2 năm đại dịch COVID19 đã có những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến ngành kiến trúc và mỗi văn phòng kiến trúc. Nhưng thời gian đó cũng là lúc nhiều kiến trúc sư được sống chậm lại, có thời gian để nghĩ về công việc mình đang làm, những công trình đã và đang thực hiện sẽ ra sao trước những biến động chưa có tiền lệ. Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh là một trong số đó.
Câu chuyện dưới đây được chia sẻ sau giai đoạn dịch bệnh COVID19 tạm lắng xuống ở Việt Nam, nội dung chủ yếu xoay quanh những suy nghĩ về kiến trúc của anh cùng văn phòng MIA Design Studio.
Phỏng vấn
Trần Trung Hiếu
Ảnh
Triệu Chiến
Thưa anh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào đến công việc chung của văn phòng trong 2 năm qua?
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh: Đối với chúng tôi, thời gian đầu mùa dịch thì chưa bị ảnh hưởng nhiều lắm. Tới trung tuần tháng 5 năm ngoái ở Sài Gòn, khi dịch bùng phát mạnh, mọi người vẫn lạc quan và đều nghĩ cuối tháng có thể đi làm lại nhưng không ngờ việc giãn cách kéo dài tới tận 4 tháng sau. Chúng tôi chưa chuẩn bị kịp cho chuyện đó nên rất nhiều nhân sự không có đủ điều kiện để làm việc tốt nhất tại nhà.
Công việc kiến trúc cần nhiều yếu tố trực tiếp nhưng khi chỉ có thể họp và làm việc qua mạng khiến mọi thứ rất khó khăn. Tháng đầu tiên, chúng tôi rất lúng túng và bỡ ngỡ với cách làm việc online nhưng 3 tháng sau thì công việc của văn phòng trở lại tương đối bình thường, còn kì vọng tất nhiên không thể như mong đợi. Chúng tôi không có cơ hội ra công trường, văn phòng cũng không có nguồn thu. Mấy tháng khó khăn, các chủ đầu tư gặp bất lợi khiến mình bị ảnh hưởng tiêu cực theo.
Trải qua giai đoạn như vừa kể, anh có suy nghĩ gì về cuộc sống, công việc cũng như góc nhìn kiến trúc?
Năm 2020, nghe thông tin thấy châu Âu gặp rất nhiều vấn đề khi dịch bùng phát, số người tử vong tăng cao mỗi ngày, số ca nhiễm cũng không có chiều hướng giảm…mình chỉ cảm nhận được một phần. Nhưng khi trực tiếp sống ở Sài Gòn giai đoạn giữa năm 2021, tôi mới thực sự cảm nhận được sự khốc liệt của dịch COVID-19.
Một trong những điều tôi thấy rõ nhất, đó là vấn đề tâm lý. Chưa bao giờ tôi hình dung việc mình sẽ chỉ ở yên một chỗ trong suốt mấy tháng liền. Nói bị cầm tù có lẽ hơi ghê gớm nhưng đại loại cảm giác chẳng khác mấy là bao. Tôi vẫn phải lạc quan, vẫn phải tích cực để động viên bản thân và mọi người ở văn phòng. Dù sao công việc lúc đó không còn quá nhiều ý nghĩa nhưng nhờ công việc mà chúng tôi vẫn có thể tương tác, tinh thần cũng bớt bị stress.
Lúc này, căn nhà là điểm tựa cuối cùng của mình, có thời gian ở nhà nhiều hơn giúp tôi cảm nhận rõ tầm quan trọng của chất lượng không gian sống. Sky House có tới một nửa diện tích được tôi thiết kế dành cho thiên nhiên nên cả gia đình có nhiều không gian chuyển tiếp để dễ dàng đi lại, vận động. Chúng tôi hàng ngày vẫn có đủ cây xanh, mặt nước, gió và ánh sáng, nhờ vậy mà cảm giác bị giam trong nhà dần mất đi, thay vào đó, chúng tôi cảm nhận đây như một ốc đảo thực sự.
Sky House
Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Thiết kế: MIA Design Studio
Nhân nhắc về Sky House, tháng 12.2021, công trình đã nhận được giải thưởng tại Liên hoan Kiến trúc thế giới (World Architecture Festival – WAF). Điều này có ý nghĩa thế nào với MIA ở thời điểm đó?
Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được giải thưởng tại WAF. Mỗi năm MIA vẫn gửi bài dự thi, chúng tôi không nghĩ nhiều lắm tới giải thưởng, thi để thấy được cái suy nghĩ của mình ở thời điểm hiện tại ra sao so với thế giới. Năm ngoái chúng tôi may mắn thắng giải ở hạng mục Nhà ở, công trình đạt giải chính là Sky House mà tôi đã yên trú mùa dịch vừa qua. Tôi thấy rất thú vị!
Nghe tin có giải, anh em ở công ty vui lắm vì công việc đang trong giai đoạn khó khăn thì mọi người lại nhận được sự động viên khích lệ rất lớn từ cộng đồng kiến trúc quốc tế. Ngoài yếu tố may mắn, tôi tin ban giám khảo WAF đã ghi nhận và đánh giá cao công trình của chúng tôi.
Sky House là tư gia của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh tại Sài Gòn.
Đây cũng là thiết kế của anh và MIA Design Studio dành cho không gian sống của chính mình.
Một công trình theo quan điểm “Ít để được nhiều” của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh.
Về quan điểm “Ít để được nhiều” anh từng nói trước đây trong bối cảnh xã hội quá chật chội, khi dành một khoảng không gian cho thiên nhiên, mình sẽ được nhiều hơn những thứ đó. Trong lúc dịch bệnh, anh có thấy điều đó càng đúng hơn không? Anh có thể nói rõ hơn về quan điểm trên trong kiến trúc mà anh đang theo đuổi?
Quan điểm “Ít để được nhiều” cũng tương tự câu nói của kiến trúc sư Mies van der Rohe – “Less is More”.
Trong bối cảnh nhà ở đô thị, nhà cao tầng và chung cư như hiện nay tại một số thành phố lớn, tôi nghĩ kiến trúc phải chủ động tạo ra những khoảng trống thay vì xây dựng kín đặc trong bốn bức tường. Điều này giúp cho bản thân công trình và người sống bên trong không bị stress. Khoảng trống đôi lúc có tính chất quan trọng hơn không gian sử dụng, một căn nhà có khoảng trống là cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả không gian bên trong.
Khi thiết kế công trình, nếu không gian bên trong và bên ngoài đồng nhất trên cùng một cao độ, vật liệu…thì chúng ta không còn phân biệt được yếu tố trong và ngoài nữa. Ánh sáng, cây xanh, mặt nước khi đó tổng hoà, chúng ta sống bên trong nhưng như đang ở giữa không gian thiên nhiên bên ngoài. Đó là yếu tố chữa lành tinh thần tốt nhất, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19.
Dịch bệnh kéo đến giúp tôi có cơ hội nhìn lại cái quan điểm đó khi cả ngày chỉ sống và sinh hoạt bên trong chính công trình mà mình vẽ ra. Tôi thấy được cả ưu và nhược điểm trong thiết kế của mình khi tương tác với từng góc nhỏ trong nhà. Cảm nhận rõ ánh sáng từ ban sáng đến chiều muộn, thấy cái cây phát triển ra sao, thấy căn bếp mình vẽ thực tế sử dụng hàng ngày như thế nào, rồi khu giặt ủi…Thậm chí khi phải trồng cả rau trên mái để chủ động nguồn lương thực thì việc tưới tắm và bón phân cho khu vườn nhỏ cũng cần suy nghĩ…Lúc tương tác và vận hành căn nhà mình mới hiểu rõ nhất sự được và mất. Tôi thấy suy nghĩ 50% dành cho thiên nhiên, 50% dành cho công năng và khoảng không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài là vô cùng cần thiết.
Một công trình của MIA Design Studio tại Phú Quốc, Việt Nam
Anh kết hợp thế nào giữa tinh hoa kiến trúc truyền thống với lối thiết kế đương đại trong kiến trúc của MIA Design Studio?
Làm sáng tạo đồng nghĩa với việc nghĩ ra cái mới, mình không thể sao chép lại cái cũ nhưng hoàn toàn có thể kế thừa những giá trị đã có. Cái mới theo tôi cũng đồng nghĩa với tính đương đại. Đó chính là bản chất công việc của người kiến trúc sư.
Khi đứng trước một di sản hay một công trình cũ, mình cần hiểu và trân trọng yếu tố lịch sử, bối cảnh ra đời của công trình, kĩ thuật thi công và vật liệu mà thế hệ trước đã xử lý thông qua các chi tiết. Mình có thể truyền tải cái hiểu đó vào những công trình đang vẽ, đang làm ở thời điểm hiện tại.
Anh có nghĩ rằng cách tiếp cận kiến trúc truyền thống mang tính bền vững hay không? Vì thực tế có rất nhiều công trình kiến trúc truyền thống đã tồn tại lâu đời, hầu như không có tác động tiêu cực đến đời sống và cảnh quan cũng như môi trường tự nhiên.
Trước hết cần định nghĩa lại về chữ “truyền thống”. Chúng ta không nên hiểu theo ý về sự trang trí. Nhiều người thường nói đến việc “đánh mất bản sắc” hoặc “đánh thức truyền thống”. Hai chữ “truyền thống” bản thân nó có bao giờ ngủ đâu mà mình đánh thức!? Chúng ta vẫn giao tiếp với nhau, nói chuyện hàng ngày bằng tiếng Việt đấy thôi. Chúng ta vẫn sống với gia đình, vẫn ăn cơm với dưa cà, rau muối…Đó chính là truyền thống. Hiển nhiên nó tồn tại!
Chúng ta không nên nghĩ yếu tố truyền thống theo cách cứ phải vẽ những nét cổ truyền xưa vào trong công trình đương đại. Phải đi từ bản chất, thói quen sử dụng, từ cái nội tại, nơi mà tác phẩm đó được sinh ra. Mình làm công trình cho người Việt xài, người Việt sống trong đó với những thói quen hàng ngày mà không bị gượng thì họ sẽ thích, họ sử dụng và chăm sóc, công trình khi đó sẽ tồn tại lâu dài.
Nhà Tân Định, quận 3
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Thiết kế
MIA Design Studio
Hoàn thành
2020
Khi bắt đầu thực hiện dự án thì điều anh quan tâm nhất là gì?
Trước khi bắt đầu thiết kế thì bước chuẩn bị đầu tiên theo tôi là rất quan trọng. Đó là giai đoạn tương tác với chủ đầu tư, mình phải hiểu họ muốn cái gì. Góc nhìn và suy nghĩ của họ với mình có phù hợp không, nếu trái chiều thì không thể ra được công trình tốt. Khi có sự phù hợp, chỉ cần khách hàng biết lắng nghe. Về góc độ công việc, họ tìm tới mình và mong muốn như thế nào thì mình là người giải quyết cho họ thông qua giải pháp kiến trúc.
Điều tiếp theo quan trọng không kém đó là hiểu về tính bản địa tại nơi dự án sẽ hình thành. Phải quan sát rất kĩ mối tương quan giữa khu đất của dự án đối với bối cảnh xung quanh, từ những điều nhỏ nhất. Cùng với nhu cầu của chủ đầu tư, thói quen, mong muốn sinh hoạt hàng ngày của mọi người, khi đó mình mới đưa ra được những suy nghĩ và hướng thiết kế.
Ở MIA có một nhóm chuyên làm khảo sát và nghiên cứu để tham vấn cho đội thiết kế, chúng tôi cố gắng đưa ra nhiều góc nhìn để đảm bảo khi ai tham gia vào dự án cũng hiểu rõ hai yếu tố nêu trên.
Bàn làm việc bên trong văn phòng MIA Design Studio
Ánh sáng luôn là chất liệu rất quan trọng trong các công trình của MIA, cùng với đó là bóng đổ. Tôi thấy các anh đã tiếp cận rất nghiêm túc không chỉ về mặt kiến trúc, vật liệu mà còn về cả cảm xúc trong mỗi công trình. Đó có phải là cách anh muốn mang thiên nhiên vào công trình của mình hay không?
Tôi nghĩ không chỉ mình tôi, kiến trúc sư khi thiết kế một không gian đều luôn suy nghĩ về ánh sáng. Khác nhau ở chỗ mình hình dung ra không gian đó ra sao để đưa ánh sáng vào trong công trình thật sự tinh tế. Tính nghệ thuật và sự vừa phải của ánh sáng cần có sự tính toán tới nơi tới chốn.
Tôi luôn muốn lấy ánh sáng tự nhiên từ hai hướng trước và sau một cách chủ động, không bị phụ thuộc vào bối cảnh công trình. Sau đó, tôi cố gắng tạo thêm một khoảng lấy sáng ở giữa để công trình có sinh khí theo góc nhìn cá nhân.
Để đưa thêm ánh sáng vào trong không gian sống, tôi sử dụng các yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước kết hợp xử lí các hướng mở của ánh sáng theo phương đứng hay phương ngang, qua đó tạo chùm sáng hay tia sáng, có chỗ chan hòa, có chỗ vừa đủ sáng. Tất cả những thủ pháp này không còn lạ gì với người làm kiến trúc. Có khác chỉ ở cách vật thể trung gian phản xạ ánh sáng ra sao dưới phương diện nghệ thuật. Đương nhiên có ánh sáng thì có bóng đổ. Đó là điều rất thú vị!
Văn phòng MIA Design Studio
Phường An Phú, thành phố Thủ Đức
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Là một kiến trúc sư đang sống ở Việt Nam thì anh nghĩ sao về sự vươn cao của các tòa nhà hiện nay. Theo anh, có nhất thiết cần phải vươn cao đến như vậy không?
Về sự vươn cao, chúng ta phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau.
Ở góc độ chủ đầu tư, họ luôn cố gắng tối ưu lợi nhuận và chi phí đầu tư dành cho các dự án bất động sản cao tầng. Hệ số sử dụng đất càng tăng, đặc biệt ở những vị trí đắc địa, đối với họ đó là một đòi hỏi chính đáng.
Đứng dưới góc độ quản lý Nhà nước, nhà chức trách phải tìm cách hài hòa về mật độ dân số tương đồng với cơ sở hạ tầng. Như Singapore, người ta đưa dân cư sống trên cao vì muốn có nhiều khoảng trống trong không gian sống, khác hẳn Hong Kong, mật độ sống lại quá dày khiến không gian rất tù túng.
Đối với kiến trúc sư, tôi nghĩ trong thâm tâm và nếu có quyền thì thực sự không nhiều kiến trúc sư muốn thay đổi và can thiệp thô bạo vào sự phát triển của đô thị bằng cách vươn cao khi hạ tầng chưa đáp ứng tương xứng.
Thực chất giải quyết nhu cầu ở và sinh hoạt của con người dưới góc nhìn của một kiến trúc sư thì anh thấy như thế nào? Theo anh điều gì là quan trọng nhất trong một không gian dành cho đời sống của con người?
Tôi thấy không gian là điều quan trọng nhất. Cùng 100m2 diện tích sàn sẽ có hàng trăm phương án khác nhau, thường phần đông sẽ muốn xây cao lên như đã đề cập. Không gian sống của con người cần được thở và có sinh khí. Vì nếu căn nhà không có sinh khí thì chẳng ai muốn về nhà đâu.
Với một người đã hành nghề lâu năm như anh, đã tiếp cận và tiệm cận với kiến trúc thế giới, anh nghĩ sao về kiến trúc Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Theo anh thì chúng ta nên tiếp cận kiến trúc như thế nào trong tương lai, khoảng 20 đến 50 năm nữa?
Kiến trúc bền vững là điều không chỉ kiến trúc sư Việt Nam mà cả thế giới đang quan tâm. Tính bền vững ở đây phải nhìn qua nhiều góc độ: tính bản địa, nơi chốn, không gian, thời gian, tư duy thiết kế để công trình tồn tại lâu dài mà không bị đập bỏ. Công trình phải thực sự phù hợp với vị trí và con người ở đó.
Tương lai lâu dài, chúng ta cần để ý thêm về các yếu tố hiểm họa và thiên tai. Như ở Sài Gòn vừa rồi chính là một thảm họa, chúng ta phải có cách tư duy bền vững hơn. Ví dụ nhỏ nhất như mỗi nhà cần có một khoảng sân thượng, chí ít là cái ban công để khi cần có thể trồng ít rau ăn khi lương thực khan hiếm.
Còn kiến trúc Việt Nam hiện tại đang có nhiều điều rất đáng ghi nhận. Có không ít kiến trúc sư giai đoạn 10 năm trước đã đạt được những thành tựu tốt, tạo cho xã hội nói chung và ngành kiến trúc nói riêng một niềm cảm hứng tích cực. Việc nhiều văn phòng thiết kế tham gia các cuộc thi tầm cỡ thế giới những năm qua cũng giúp kiến trúc Việt Nam có cơ hội cọ xát trực tiếp ở tầm quốc tế, chúng ta thi đấu và giành giải mà không phải qua các đơn vị trung gian. Mở ra một sân chơi vô cùng hấp dẫn giúp kiểm chứng năng lực thiết kế, tạo động lực cho kiến trúc sư Việt Nam sáng tạo.
Công trình Bụi Rơm là một pavilion tại Thành phố Thủ Đức. Thiết kế: MIA Design Studio
Ở MIA anh là người rất quan tâm các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nội bộ. Vì sao anh lại coi trọng điều này và kết quả từ những hoạt động R&D này trong thực tiễn như thế nào?
Với tâm thế của một công ty thiết kế, tôi quan tâm đến việc nghiên cứu sâu vào điều gì đó để hiểu đúng bản chất, từ đó vẽ đúng và đẹp thay vì tạo ra một thứ vô hồn. Nhận thức lại càng không phải thứ một sớm một chiều có ngay được, ở góc độ cá nhân cũng như tập thể.
Chúng ta cần chà qua xát lại, năm này qua năm kia mới có được những trải nghiệm. R&D là một công việc như vậy. R&D mỗi ngày giúp chúng tôi có thể xử lý công việc thực tế rất nhanh và đúng, như một phản xạ tự nhiên trong thiết kế. Hoạt động này thường không mất quá nhiều chi phí, lại thực tế và liên tục đổi mới. Ở MIA, ngày nào cũng có những cuộc trao đổi, bàn luận sôi nổi giữa những thế hệ trong văn phòng.
Nhiều chủ đề nghiên cứu và các cuộc thi nội bộ thường xuyên được tổ chức, cái nào hay được chúng tôi triển lãm ngay trong chính nơi mình làm việc để mỗi ngày mọi người học hỏi từ nhau, từ chính những thứ mình đang tìm hiểu. Nhiều kết quả R&D về vật liệu và thủ pháp thiết kế được chúng tôi áp dụng luôn vào trong công trình hiện tại.
Kiến trúc sư nào có tác động mạnh mẽ đến thiết kế cũng như quan điểm làm việc của anh?
Tôi là người có xu hướng làm nhiều thứ, xử lý nhiều chi tiết trong kiến trúc để “ẩn đi”, cách thể hiện kiến trúc ra bên ngoài cố gắng thật cô đọng và súc tích. Kiến trúc phải thực sự sâu sắc, tinh khiết và phải thật. Người khiến tôi ấn tượng và có sự đồng điệu về góc nhìn này là kiến trúc sư Tadao Ando.
Kiến trúc của Tadao Ando không phải trang trí mà lột tả đúng bản chất về nhu cầu sống của con người, không đắp điếm nhiều thứ vào công trình. Giống như một cô gái đẹp, đẹp thật sự mà không cần trang điểm rườm rà.
Triển lãm ảnh kiến trúc của NAG Triệu Chiến tại MIA Design Studio tháng 04.2021
Anh có bao giờ nghĩ về các dự án trong tương lai và tưởng tượng kiến trúc sẽ thế nào không?
Không bao giờ. Khi bắt tay vào làm điều gì đó tôi mới tưởng tượng và hình dung ra được. Nhưng chắc chắn là những gì đang theo đuổi hiện nay thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm và phát triển thông qua mỗi giai đoạn, mỗi dự án cụ thể.
Công trình anh mong muốn được thực hiện nhất là gì và vì sao anh lại muốn thực hiện công trình đó?
Hầu hết các kiến trúc sư đều bắt đầu từ những công trình nhà ở, sau đó quy mô lớn dần lên theo thời gian và kinh nghiệm. Những công trình về tôn giáo và giáo dục là bước tiếp theo mà kiến trúc sư đều mong mỏi được làm. Thời điểm hiện tại, tôi mong được làm một ngôi trường và tương lai là một ngôi chùa theo lối đương đại cho người Việt.
Sau nhiều năm làm nghề thì có điều gì ở anh đã thay đổi và điều gì không bao giờ thay đổi?
Tôi thay đổi mỗi ngày về tư duy, cách làm việc theo đó cũng trưởng thành hơn, càng trải nghiệm thì càng hiểu ra và cảm nhận được nhiều hơn. Tự tôi thấy, MIA trong giai đoạn 3-4 năm gần đây đã có những bước tiến rất tích cực trong công việc và nghề nghiệp. Công trình tuy không xuất hiện nhiều nhưng những gì chúng tôi thể hiện ra đều có một sự chuẩn bị kĩ càng, làm đúng bản chất kiến trúc. Đó là một hướng đi tốt để mọi người cùng theo đuổi về lâu dài.
Còn cái không thay đổi thì tôi vẫn là tôi thôi, chiều về vẫn thể thao, thi thoảng nhậu. Đó là điều không thay đổi.
Nếu không làm kiến trúc sư thì anh nghĩ là anh sẽ làm công việc gì?
Tôi xây nhà đi bán. Cứ mua đất rồi xây nhà bán.
Cảm ơn kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh!