Cách tiếp cận kiến trúc của kiến trúc sư Eduardo Souto de Moura có thể khó tóm gọi chỉ trong vài từ. Ông có niềm tin về thẩm mỹ và thiết kế vô cùng mạnh mẽ, mang tính cá nhân cao và đôi lúc thực sự lạ thường. Theo nhận xét của hội đồng giám khảo Pritzker 2011, “Các công trình của ông có một khả năng độc đáo, truyền tải các đặc điểm dường như mâu thuẫn nhau – mạnh mẽ mà khiêm nhường, dũng cảm mà tinh tế, uy quyền mà gần gũi.”
Người phỏng vấn đã thực hiện một cuộc trò chuyện với Eduardo Souto de Moura để hiểu thêm những suy nghĩ đằng sau kiến trúc của ông.
Tôi đã đến thăm bảo tàng Paula Rego của anh ở Cascais, ngoại ô Lisbon. Đó là một công trình điêu khắc rất có tính biểu tượng…
Eduardo Souto de Moura: Vì sao anh lại gọi đó là điêu khắc? Tôi không đồng ý.
Tôi chỉ muốn thể hiện ấn tượng của mình thôi. Anh có thể cho biết lý do vì sao đó không phải là điêu khắc?
Tôi thích điêu khắc. Tôi thích nghệ thuật. Nhưng kiến trúc không phải là nghệ thuật, cũng không phải điêu khắc. Nếu tôi cưa đôi một tác phẩm điêu khắc thì ở bên trong sẽ không có gì cả. Còn bảo tàng Paula Rego là công trình kiến trúc có công năng, là tổ hợp gồm một số tòa nhà. Bên trong chứa các bản vẽ, tranh vẽ và không gian trưng bày, cửa hàng sách, quán cà phê. Bảo tàng rất nhỏ, chỉ có một tầng nên bạn không thể nhìn thấy từ quá xa. Vậy làm thế nào để nhận dạng? Tôi bổ sung thêm không gian khác cao hơn và được sơn đỏ tương phản với cây xanh xung quanh. Quy mô của công trình tương tự như một cung điện gần đó. Các vật liệu tôi sử dụng cũng gợi nhớ đến các công trình quan trọng khác trong khu vực. Vì vậy, có thể nói bảo tàng được xây dựng từ ký ức của tôi về vùng đất này.
Lý do tôi nhắc đến mối quan tâm về điêu khắc của anh ở đầu cuộc trò chuyện này, có liên quan đến nhà điêu khắc Donald Judd. Anh biết ông ấy, phải không?
Năm 1993, tôi giảng dạy ở Zurich và các sinh viên đã giới thiệu cho tôi công trình của Judd. Tôi không biết ông ấy trước đó. Họ đưa cho tôi cuốn Kiến trúc của Judd và tôi đã đi xem triển lãm đồ nội thất của ông ấy ở Zurich. Tôi mua cuốn catalog, đọc các miêu tả và thực sự say mê các tác phẩm của ông. Ông ấy nói rằng mình đã mệt mỏi với công việc trừu tượng đơn độc của một nhà điêu khắc và bày tỏ mong muốn thực hiện các dự án kiến trúc với mục đích xã hội. Khi đọc những dòng đó, tôi thấy đồng cảm với suy nghĩ của ông ấy từ sâu bên trong vì tôi cũng cảm thấy mệt mỏi với kiến trúc và vẫn luôn mơ ước trở thành một nhiếp ảnh gia.
Cuốn sách cũng chia sẻ Judd không muốn làm việc một mình như một nghệ sĩ. Nghệ sĩ sống đơn độc, trong khi cuộc sống của một kiến trúc sư thì ngược lại. Bao quanh chúng tôi là quá nhiều người muốn gây ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng – đối tác, kỹ sư, chính trị gia, công chúng…
Vào một ngày, khi đang ở trong hiệu sách thì tôi nghe thấy ai đó nói về Bồ Đào Nha và Álvaro Siza. Tôi lại gần và giới thiệu bản thân mình, hoá ra người đó là Donald Judd. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện và tôi hứa sẽ sắp xếp tổ chức các bài giảng của ông ấy ở Porto. Vài tháng sau, khi mọi thứ đã sẵn sàng thì chúng tôi hay tin ông mới qua đời vì bệnh ung thư.
Một thời gian sau, tôi đến Marfa, Texas để chiêm ngưỡng nhiều công trình của Judd. Tôi thích cách ông ấy kết hợp nghệ thuật trừu tượng với thiết kế và kiến trúc bản địa. Ông ấy là người có ảnh hưởng nhiều tới tôi, và là một trong những hình mẫu cho kiến trúc của tôi.
Vậy sau những gì anh chia sẻ về Judd, liệu có đúng khi nói rằng tác phẩm của anh là sự giao thoa giữa điêu khắc và kiến trúc?
Không! Tôi không phải là nhà điêu khắc. Vấn đề chính tôi muốn nói đến là Judd chuyển từ điêu khắc sang kiến trúc vì ông mệt mỏi khi làm việc một mình. Ông hướng về công việc có sự phối hợp với những người khác như kiến trúc sư để tạo ra các công trình có khía cạnh và ý nghĩa xã hội.
Có một mục đích chung nào trong các công trình của anh?
Không có mục đích gì cả! Tôi không thích các kiến trúc sư cứ cố gắng diễn giải ý định của họ bằng một lý do thi vị, nên thơ nào đó.
Anh muốn nói: “diễn giải kiến trúc là một thảm họa” ?
Đúng vậy. Tôi không quan tâm đến giải thích và cảm xúc nào được chủ ý khơi gợi. Với tôi, chỉ cần mình công trình là đủ. Tôi muốn tìm hiểu thứ tác giả muốn nói. Tôi muốn giữ nhận định về kiến trúc cho chính mình.
Vậy mục tiêu của anh là gì? Anh muốn đạt được điều gì thông qua kiến trúc?
Tôi làm kiến trúc để thể hiện bản thân mình, quan điểm cá nhân của mình. Tôi là sẽ khách hàng đầu tiên, tôi làm cho mình trước. Nếu tôi hạnh phúc, nếu công trình của tôi hữu ích và làm cho khách hàng hạnh phúc thì mục tiêu đã đạt được. Tôi phải thỏa mãn bản thân mình trước thì mới có cơ hội làm cho người khác cũng hài lòng.
Anh thường bắt đầu một dự án như thế nào?
Tôi thường xem lại các dự án cũ và nghĩ về ý tưởng phù hợp với bối cảnh mới. Đây chỉ là bước bắt đầu, sau đó tôi biến đổi chúng. Khi làm việc, tôi cần càng nhiều thông tin càng tốt. Tôi luôn đặt đủ góc cạnh vấn đề cho các phương án của mình. Cũng cần lắng nghe ý kiến khách hàng nữa. Vẻ đẹp của cuộc sống nằm trong những mâu thuẫn của nó. Tôi cần tạo áp lực cho chính mình.
Vậy là sẽ có nhiều biến đổi trước khi tìm ra giải pháp cuối cùng.
Luôn một thư viện hình ảnh chạy trong đầu tôi. Khi tôi làm việc, những hình ảnh này hiện ra một cách vô thức. Từ đó tôi đi tìm giải pháp, tìm cách biểu hiện. Tôi thích câu nói của Freud “Từ sai lầm đến sai lầm, người ta phát hiện ra toàn bộ sự thật.” và của Beckett, “Đã từng thử. Đã từng thất bại. Không vấn đề gì. Hãy thử lại. Thất bại lần nữa. Thất bại tốt hơn.” Tôi luôn muốn tìm kiếm thứ gì đó đặc biệt và cá nhân.
Nguồn
Archdaily
Tác giả
Vladimir Belogolovsky
Biên dịch
Hạnh Nguyễn