Xưởng đất nung

Xưởng gốm là hạng mục mới hoàn thành, trước đó Kho gốm của nghệ nhân Lê Đức Hạ (Quảng Nam) đã từng được văn phòng kiến trúc Tropical Space Architecture thực hiện cách đây vài năm.

Cụm công trình hiện tại là một tổ hợp các không gian được định hình bằng những bức tường, ở đây gồm hai bức tường chạy dài, gấp khúc và một bức tường tròn bao quanh lò gạch cũ – một kiến trúc tồn tại từ thế kỷ trước, được giữ lại tạo nên trung tâm của mô hình xưởng sản xuất mới.

Những hoạt động thường ngày của những người thợ thủ công đã tồn tại và trở thành thói quen từ khi vẫn còn xưởng gốm cũ.  Kiến trúc mới đến sau và được hình thành từ những đúc kết của một quá trình quan sát ánh sáng, hướng gió, những bước chân, vị trí ngồi, cách đi đứng, cho đến cách xoay tìm được nguồn ánh sáng thích hợp để điêu khắc một tượng gốm. Tất cả những hoạt động này được cô đọng lại và xếp gọn vào trong những không gian hình học cơ bản.

Trần Thị Ngụ Ngôn

Hai bức tường gạch cao phân chia tổ hợp kiến trúc thành ba khu chức năng gồm khu trải nghiệm cho khách tham quan ở ngoài cùng, dọc theo bức tường gạch dài; khu làm việc và lao động thường ngày của những thợ thủ công bố trí nằm phía bờ sông, dọc theo bức tường gấp khúc và cuối cùng là khu lò nung chính.

Khu vực trải nghiệm dành cho khách kết nối với Terra Cotta Studio (xưởng làm gốm của nghệ nhân Lê Đức Hạ) bằng một lối đi ngoài trời. Đây là nơi mọi người đến để thử “chạm vào đất”, sáng tạo một món đồ lưu niệm bằng đất cho riêng mình và nghe những câu chuyện được kể bởi những người thợ làm gốm. Khu làm việc nằm trên một mặt sàn đất nện được hoàn thiện theo lối truyền thống của người Việt, giúp tạo độ ẩm tự nhiên rất cần cho công đoạn làm gốm, chỗ này kết nối với môi trường bên ngoài khu sản xuất thông qua hệ tường rỗng. Nằm giữa hai không gian trên là một dãy hành lang dài dẫn tới lò nung.

Xỉ gạch, sản phẩm lỗi và những gì còn lại sau khi người ta đã lấy hết những sản phẩm nguyên vẹn trong một mẻ nung được đập vỡ và rải tạo thành một lớp vật liệu hoàn thiện đặc biệt cho khoảng sân ngoài trời. Khi bước đi trên lối hành lang có thể nghe được âm thanh của gốm khi tiếp xúc với con người. Trải nghiệm này là bước đầu tiên để thấy được sự hiện diện của gốm trong toàn bộ tổ hợp không gian xưởng, cũng có thể là bước cuối cùng của chuyến tham quan để cảm nhận được trọn vẹn quá trình làm sản phẩm.

Nguyễn Hải Long

Sự hiện diện của những bức tường gạch giúp tạo bóng mát và định hướng gió, chúng vừa có chức năng sự phân chia đồng thời kết nối mọi không gian bên trong công trình. Dãy các ô cửa thấp giúp hạn chế góc nắng tiến sâu nhưng lại mở tầm mắt với những ai ngồi thấp xuống để dễ dàng quan sát nhiều ngóc ngách khác nhau trong xưởng. Bức tường tròn ôm lấy lò nung cũ tạo thành một khối đơn giản và nằm gọn trong những bức tường phẳng.

Kiến trúc có thể kể được câu chuyện về quá trình hoàn thiện của một mẻ gốm nung, từ các thao tác đầu tiên như dịch chuyển, thêm củi, xếp gốm vào lò, thấy được  làn khói trắng qua ô cửa sổ trời khi lò đang cháy đến sự hình thành các sản phẩm cuối cùng.


Ảnh
Triệu Chiến