Trong các công trình của Balkrishna Doshi, kiến trúc sư Ấn Độ từng nhận giải Pritzker 2018, ánh sáng luôn luôn ngập tràn. Cách đây nhiều năm, tôi từng đến thăm cơ sở thuộc trường Đại học CEPT tại thành phố Ahmedabad, một ngôi trường kiến trúc do Doshi thành lập. Lúc đó là giữa mùa hè và buổi chiều đang gồng mình với cái nóng nhưng trong lối đi giữa các tòa nhà, mái đua và lan can vẫn che bóng mát. Sân trồng đầy cây neem và arjuna. Các xưởng thiết kế đều có giếng trời nghiêng nên ánh mặt trời cũng chỉ xiên vào. Để mà nói, hầu hết các khu hiện đại trong thành phố ở Ấn Độ đều khắc nghiệt, cây xanh hiếm hoi còn các bề mặt xung quanh thì hoặc nhựa đường, hoặc bê tông trần trụi. Doshi từng nói ông ngưỡng mộ khả năng của Le Corbusier “có thể tạo ra ánh sáng mềm mại phản chiếu trên khuôn mặt con người.”
Người đàn ông trầm tính Doshi không phải là kiến trúc sư ngôi sao. Ông ấy không mơ về công trình nhà hát opera hay viện bảo tàng; ông còn chưa từng thiết kế ga sân bay hay tòa nhà chọc trời nào ở Ấn Độ. Thay vào đó, trong sự nghiệp kéo dài 70 năm, ông tập trung vào các công trình cộng đồng như: trường đại học, thư viện, trung tâm biểu diễn nghệ thuật và khu nhà ở giá rẻ. Ông thực hành bền vững từ rất sớm, không phải vì dự cảm về môi trường mà bởi vì, bền vững là gắn với địa phương. Doshi mong muốn các công trình thuộc về vùng đất chúng ở, thuộc về khí hậu, thảm thực vật và nhịp sống của của con người nơi đó.
Khi Doshi đi học ở Bombay vào cuối những năm 1990, không có giáo trình nào dạy cho ông về phong cách kiến trúc của Ấn Độ. Không hài lòng với điều đó, Doshi chuyển đến London, ở cùng một người bạn và tự học mỗi ngày trong thư viện của Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh. Tại một hội nghị ở Anh, Doshi gặp Le Corbusier, kiến trúc sư vừa được giao nhiệm vụ quy hoạch thành phố Chandigarh mới của Ấn Độ và thiết kế một số công trình. Nhận công việc từ người tiền bối, Doshi đến Paris và làm việc tại xưởng của Corbusier trong 4 năm. Ở đất nước Ấn Độ mới độc lập thời đó, kiến trúc hiện đại là một dự án chính trị. Những đặc điểm nổi bật trong phong cách Le Corbusier như tường bê tông đổ, tinh thần công nghiệp, sự đồ sộ – là tiếng nói về tương lai và Doshi muốn trở thành một phần của điều đó. “Le Corbusier không trả lương cho tôi trong 8 tháng, tôi hầu như không có đồng nào,” ông kể trong một bộ phim tài liệu về cuộc đời mình năm 2009. “Tám tháng với ô liu, phô mai và bánh mì, đó là tất cả.”
Nhà Hội đồng là một trong ba tòa nhà bê tông được thiết kế bởi Corbusier tạo nên Khu phức hợp Capitol ở Chandigarh
Dự án Chandigarh mang lại cho Doshi một cảm giác thoả mãn không trọn vẹn. Le Corbusier về sau kể lại, ông chưa từng phải đối mặt với thách thức trong xây dựng ở Ấn Độ, “mặt trời chiếu sáng không ngừng nghỉ, những cơn gió nóng quét qua…rồi cả mùa mưa đầy giận giữ.” Nhận ra rằng các thiết kế phải “có thoả hiệp với thiên nhiên,” Le Corbusier bắt đầu phá vỡ cái dữ dội của mặt trời và đưa ra giải pháp để không khí lưu thông trong kết cấu. Kết quả là, các công trình của ông – hội đồng lập pháp, tòa án, ban thư ký và một số khác – trông như thể từ đâu đó rơi xuống Ấn Độ; chúng không có mối liên hệ với vùng đất xung quanh. Quy hoạch thành phố không khuyến khích các khu thu nhập hỗn hợp và chợ đường phố, cả hai đều quan trọng với các đô thị Ấn Độ. Chandigarh có đường phố và không gian mở, Doshi ghi nhận, nhưng nó không có sự sống.
Ban thư ký là tòa nhà lớn nhất trong số các tòa nhà
Toà tháp đổ bóng trong khu phức hợp
Các dự án đầu tiên của Doshi tuy vậy chịu ảnh hưởng nhiều từ Le Corbusier. Một kho lưu trữ tên là Viện Ấn Độ học, có hình dạng như một chiếc rương đựng các bản thảo bên trong, là một công trình bê tông hiện đại. Hành lang vòng quanh bên ngoài công trình, mở ra không gian; tầng hầm vẫn có ánh sáng tự nhiên, êm dịu như ánh sáng thường thấy ở Corbusian. Nhưng Doshi cảm thấy công trình của mình xa lạ, chúng không bám rễ trên mặt đất. Nimish Patel, một kiến trúc sư đồng nghiệp ở Ahmedabad nói với Doshi rằng “Anh ấy sử dụng nhiều gạch hơn, loại phổ biến ở vùng này. Anh ấy cũng giảm quy mô xuống. Hầu hết các công trình của anh đều gần gũi, không lớn như của Le Corbusier.”
Viện Ấn Độ học. Ảnh: Iwan Baan
Doshi mong muốn các công trình của mình thành không gian cho cộng đồng – phù hợp với, ông nhắc đến trong một buổi nói chuyện vào năm 1981, “mối quan hệ của các tầng lớp và cộng đồng theo chiều sâu, theo sát hoạt động và phản ứng của mọi người. Nói tóm lại, là để phục vụ cuộc sống.”
Viện Lao động Mahatma Gandhi. Ảnh: Iwan Baan
Tại Ahmedabad năm 1982, Doshi xây dựng Viện Lao động Mahatma Gandhi như một chuỗi các toà nhà liên kết với nhau, mái nhà có dạng một nửa hình trụ như những chiếc mai rùa; mỗi lối ra đều dẫn đến sân thượng hoặc sân trong, một không gian để mọi người thư giãn và trò chuyện. Còn khi quy hoạch một thành phố vệ tinh gần Jaipur vào năm 1984, ông cho lắp đặt tại đó các bể lớn chứa nước mưa và ưu tiên nhu cầu của người đi bộ hơn là xe cộ lưu thông trên đường.
Công trình của Doshi mà tôi (tác giả) ghé thăm thường xuyên nhất là Viện Quản lý Ấn Độ ở Bangalore, một ngôi trường có vẻ ngoài bất chấp chủ nghĩa thương mại trong các môn học được giảng dạy. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại các tòa nhà chọc trời bằng thép và kính trên khắp thế giới, nhưng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bao quanh họ là không gian mô phỏng theo một ngôi đền cổ mà Doshi từng ghé thăm. Tường ốp đá granit xám trang trọng kết hợp các cột đá cao, hành lang mở đón gió và tắm trong những tia nắng tôn nghiêm. Hầu hết khuôn viên nằm trong các khoảng rừng, đi theo những con đường xuyên qua rặng cây cũng như là đi tới ngôi đền nằm trong rừng sâu.
Doshi khuyến khích các dự án của ông tiếp nhận đời sống của riêng mình, ngay cả khi điều đó xảy ra theo cách mà ông không thể dự đoán trước. Tại Indore vào năm 1989, Doshi được một quan chức trong thành phố đề nghị xây dựng một công trình biểu tượng, nhưng thay vào đó ông chọn thiết kế một thị trấn cho 8000 gia đình thu nhập thấp. Ông viết trong nhật ký vào năm 1954, “dường như tôi nên tuyên thệ và ghi nhớ điều này trong suốt cuộc đời mình: đó là mang mái ấm đến cho tầng lớp thấp nhất.
Ở thị trấn Aranya, những miếng đất nhỏ trợ cấp được bán cho các hộ nghèo, Doshi cung cấp một loạt các ngôi nhà kiểu mẫu để lấy cảm hứng, nhưng khuyến khích các gia đình lên kế hoạch và xây dựng nhà riêng của họ. Một số lô được mua lại vì mục đích lợi nhuận nhưng Doshi không bận tâm đến. “Một số người xây tầng thứ hai và cho thuê, một số khác mở cửa hàng hoặc làm tiểu thủ công nghiệp trên mảnh đất của họ,” ông chia sẻ gần đây. “Tất cả điều này thật bất ngờ. Giống như tôi đưa cho họ một bộ phụ kiện và họ đã tìm được cách để sử dụng. Họ có quyền và họ phát triển.”
Doshi không đơn độc trong việc truyền tải chủ nghĩa hiện đại Le Corbusier đi cùng tinh thần Ấn Độ. Một nhóm các kiến trúc sư khác là Charles Charles Correa, Ranjit Sabikhi, Raj Rewal đã tham gia cùng ông giữa những năm 1960-1980. Nhà nước Ấn Độ thời điểm đó đang tự xây dựng nên có rất nhiều công trình công cộng cần được hoàn thành và chế độ chủ nghĩa xã hội ngày đó đã chấp nhận kế hoạch không tưởng của các kiến trúc sư. Chúng mới bị thay thế chỉ khoảng 20 năm trước, khi đất nước mở cửa và thẩm mỹ thiết kế toàn cầu xuất hiện. Các dự án bây giờ lại đến từ các công ty muốn công trình phù hợp với lý tưởng toàn cầu về khu kinh doanh trung tâm. Dự án tham vọng nhất được chính phủ tài trợ trong nhiều thập kỷ qua, thiết kế cho Amaravati – thủ đô mới của thế giới, nằm trong tay kiến trúc sư người Anh nổi tiếng Norman Foster.
Ấn Độ không phải lúc nào cũng là một đất nước dễ chịu cho các kiến trúc sư. “Theo nhiều cách, kiến trúc gắn liền với các vấn đề đô thị,” Keith Gautam Bhatia, một kiến trúc sư ở New Delhi nói với tôi. “Nhà ở không đủ, cơ sở hạ tầng không đủ. Khi bạn gặp những vấn đề này, việc lo lắng về thiết kế đẹp có cần thiết không? Những người trong nghề luôn cảm thấy có lỗi kỳ lạ.” Do vậy, theo Bhatia, phần lớn các kiến trúc sư đều chỉ nhận dự án tư nhân.
Doshi nói rằng bất kỳ kiến trúc sư Ấn Độ nào cũng có thể tách rời khỏi thực tế của đất nước. Trong một cuộc phỏng vấn vài năm trước, Bhatia đã hỏi ông về những tòa tháp và khách sạn bằng kính lấp lánh đang mọc lên ở mọi thành phố Ấn Độ. Doshi chua chát gọi chúng “sao chép thuần tuý”, xây nhanh nhưng “thiếu đạo đức”.
Trong lần trò chuyện gần nhất, Doshi nói với tôi rằng kiến trúc không nên được đo đạc bởi “vẻ giàu có” mà nên là sự đồng cảm: “Nếu đi xuống phố và nhìn mọi người, chẳng lẽ bạn không có ngay cảm nhận rằng‚ ‘Mình có thể làm gì cho họ‘?”
Tác giả
Samanth Subramanian
Nguồn
The New Yorker
Biên dịch
Hạnh Nguyễn