesy of Wikimedia Commons
Biên tập
Thuỳ Linh