TOOB Studio là một văn phòng kiến trúc có trụ sở tại Hà Nội, khởi nghiệp thời kỳ đầu với những dự án thiết kế nhà ở quy mô vừa và nhỏ. Sau này, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang cùng các cộng sự dần mở rộng quy mô và tham gia thiết kế nhiều hơn các loại hình kiến trúc khác.
Tác giả cuộc trò chuyện đã tiếp xúc và theo dõi công việc của TOOB từ những ngày đầu tới thời điểm hiện tại, gần đây lại có dịp trò chuyện thêm với kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang về quá trình hành nghề và những nhận ra thú vị khi bước trên con đường thực hành kiến trúc tại Việt Nam.
Chào kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, những ngày đầu của TOOB thế nào?
Nguyễn Hồng Quang: Nhìn lại thời kì đầu, chắc ai cũng có khó khăn cả, điều tôi thấy may mắn là luôn có những cộng sự song hành cùng xây dựng quan điểm thiết kế và duy trì cho tới tận hôm nay.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang
Phỏng vấn & Ảnh
Trần Trung Hiếu
Phạm Hà Thu
Địa điểm
TOOB Studio
Sau 9 năm thành lập, anh có nhận thấy sự thay đổi của TOOB từ đó tới nay? Có cột mốc nào đáng nhớ sau quãng thời gian dài như vậy?
TOOB Studio đã có nhiều thay đổi so với thời điểm mới bắt đầu, tất nhiên điều này nằm trong định hướng. Trước mỗi dự án, chúng tôi đều có những quyết định mang tính “tiến hóa” chứ không phải “sự lựa chọn mang tính ngang hàng”. Chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ tiêu chí này hết mức có thể.
Nhà Trâu Quỳ
Ảnh
Triệu Chiến
Cột mốc đáng nhớ có lẽ là công trình tổ hợp dịch vụ đầu tiên mà chúng tôi thực hiện vào năm ngoái. Dự án như một cơ hội, kích thích mình bước qua giới hạn của bản thân.
Anh hãy nói thêm về công trình tổ hợp đó.
Công trình tôi muốn đề cập đến là Nhà Hạ Long 02. Vị trí dự án khá đặc biệt, nằm trên một con dốc tại đảo giao thông trung tâm của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Con dốc nâng ngôi nhà tạo ra vị thế mới mẻ cho đô thị, buộc chúng tôi phải suy nghĩ để công trình trở thành một điểm đến, chủ đầu tư rất tán đồng với quan điểm này.
Ngoài công trình này, TOOB cũng có một số dự án thú vị khác. Trước đây, việc tập trung vào một số công trình nhà ở khiến tôi nhận ra sự giới hạn trong suy nghĩ mặc dù mình luôn cố gắng mở rộng tư duy. Quan sát thì thấy nhiều kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới khi thiết kế thường không bị bó buộc vào bất cứ thể loại công trình nào. Điều này thúc đẩy tôi cùng các cộng sự cố gắng thực hành dựa trên cốt lõi là mối quan tâm của bản thân. Khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi hoàn thành một số dự án thương mại-dịch vụ và công cộng, tôi thấy suy nghĩ của mình phát triển thú vị hơn nhiều.
Ảnh
Triệu Chiến
Tôi muốn nghe thêm về lý do anh nhận lời tham gia thiết kế những công trình công cộng.
Nhà ở là kết quả của quá trình tương tác giữa kiến trúc sư và chủ nhà với mục đích tạo lập không gian cho một gia đình sinh sống một thời gian dài. Với khả năng sống thích nghi cao của người Việt Nam thì chắc hẳn mọi người đều yêu thích ngôi nhà của mình.
Khi thiết kế nhà ở, chúng tôi luôn đặt cho mình một suy nghĩ rộng hơn một ngôi nhà cụ thể. Quá trình thực hiện sẽ phát lộ dần ranh giới giữa ngôi nhà với các yếu tố xung quanh. Hoàn thiện xong, hầu hết chủ đầu tư đều nhận xét tích cực, họ thấy đẹp ở góc nhìn của họ, hiếm người chê. Đôi lúc tôi tự hỏi, đó có thực sự là những nhận xét khách quan, làm sao để biết suy nghĩ của mình có thực sự đúng đắn qua một công trình của cá nhân nào đó!?
Đối với công trình công cộng hoặc dịch vụ thì khác, chúng có đặc tính phục vụ nhiều đối tượng khác nhau trong một khoảng thời gian không quá dài. Người sử dụng được lựa chọn có nên xây dựng thói quen với công trình hay không, hành vi đó cho chúng tôi câu trả lời khách quan về chất lượng công trình. Những dự án dịch vụ, nếu không vận hành tốt dù với lý do khách quan hay chủ quan thì sẽ khá đáng buồn cho sự cố gắng của các bên. Tôi nhận ra trọng trách của kiến trúc sư khi tham gia thiết kế các công trình dịch vụ và công cộng là không hề nhỏ.
Câu hỏi thường xuyên được chúng tôi lưu tâm là “Đối tượng đến với công trình dịch vụ công cộng là ai và những yếu tố nào mới thỏa mãn được họ? Những đối tượng có mối quan tâm khác nhau thì cái gì là điểm chung giữa họ với nhau và giữa họ với chúng tôi (kiến trúc sư và nhà đầu tư)? Cái gì nên được ưu tiên? Thỏa mãn cảm xúc ngắn hạn hay lâu dài?”
Tôi cho rằng những câu hỏi trên chỉ có thể trả lời bằng việc tiếp tục thực hành kiến trúc mỗi ngày.
Không gian một công trình TOOB Studio thực hiện ở Hà Nội
Ảnh
Triệu Chiến
TOOB từng tham gia Lễ Hội Thiết kế Sáng Tạo (LHST) Hà Nội 2022, anh nghĩ sao về sự kiện này và mong muốn của anh sau khi tham gia dự án đó?
Hà Nội đã được Unesco công nhận là một trong những Thành phố trong mạng lưới Thành phố Sáng Tạo (TPST) của thế giới. Và hoạt động năm 2022 của TPST chính là LHST với địa điểm được lựa chọn là bờ Hồ Hoàn Kiếm. Không gian mở sẽ dẫn tới một đề bài rất mở. Điều này mang lại nhiều thách thức cho chúng tôi khi tham gia thiết kế một công trình có tính phổ cập theo tiêu chí của ban tổ chức.
Nhóm kiến trúc sư tham gia dự án đã quyết định tạo ra một tuyến các không gian kiến trúc để phục vụ hoạt động nghệ thuật hướng tới cộng đồng và quan trọng nhất là việc tôn vinh những di sản nằm trong khu vực nơi diễn ra sự kiện. TOOB kỳ vọng qua dự án này, tiếng nói và suy nghĩ của kiến trúc sư, nghệ sĩ và các cơ quan ban ngành sẽ gắn kết gần nhau hơn, là tiền đề cho các dự án kiến trúc công cộng tiếp tục được thực trong tương lai, để vai trò của kiến trúc sư trong bối cảnh đô thị ngày càng đậm nét.
Công trình trong khuôn khổ LHST 2022 tại Hồ Gươm, Hà Nội
Ảnh
Triệu Chiến
Quan sát thấy còn nhiều ý kiến cho rằng ‘mấy hoạt động này chẳng có gì đặc biệt, cũng không giúp cảnh quan Hồ Gươm đẹp hơn’, tôi nghĩ điều này một phần đến từ nhiều sự kiện được tổ chức trước đó nhưng không hiệu quả, thậm chí có sự kiện mang tới hình ảnh rất phản cảm.
Đối với cá nhân tôi, Hồ Gươm vốn dĩ là địa điểm luôn có vẻ đẹp rất riêng và dường như chúng ta nên “bớt đi hơn là thêm vào”.
Dù còn nhiều ý kiến nhưng thực tế cần kết nối ngành công nghiệp sáng tạo với người dân, bản thân chúng tôi đã chủ động tiết chế trong thiết kế để mọi người khi ghé thăm công trình đều cảm nhận được “không khí Hồ Gươm” theo góc nhìn khác đi, thậm chí còn mang tới những trải nghiệm mới lạ mà ngày thường không dễ có.
Tôi đánh giá sự kiện này là cơ hội để tôi và mọi người trong nhóm làm kiến trúc nhìn thấy được nhiều thứ cho cộng đồng, quan điểm và hành vi từ phía ban tổ chức, những khả năng và những giới hạn của việc thực hiện một dự án công trong không gian văn hóa đô thị. Tôi có niềm tin chương trình sẽ ngày một thiết thực hơn. Muốn trồng một cái cây cũng cần bắt đầu từ việc làm đất, mỗi nấc thang đều dẫn đến vạch đích cao hơn và tôi tin thời gian sẽ trả lời mọi thứ.
Công trình trong khuôn khổ LHST 2022 tại Hồ Gươm, Hà Nội
Ảnh
Triệu Chiến
Văn phòng TOOB Studio
Ảnh
Trần Trung Hiếu
Anh nhắc nhiều tới yếu tố thời gian để nhận ra, tôi muốn hỏi TOOB có đang trên con đường theo đuổi một quan điểm nào đó trong thiết kế? Hay đơn giản chỉ là việc thực hành hàng ngày và tự khám phá con đường đi riêng cho mình?
Tôi nghĩ để có được một quan điểm thiết kế thì phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Từ việc đặt ra và trải nghiệm giả thuyết, xác định sự phù hợp của giả định với thời điểm và bối cảnh, khi một trong những yếu tố cấu thành bị thay đổi thì giải thuyết có còn giá trị không?
Để đạt được sự khẳng định cho bản thân phải cần một nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc. Khẳng định sớm giúp mình tập trung năng lượng để theo đuổi nhưng có thể lại là nhược điểm khi khả năng của mình bị giới hạn và suy nghĩ bị đóng khung mà không dễ nhận ra. Hiện tại chúng tôi luôn có những mối quan tâm và câu hỏi cần phải trả lời, chưa kể tới những câu hỏi đôi khi bất chợt xuất hiện nên rất cần thời gian để kiểm chứng.
Văn phòng TOOB Studio
Ảnh
Trần Trung Hiếu
Đối với anh, điều gì quan trọng nhất trong quá trình thiết kế kiến trúc?
Tôi sẽ trả lời câu hỏi này trên phương diện kinh nghiệm của bản thân tại thời điểm này, vì mỗi giai đoạn với mục đích khác nhau sẽ sinh ra những ưu tiên khác nhau.
Hiện tại trước khi bắt đầu thực hiện mỗi dự án, chúng tôi đều tìm hiểu rất nhiều khía cạnh để mang tới cho dự án một tầm nhìn. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, nếu nhìn ngắn thì dự án sẽ không giúp chúng tôi có bước tiến trong nhận thức lẫn kinh nghiệm, nếu nhìn xa thì sẽ quá sức của các bên và đôi khi khó kiểm soát. Dùng lý trí để xác định tầm nhìn phù hợp với năng lực mà vẫn giữ được sự đam mê thuần khiết trong sáng tác, tôi thấy điều này rất đáng lưu tâm.
Có nhân vật nào gây ảnh hưởng tới quan điểm thiết kế và thực hành kiến trúc của anh?
Một trong số những bậc thầy về kiến trúc thế kỷ 20 mà cá nhân tôi rất thích là kiến trúc sư Le Corbusier. Tư tưởng của ông đã định hình nền tảng của kiến trúc hiện đại và quy hoạch đô thị, ông cũng đưa ra nhiều học thuyết kiến trúc, cả tiếp nối lẫn bác bỏ chính luận điểm của mình. Không chỉ tôi mà nhiều kiến trúc sư đều thấy và cảm nhận rõ ảnh hưởng của Le Corbusier tới kiến trúc đương đại là vô cùng to lớn.
Ông đã cống hiến cho nền kiến trúc thế giới những tác phẩm đáng ngưỡng mộ. Nói điều này bởi may mắn là tôi từng được tới thăm trực tiếp một số công trình của ông, cảm giác khó diễn tả được bằng ngôn từ lẫn hình ảnh, thiết kế Le Corbusier cho người thưởng thức một đặc ân khi cảm nhận công trình.
Ngoài ra, tôi cũng học được rất nhiều từ những dự án thực tế của các đồng nghiệp đang làm việc tại Việt Nam, như nhóm anh em kiến trúc sư thân thiết với tôi hiện tại ở Hà Nội.
KTS Nguyễn Hồng Quang tới thăm một công trình ở Châu Âu. Ảnh: NVCC
Nhắc về việc từng ghé thăm nhiều công trình kiến trúc của các kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới, có sự liên hệ nào giữa thực tế công trình với hình ảnh xuất hiện trên các ấn phẩm, sách báo…?
Ngày nay, do sự phát triển của Internet và công cụ nhiếp ảnh, nên mọi người có xu hướng tiếp nhận thông tin về công trình kiến trúc thông qua hình ảnh được chụp bởi các nhiếp ảnh gia, không nhiều người chụp được thêm bối cảnh hoặc kể được nhiều hơn một câu chuyện về kiến trúc công trình. Vì thế giới quan sát thường xuất hiện những đánh giá thiếu tính khách quan. Khi có cơ hội trải nghiệm thực tế, có công trình thật sự làm thay đổi cách nhìn nhận của tôi về kiến trúc. Tôi dần thay đổi để giảm nhẹ sức ảnh hưởng của thị giác, hướng tới cảm nhận theo cách đa chiều hơn.
Quan sát chuỗi Pavilion của Serpentine và cả các tác giả hơn 20 năm qua, tôi nhận thấy mỗi công trình dù có hình thức rất khác nhau hoặc thậm chí không được như kỳ vọng của người xem, nhưng mấu chốt chúng đều cất lên những tiếng nói và góc nhìn rất riêng của mỗi kiến trúc sư. Điều quan trọng là họ dám làm, dám thử nghiệm, có lẽ họ không quan tâm quá nhiều tới sự đánh giá từ bên ngoài gây tác động tới suy nghĩ của họ. Trong tiến trình phát triển kiến trúc, tôi nhận ra đó mới là điều quan trọng.
Các thế hệ kiến trúc sư nói riêng và nhân loại nói chung sẽ luôn được thừa hưởng những bài học và giá trị từ kết quả thực hành của ai đó, theo tôi đó là cách chúng ta tiến lên.
KTS Nguyễn Hồng Quang ghé thăm một công trình thiết kế bởi KTS Le Corbusier. Ảnh: NVCC
Ngoài kiến trúc, anh có đam mê với bộ môn nào khác không? Vì sao?
Trong cuộc sống ai cũng vậy thôi, đều cần trải nghiệm, cần quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau để bổ trợ cho góc nhìn của mình. Hiện tại thì tôi đang theo những bộ môn thể thao có tính chất đối kháng. Với thể thao nói chung, tôi nhận ra nỗ lực tự thân rất quan trọng. Bạn phải duy trì được sự đều đặn, đặc biệt là hơi thở, bất cứ khi nào hơi thở không đều, trễ hoặc nhanh quá thì các chuỗi động tác phía sau sẽ ảnh hưởng. Tương tự trong công việc kiến trúc, việc giữ cho mình một nhịp làm việc và sáng tác đều đặn là yếu tố tiên quyết giúp các bạn đi được một hành trình dài với nghề nghiệp.
Cảm ơn kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang!