Tác giả nội dung này và văn phòng K59 Atelier đã có một thời gian dài quen và biết nhau, dịp gần đây, khi ngắm nhìn số lượng công việc mà kiến trúc sư Phan Lâm Nhật Nam cùng Trần Cẩm Linh thực hiện trong 5 năm qua, chúng tôi thực sự tò mò và háo hức muốn tìm hiểu kỹ hơn về suy nghĩ, quan điểm và quá trình thực hành kiến trúc của họ.
Cuộc trò chuyện dưới đây diễn ra hơn 2 giờ đồng hồ đã mang lại cho chúng tôi câu trả lời mà mình kỳ vọng!
Anh chị có thể chia sẻ đôi phần về các dự án hiện tại của Xưởng thiết kế K59?
Nhật Nam: Nếu so sánh với các bạn đồng trang lứa hay những văn phòng khác thì chúng tôi làm việc khá chậm và không tham gia vào nhiều dự án. Thời điểm hiện tại, K59 đang thực hiện thiết kế nhà hàng ở Ninh Bình và một căn nhà nhỏ quy mô nhỏ ở Vũng Tàu. Hai dự án này cũng tham gia được vài năm, văn phòng cảm thấy cần thời gian để tìm hiểu về mỗi công trình, đối tượng, chủ đầu tư và ngược lại, vậy nên thường thì chúng tôi không nhận làm một cách vội vàng.
Nếu một dự án cần thời gian dài như vậy để thực hiện, liệu chủ đầu tư có sẵn sàng chờ đợi?
Cẩm Linh: Thực tế có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới vấn đề thời gian. Dự án nhà hàng ở Ninh Bình là một điển hình, dịch Covid và quá trình xin cấp phép kéo dài nên chúng tôi dù tham gia nhưng không thực hiện được mấy, trong lúc chờ đợi, chủ đầu tư của dự án này đã tạo cơ hội cho chúng tôi thực hiện một dự án cải tạo nội thất một công trình của họ ở Hội An.
Mặc dù mất thời gian, nhưng bù lại thì chúng tôi và chủ đầu tư đều thấu hiểu được quan điểm của nhau để biết chính xác nhu cầu và mong muốn từ hai phía, lúc đó là thời điểm để đặt bút ký hợp đồng và thực hiện dự án. Điển hình như công trình ở Vũng Tàu, các bên có dịp gặp gỡ trao đổi với họ từ đầu năm 2020 nhưng yêu cầu của cô chủ nhà thời điểm đó đưa ra còn khá mông lung nên K59 cần thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi nhận lời. Chúng tôi không thúc ép khách hàng, thậm chí còn khuyên họ tìm đến đơn vị khác nếu nhu cầu gấp gáp.
Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy, đôi khi tới tìm mình nhưng cảm thấy không hợp nên họ đi, mà bẵng một hay hai năm sau họ mới quay lại rồi “Thôi, vậy ta làm tiếp nha?”. Tôi cảm thấy thiết kế cần thời gian cho cả hai, để suy nghĩ cho chín về đầu bài hay lý do họ muốn mình tham gia thiết kế.
Kiến trúc sư Phan Lâm Nhật Nam cùng Trần Cẩm Linh (trái)
Thực hiện phỏng vấn
Trần Trung Hiếu
Biên tập & Biên dịch
Phạm Hà Thu
Ảnh
NVCC
Thời gian
05.2023
Là một văn phòng kiến trúc trẻ, hai anh chị đã chuẩn bị cho sự ra đời của K59 thế nào?
Cẩm Linh: Chúng tôi không có sự chuẩn bị trước, chỉ cảm thấy hợp khi làm việc cùng nhau, tới một thời điểm thì tôi và anh Nam cùng mở văn phòng. Hai chúng tôi đều suy nghĩ nghiêm túc về kiến trúc từ khi ra trường, muốn làm và tham gia vào những dự án kiến trúc mình thích. Trước đó mỗi người đều đi làm ở những văn phòng khác nhau, tới điểm hội tụ, khi quan điểm hay tư duy về kiến trúc không còn phù hợp với tập thể thì mình tìm kiếm một môi trường khác.
Nhật Nam: Ngày trước cả tôi và Linh thường hay có những buổi chia sẻ về quan điểm thiết kế, chủ đề thay đổi theo thời gian. Khoảng năm 2016-2017, sau khi tham gia một vài dự án cộng đồng, tôi nhận ra kiến trúc chỉ là một phần rất nhỏ của công trình, chính những mong muốn và nhu cầu của con người mới là yếu tố quyết định nên sự thành công của một dự án. Sau đó, tôi và Linh tham gia một vài dự án chung với nhau, tới giờ cũng được 5 năm rồi.
Cái tên K59 Atelier có ý nghĩa gì đặc biệt?
Cẩm Linh: Thực ra cũng không có gì đặc biệt. Cái tên cũng chỉ là cái tên, quan trọng là mình làm gì. Hồi còn học trong trường thì chữ ‘K’ để chỉ ngành Kiến trúc. Mỗi khóa sẽ là ‘K’ đi kèm với niên khóa, khóa của anh Nam là K05 và tôi là K09, ghép lại thành K59.
Kiến trúc trong tiếng Anh là ‘Architecture’ nhưng tôi muốn giữ từ K của tiếng Việt. Còn từ ‘Atelier’ có nghĩa là ‘cái xưởng’, ý bao gồm nhiều thứ vì chúng tôi có nhiều sở thích không chỉ riêng kiến trúc. Chúng tôi tự làm hầu hết mọi việc trong văn phòng từ thiết kế, làm mô hình, chụp ảnh, quay phim…có gì dùng nấy và thử nghiệm hết những gì mình làm được.
K59 Atelier tham gia sự kiện gặp nhau cuối năm 2022 do Notes phối hợp tổ chức cùng nhiều văn phòng kiến trúc
Trong buổi gặp mặt cuối năm ở Sài Gòn do Notes phối hợp đồng tổ chức, K59 Atelier đã trình bày về chuỗi 3 công trình của mình. Vì sao hai người lại chọn giới thiệu với mọi người chuỗi ba công trình đó?
Cẩm Linh: Chúng tôi làm việc cùng nhau được 5 năm và hoàn tất 5 công trình, vậy nên cũng không vất vả khi chọn lựa công trình nào để giới thiệu tới mọi người (cười). Ba dự án đó đại diện cho ba khu vực khác nhau: thành phố, rìa thành phố và ở ven biển. Chúng tôi tin kiến trúc sẽ luôn gắn liền với quá trình phát triển đô thị, sự đô thị hóa là một quy luật thiết yếu của xã hội. Qua ba dự án này, chúng tôi có cơ hội chia sẻ quan điểm về kiến trúc của bản thân rằng mình có thể thích ứng được với từng khu vực và vị trí trong quá trình phát triển đô thị.
Nhật Nam: Cũng có người hỏi vì sao chúng tôi chỉ chọn ba chứ không thêm nhiều công trình hay những dự án đang thiết kế khác. Chúng tôi luôn nghĩ đã gọi là công trình thì đều phải trải qua ba giai đoạn: giai đoạn đầu nằm trên giấy (bản thiết kế), giai đoạn thi công – xây dựng để thành hình và cuối cùng là khi công trình sống với người sử dụng. Khi có cơ hội quan sát, ta mới hiểu công trình có đang tương tác tốt với bối cảnh và con người ở đó hay không, khi đó mình mới có chất liệu để chia sẻ.
Thực ra như Linh nói, quá trình đô thị hóa thường đi kèm với quá trình bê tông hóa. Dù biết đây là điều thiết yếu khi xã hội phát triển nhưng liệu sự phát triển này có ứng biến hài hòa với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở địa điểm đó? Chúng tôi nghĩ nhiều về điều này. Mình có thể đóng góp được gì cho khu vực đó? Người dân nơi đó có thể nhìn vào công trình của mình và lấy cảm hứng hay khơi gợi điều gì để ứng dụng vào một dự án mới hay không?…
Tôi nghĩ đây là chủ đề được quan tâm nhiều hiện nay khi khu vực ven biển đang có xu hướng bị bê tông hóa nhiều, gây nên tình trạng sụt bờ biển nghiêm trọng làm mất đi đặc tính thổ nhưỡng của vùng ven biển. Hay kể đến những địa thế trồng cây ăn trái và đất hoa màu giờ bị san phẳng để lấy chỗ xây dựng nhiều dự án khu đô thị mới. Trong khi đó khu vực thành phố lại chật hẹp với tần suất xây dựng nhanh và ồ ạt. Họ không có khoảng nghỉ để nhìn lại xem những công trình mình làm liệu có phù hợp với ngữ cảnh hay không.
Nhà Bình Dương
Nhà 803, Sài Gòn
Công viên Cửa Đại, Hội An
Cẩm Linh: Thực ra những gì chúng tôi chia sẻ có lẽ là nhận xét một chiều từ cá nhân, trong mỗi dự án sẽ có những góc nhìn và quan điểm riêng. Điều này chắc mỗi kiến trúc sư hay những cá nhân làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều có. Chúng tôi giới thiệu bộ ba công trình tới mọi người tham gia hôm đó với mong muốn được nghe những chia sẻ ngược lại về những ý kiến riêng cho từng khu vực của mỗi công trình.
Theo anh chị, thế nào là một công trình kiến trúc tốt?
Nhật Nam: Theo tôi, một công trình kiến trúc tốt bao gồm một yếu tố. Đầu tiên, người sử dụng công trình luôn cảm thấy thoải mái khi ở đó, phù hợp với từng nhu cầu, độ tuổi và mong muốn của mỗi người. Lúc nào tôi cũng tự hỏi không biết khách hàng của mình sẽ sống và cảm giác thế nào khi ở trong không gian K59 thiết kế.
Cẩm Linh: Ngoài nhà ở thì cũng có thể kể đến các công trình kiến trúc công cộng và cộng đồng. Với tôi thì một công trình kiến trúc tốt phải phù hợp và thích nghi hài hòa với điều kiện khí hậu, xã hội, tập quán, lối sống…
Tôi tin, bất cứ kiến trúc sư nào cũng suy nghĩ cẩn thận sao cho thiết kế phù hợp với bối cảnh. Mình nên kiên định với cái mình làm, song song với việc tiếp thu ý kiến, có khi còn cả việc định hướng cho người sử dụng công trình kiến trúc về những mong muốn thuận tự nhiên. Văn phòng tôi có một không gian không dùng điều hòa, mọi người tuy đổ mồ hôi nhưng chúng tôi cũng không thấy phiền do có nhiều cửa sổ và cây xanh bao quanh. Khung cảnh thoáng đãng đôi khi góp phần đẩy đi những nặng nhọc cuộc sống và mang tới cho người sử dụng cảm giác tự do. Bản thân công trình cũng ít nhiều tác động ngược lại với người sử dụng.
Mô hình công trình nhà 803 thể hiện kết cấu căn nhà và bối cảnh nhà ở đô thị
Đối với K59 Atelier, điều gì là yếu tố quan trọng nhất cho quyết định nhận dự án? Và sau khi chấp thuận, yếu tố nào quan trọng để anh chị tiến hành thiết kế và đưa ra giải pháp cho công trình?
Cẩm Linh: Chúng tôi đã có 5 năm để thực hành kiến trúc riêng, làm tất cả các khâu từ gặp gỡ chủ đầu tư, thiết kế rồi thi công…Dần dần, chúng tôi cũng nhận ra một số điều cần cải thiện, yếu tố quan trọng nhất để quyết định nhận dự án có lẽ là chủ đầu tư. Bất kể dự án có quy mô to hay nhỏ, với tôi thì sự hòa hợp và tin tưởng từ phía chủ đầu tư luôn là phần quyết định cho việc liệu sản phẩm mình mang tới có tốt hay không, nếu có thì văn phòng rất sẵn lòng bắt tay cùng thực hiện. Sau khi nhận dự án, phần quan trọng không kém đó là nhận được một yêu cầu và thông tin rõ ràng từ phía chủ đầu tư. Nếu không có điều này, kiến trúc sư khó có thể làm ra một sản phẩm đủ tốt.
Nhật Nam: Để tìm được một đầu bài đúng thì mất nhiều thời gian, có khi vài tháng đến một năm. Tôi tin vậy. Có càng nhiều dữ liệu, sản phẩm mình đưa ra càng có tính chính xác cao, giải quyết được nhiều yêu cầu cũng như khó khăn và mong muốn của chủ đầu tư.
Nhà 803 ở Sài Gòn, đây cũng là nơi văn phòng K59 Atelier đang trú ngụ
Bối cảnh xung quanh của công trình K59 Atelier đã và đang thực hiện có ảnh hưởng nhiều đến yếu tố thiết kế không? Cụ thể là ở những công trình nào?
Nhật Nam: Tôi nghĩ bối cảnh về vị trí tự nhiên cực kỳ quan trọng để xác định được đề bài cho một dự án. Khí hậu, vị trí xây dựng, tương tác của môi trường xung quanh với công trình sẽ cho mình những gợi ý về ý tưởng thiết kế.
Ví dụ như Nhà Bình Dương, công trình nằm trong một diện tích có nhiều cây xanh, việc xác định chính xác khoảng trống giữa các cây xanh giúp cho thiết kế rõ ràng và cụ thể hơn về nhu cầu sử dụng và công năng tối thiểu. Chúng tôi không ngại tìm hiểu kỹ về một đối tượng sử dụng công trình. Dĩ nhiên, khi tiếp nhận nhiều quan điểm cùng một lúc thường có vẻ rối, nhưng chúng tôi chỉ nghĩ “tại sao không?”. Khi có nhiều ý kiến, mình có thể xâu chuỗi tất cả những mấu chốt đó lại để tổng hợp thành một luồng thống nhất. Tôi luôn hỏi có bao nhiêu người mình cần gặp để tìm hiểu được nhu cầu, khi đó mình mới đưa ra được một thiết kế phù hợp nhất. Có càng nhiều thì càng dễ lựa ra những yếu tố đúng và cần thiết, cũng giống như một bài toán phải giải, càng có nhiều căn cứ sẽ càng giải bài chính xác hơn.
Bản vẽ kết quả khảo sát cây hiện trạng tại Nhà Bình Dương
Phương án thi công để không ảnh hướng tới hệ rễ cây hiện trạng
Mặt cắt công trình với cây hiện trạng
Mô hình kiến trúc
Thi công công trình
Nhà Bình Dương sau khi hoàn thiện
Cẩm Linh: Về công trình đang thi công ở Vũng Tàu, khi tới khảo sát khu vực xung quanh và địa thế của công trình, chúng tôi cũng tìm hiểu cả về bối cảnh gia đình của chủ đầu tư. Thường khi xây một căn nhà, gia đình sẽ có một hai người trụ cột để trao đổi với kiến trúc sư về mong muốn và nhu cầu. Gia đình chủ đầu tư Nhà Vũng Tàu có đông người, chúng tôi đã dành thời gian trò chuyện khá sâu với tất cả các thành viên để hiểu mong muốn của họ. Chúng tôi biết được ông ngoại đang gặp khó khăn trong việc đi lại. Nhà còn có nhiều thú nuôi như chim, chó. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, mình hiểu được việc cần làm để đáp ứng cho từng đối tượng ở đó. Có người thích cửa sổ, người thì cần bàn, người thì thích không gian mở trong phòng riêng…Mặc dù nhà ở là công trình dành cho ít đối tượng sử dụng nhất trong quy mô của một công trình, tuy nhiên nó luôn mang những tính cách khác nhau trong mỗi góc. Nhà là một xã hội thu nhỏ, mỗi căn phòng được coi như một ngôi nhà riêng phản ánh tính cách của mỗi người, phòng này là hàng xóm của phòng kế bên, những tương tác về khoảng mở và cửa sổ đôi khi lại mang đến những lưu ý trong thiết kế của chúng tôi.
Vật liệu K59 Atelier luôn ưa thích sử dụng nhất trong kiến trúc?
Nhật Nam: Thực ra chúng tôi không ưu tiên chọn một loại vật liệu nào cụ thể. Điều đầu tiên định hình ra công trình là bối cảnh, từ đó chúng tôi sẽ bám theo đó để chọn những vật liệu sao cho phù hợp nhất với từng đối tượng. Có người sợ gỗ do mối mọt, có người lại sợ sắt do lo bị sét đánh. Thông qua quá trình tìm hiểu chủ đầu tư thì mình hiểu vật liệu nào họ yêu thích, mình cũng biết được vật liệu nào phù hợp với khu vực của công trình.
Chúng tôi đặc biệt yêu thích vật liệu thủ công, thứ đã gắn bó với người dân địa phương từ lâu đời, cho thấy được sự thích ứng của những chất liệu này với đặc điểm địa lý và khí hậu tại công trình. Với chúng tôi, vật liệu nào cũng đẹp cả, không có loại đẹp nhất hay ưa thích nhất, đôi lúc khi thi công, có những vật liệu ban đầu mình không thích nhưng khi nói chuyện với người sử dụng, mình lại thấy chúng là phù hợp nhất với người đó hay nơi đó. Như vậy, khi đã tìm ra được chính xác vật liệu sẽ sử dụng là gì thì gần như mình không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi luôn chọn vật liệu dựa trên quan điểm của chủ đầu tư.
Nhà 803, Sài Gòn
K59 Atelier nghĩ sao về những dự án kiến trúc cộng đồng? Từng tham gia vào dự án cộng đồng thì theo hai bạn, điều gì quyết định đến chất lượng và mức độ thành công của dự án?
Nhật Nam: Câu hỏi này khó quá (cười). Chúng tôi đều rất thích với các dự án cộng đồng vì được tiếp xúc với nhiều đối tượng sử dụng. Có lẽ dự án kiến trúc cộng đồng luôn là một đề bài không dễ để làm. Đối tượng sử dụng công trình rất nhiều. Khó khăn phải kể tới nữa đó là vấn đề tài chính, về mảng cộng đồng thì tài chính luôn bị giới hạn. Thêm nữa, sự thông cảm, thấu hiểu và chung tay góp sức của những người sử dụng là chìa khóa thành công cho công trình kiến trúc cộng đồng, điều này gây nhiều khó dễ cho kiến trúc sư. Một công trình cộng đồng nếu như ngay từ đầu không có sự góp sức của đối tượng sử dụng, họ sẽ không có động thái giữ gìn hay bảo vệ công trình đó, dẫn đến sự xuống cấp và tình trạng cha chung không ai khóc, chỉ vì họ không phải chi tiền, không phải đầu tư.
Chưa kể tới bước đầu trong quá trình khảo sát khá bất cập do mình không có đủ điều kiện để gặp tất cả mọi người. Có người quá bận rộn, có người đi làm xa…mà thường những người này lại là trụ cột gia đình và có tiếng nói nhất nhà, đôi khi họ còn là những người tài trợ cho công trình cộng đồng nơi họ sống. Nếu công trình sau khi hoàn tất không đúng với mong muốn, họ hoàn toàn có thể đưa ra những phản ánh tiêu cực. Với chúng tôi đây là việc khó nhất, làm sao để khảo sát được càng nhiều càng tốt và nắm được nhu cầu sử dụng rõ ràng. Một dự án cộng đồng có tồn tại hay không nằm ở chỗ liệu người dân có chung tay chung sức để xây dựng.
Clip về công trình công viên Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) do K59 thực hiện
Cẩm Linh: Công việc lấy ý kiến góp ý của người dân ngay từ đầu thực sự rất khó. Chúng tôi cùng Sống Foundation đã tổ chức nhiều buổi họp cộng đồng nhưng người dân thường vắng mặt, thay vào đó họ cử đại diện khu phố hay những người đã có tuổi nhưng đây đều là những đối tượng ít sử dụng công trình nhất. Mình có tới từng nhà vận động cũng không giải quyết được vấn đề. Việc tham gia hay không phụ thuộc vào mong muốn của mỗi người, không phải ai cũng thoải mái đóng góp ý kiến. Vậy nếu muốn một công trình công cộng được thành công thì mình phải thay đổi liên tục, luôn vận động và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình xây dựng công trình để tạo sự gắn kết.
Đây là một dự án dài hơi. Từ lúc công trình khởi công tới khi hoàn thiện và kể cả thời gian sau khi đi vào sử dụng, mỗi khi nhận những đóng góp ý kiến của mọi người tôi cảm thấy thú vị hơn vì công trình có sự thay đổi nhất định, có sự cựa quậy và dịch chuyển theo nhu cầu sử dụng. Lúc đó, công trình như có sự sống để thích nghi với bối cảnh. Theo tôi, dự án cộng đồng không có điểm kết thúc. Chúng thay đổi liên tục do có sự tiếp nối của đối tượng sử dụng. Mình cần chấp nhận vấn đề này. Sự thành công của công trình không dựa vào hình ảnh mà dựa vào mức độ sử dụng công trình khi quá trình xây dựng kết thúc.
Quan sát thấy các bạn ngoài làm mô hình còn vẽ tay khá kỹ, đó là do sở thích hay có lý do nào khác liên quan đến thiết kế?
Cẩm Linh: So với bản vẽ tay thì bản vẽ máy thường sạch sẽ quá, mọi đường nét đều thẳng tắp; vẽ tay thì không như vậy, có độ run độ chệch, chúng phản ánh con người thôi. Cũng giống như công trình mình làm ra, quá trình xây dựng đều do bàn tay của người thợ, nhìn vậy thôi chứ từ tường hay cột bê tông, không cái nào thẳng tắp như trong máy vẽ được. Chúng có sự sần sùi tự nhiên, và tự nhiên cũng là vậy. Qua nét vẽ tay, mình thể hiện được công trình một cách thực nhất và sống động nhất. Chúng tôi tin rằng khi mọi người nhìn qua một bản vẽ tay, càng nhìn kỹ vào chi tiết họ có thể hình dung ra cách từng cá nhân sinh hoạt thế nào trong không gian sống riêng. Đây là chất liệu tái hiện rõ nét và sinh động về cuộc sống của con người trong một công trình kiến trúc.
Có kiến trúc sư hay nhân vật nào ảnh hưởng đến tư duy thực hành kiến trúc của các bạn?
Nhật Nam: Tôi nghĩ là những người thầy, người anh hay tất cả các kiến trúc sư mà chúng tôi có dịp làm việc và chia sẻ. Họ đều là những mảnh ghép giúp chúng tôi định hình được kiến trúc riêng của K59 Atelier. Tôi học kiến trúc thông qua rất nhiều góc nhìn và phương tiện khác nhau. Thời đại này thực sự tạo điều kiện cho quá trình tìm hiểu thông tin và học hỏi từ các dữ liệu sẵn có.
Cẩm Linh: Với tôi thì rất khó để nói ra một cái tên cụ thể vì có nhiều quá. Mỗi kiến trúc sư, thầy giáo, hay đồng nghiệp đều có ít nhiều sự ảnh hưởng tới quan điểm thực hành kiến trúc của tôi.
Bản vẽ tay công trình nhà 803
Trong 5 năm phát triển của một văn phòng kiến trúc trẻ, liệu có khó khăn hay thuận lợi!
Nhật Nam: Một trong những điều thuận lợi là tôi có thể thấy được các kiến trúc sư đi trước gặp phải khó khăn gì để mình học hỏi và đúc kết kinh nghiệm. Tôi không ngại thay đổi, mình được quyền thử nghiệm và có sai sót để phát triển những tư duy mới trong kiến trúc.
Cẩm Linh: Tôi không biết đây là khó khăn riêng của các văn phòng trẻ hay là khó khăn chung của tất cả các văn phòng kiến trúc. Chúng tôi nghĩ làm sao để tạo được niềm tin với khách hàng là điều không dễ. Do văn phòng mình còn mới, dự án chưa nhiều nên khi nói về một mảng kiến trúc chủ đầu tư sẽ muốn biết rằng mình liệu đã có đủ kinh nghiệm và kiến thức về điều họ cần hay chưa. Có thể mình đã tìm hiểu về chủ đề đó nhiều rồi nhưng nếu mình chưa từng làm hay thử qua thì sẽ gây lo ngại. Làm sao để chứng minh rằng mình làm được, chắc đây là điều khó nhất. Đôi khi mình không thể minh chứng được qua số liệu nhưng mình có thể thấy niềm tin của họ qua cách trao đổi và tiến hành thiết kế dự án.
Nhật Nam: Thành thật thì trong 5 năm vừa qua chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn khó khăn. Chúng tôi không bị căng thẳng giai đoạn dịch Covid trong khi nhiều đồng nghiệp khác gặp khó khăn. Chúng tôi học được nhiều thứ, có thời gian đọc sách và suy nghĩ sâu hơn, có thời gian đầu tư cho công trình, sửa chữa và khắc phục những điểm văn phòng mình còn yếu.
Nhật Nam hiện vừa đi dạy, vừa thực hành kiến trúc ở K59 Atelier. Dưới góc nhìn của một giảng viên thì có sự khác biệt gì giữa đào tạo kiến trúc bây giờ với giai đoạn Nam còn đi học?
Sinh viên hiện nay rất năng động, thậm chí còn tìm tòi được nhiều thứ hay ho hơn thế hệ chúng tôi. Họ có điều kiện thực hành ở nhiều văn phòng kiến trúc, dù còn là sinh viên nhưng được tận tay thi công và giám sát công trình. Điều này giúp xây dựng sự tự tin cho thế hệ kiến trúc sư mới. Có những bạn chỉ mới ra trường nhưng đã có thể mở văn phòng riêng và thực hành rất tốt. Đây là điều mà tôi cảm thấy thực sự khác biệt với thời điểm mình theo học cách đây 10 năm. Hồi đó tôi chỉ biết tới các văn phòng nước ngoài thôi, các văn phòng trong nước chưa thịnh hành như bây giờ. Một điều tích cực khác ngoài sự tự tin, sinh viên giờ thường chọn những văn phòng trẻ hoặc nội địa mà không bị chi phối về tài chính.
Nếu tư vấn cho một người lựa chọn ngành kiến trúc để theo học thì Nhật Nam và Cẩm Linh sẽ nói gì?
Cẩm Linh: Cá nhân chúng tôi nghĩ, khi bạn theo học ngành kiến trúc hay kể cả những ngành học khác thì điều quan trọng giúp ích cho mình rất nhiều chính là khả năng quan sát. Các bạn hãy tập quan sát nhiều nhất có thể một cách vô tư và trong sáng, không bị ảnh hưởng hay áp đặt ý kiến cá nhân trong bất cứ điều gì mình thấy. Quan sát ở đây không chỉ là đứng nhìn ngắm một công trình kiến trúc mà còn là tất cả những thứ nhỏ bé xung quanh, cách mọi người sinh hoạt, cách những đứa trẻ chơi với nhau, cách người lớn tuổi vận động ra sao, hay kể cả những thứ như cây cối, không khí và đồ vật xung quanh. Ban đầu có thể chỉ là quan sát thôi, nhưng khi đi vào thực hành kiến trúc mới thấy được sự hữu ích của việc biết quan sát.
Nhật Nam: Như Linh nói, sự khách quan và trong sáng nghĩa là mình không mặc định một quan điểm nào để áp đặt một vấn đề trước khi mình nhìn nhận chúng. Giống như một công trình, hãy nhìn nhận những mặt tích cực rằng chúng giúp được ai, có gì thú vị hay những người xây dựng chúng đã vượt qua những thử thách gì. Một người quan sát tốt sẽ có khả năng làm nhiều thứ, kiến trúc chỉ là sự khởi đầu thôi.
Công trình mà Nhật Nam và Cẩm Linh thật sự ấn tượng từ trước tới giờ? Tại sao lại là công trình ấy?
Nhật Nam: Cá nhân tôi rất thích công trình Nhà cổ Ông Kiệt ở Cái Bè, Tiền Giang. Tôi có ấn tượng sâu sắc với hệ cửa linh hoạt. Toàn bộ hệ thống cửa được lắp đặt trên một kết cấu có thể tháo lắp dễ dàng, cách sắp xếp cực kì thông mình. Ông cha xưa có suy nghĩ rất tuyệt vời mà tới nay mình vẫn có thể học hỏi. Sách vở ghi chép hầu như không đủ, cái chính là mình tới tận nơi để nghiên cứu và học lại những chi tiết đó để có thể lần nữa ứng dụng những kỹ thuật này.
Cẩm Linh: Nơi đầu tiên tôi nghĩ tới khi nghe thấy câu hỏi này chính là dinh thự Vua Mèo ở Hà Giang. Tôi đã tới đó hai lần rồi mà vẫn còn muốn quay lại nữa. Mỗi lần ghé thăm là tôi lại học được thêm một chút gì đó mới. Công trình có nhiều hệ thống không gian đan xen cùng hệ mái phức tạp. Khi trời mưa có thể nhìn thấy mấy giọt nước nhỏ xuống nhảy trên mặt đất, cảm giác khi đặt chân tới nơi thực sự xúc động.
Vậy một công trình K59 Atelier luôn muốn được thực hiện?
Cẩm Linh: Từ thời sinh viên tôi đã rất hứng thú với các dự án mang tính giáo dục, đặc biệt là các dự án dành cho trẻ em vùng cao hay vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Những đồ án lớn và tốt nghiệp tôi đều làm về trường học. Về điểm này, anh Nam cũng có chung suy nghĩ giống tôi. Hiện nay có nhiều người bày tỏ sự mất niềm tin vào hệ thống giáo dục của Việt Nam nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy hệ thống giáo dục nước nhà cũng đang cố gắng xoay chuyển và cập nhật thường xuyên. Ngày trước chúng tôi luôn hy vọng K59 Atelier sẽ có cơ hội để làm một dự án như vậy nhưng giờ suy nghĩ đã có chút thay đổi. Dự án thể loại nào không còn quan trọng nữa, miễn sao chúng tôi gặp được những chủ đầu tư tin tưởng mình để xây dựng và thiết kế cho họ.
Phối cảnh công viên Cửa Đại trong thiết kế của K59 Atelier
Nhật Nam: Chúng tôi mong muốn thực hiện một dự án mà chủ đầu tư được cảm thấy mình là người phù hợp và họ sẵn sàng dành thời gian cho mình thiết kế; họ tôn trọng sản phẩm của chúng tôi làm ra từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thiện.
Giáo dục không chỉ gói gọn trong mỗi công trình trường học. Nhà ở cũng quan trọng. Đôi khi một đứa trẻ được lớn lên trong một ngôi nhà, chúng được giáo dục từ trong không gian ở, đây là một tiền đề tích cực cho sự phát triển của trẻ em.
Cảm ơn Linh và Nam, thật là một cuộc trò chuyện giá trị!