Erika Kobayashi

Sử dụng đan xen chuỗi sản phẩm truyền thông từ những video, tranh và mẩu truyện, tiểu thuyết gia kiêm nghệ sĩ truyện tranh Erika giới thiệu chủ đề “những thứ không thể thấy bằng mắt thường” – những điều tồn tại giản dị trong cuộc sống như gia đình, những cảm xúc, lựa chọn và thời gian.

Làm thế nào để nhìn nhận được “những thứ không thể thấy bằng mắt thường”, hay do chúng ta chủ động chọn để không thấy? Nghệ thuật và câu chuyện của Kobyashi bao gồm những gợi ý để suy ngẫm về quan điểm này.

Erika Kobayashi

Tác giả
Akiko Miyaura

Nguồn
Tokyo Midtown

Thời gian
2021

Ảnh
Yoshikuni Nakagawa

Một chốn đem lại sự thoải mái và nâng đỡ cho tâm hồn

Ngày nhỏ, tôi thấy bất an mỗi khi đặt chân tới Roppongi (Tokyo, Nhật Bản) vì luôn nghĩ đây là nơi chỉ dành cho người lớn. Chỗ này từng là một tiệm sách có tên Aoyama – nơi duy nhất cho tôi cảm giác thoải mái khi lui tới khu này trước khi đổi thành Bunkitsu (hiệu sách của sự hội ngộ), nơi ngày nay mọi người thường lui tới để thưởng thức một không gian văn hoá với đa dạng đầu sách. Một sự giải thoát lớn đối với tôi sau khi Aoyama đóng cửa, giữ cho tôi một chốn yên bình.

Bunkitsu – nhà sách trả phí vào cửa ở Tokyo

Theo thời gian, Roppongi dần trở nên quen thuộc do tôi có nhiều cơ hội trưng bày các tác phẩm của mình tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori và Trung tâm Nghệ thuật quốc gia Tokyo. Tôi ghé thăm nhiều buổi triển lãm được tổ chức ở đây, chủ yếu vì Roppongi có nhiều hiệu sách, Bunkitsu và mấy bảo tàng khác nhau. Tôi cũng hợp tác với Yutaka Kikutake – một phòng trưng bày mang tính quốc tế nằm ở khu vực này, họ làm việc với những nghệ sĩ trong và ngoài nước để tổ chức các triển lãm nghệ thuật hiện đại về hội hoạ, nhiếp ảnh, điêu khắc, những buổi trò chuyện cùng nghệ sỹ…

Yutaka Kikutake Gallery

Viết có nghĩa là mình có thể vượt qua cái chết và tiếp tục sống

Khám phá những cuốn sách khác nhau có ý nghĩa lớn trong quá trình trưởng thành của tôi. Năm 10 tuổi, tôi được đọc cuốn Nhật ký của Anne Frank, điều này giúp tôi dần phác thảo ra nhiều chủ đề cho hệ thống tác phẩm của mình – “những thứ không thể thấy băng mắt thường”. Câu “Tôi muốn tiếp tục sống sau khi chết!” của Anna đã mở ra suy nghĩ “viết có thể giúp mình vượt qua cái chết để tiếp tục sống” trong tôi. Tới giờ khi đã trưởng thành, thi thoảng tôi thấy xúc động vì chúng ta vẫn còn đọc được những câu chuyện của Anne dù bà ấy đã ra đi. Đó là lúc ước mơ trở thành một nhà văn hoặc người viết báo bắt đầu nhen nhóm.

Việc tìm thấy cuốn nhật ký của cha tôi ngày ông tuổi độ trăng tròn khi tham gia Thế chiến thứ hai cũng là một bước ngoặt lớn. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra cha mình và Anne Frank sinh cùng năm 1929. Tôi bắt đầu thắc mắc về những dấu vết – những khoảnh khắc nhỏ bé trong cuốn nhật ký mỗi người để lại. Đặc biệt, suy nghĩ của tôi còn hướng đến những người không có nhật ký, chắc hẳn họ cũng có những khoảnh khắc quan trọng không kém!? Và kể từ đó, “những thứ mắt thường không thể nhìn thấy” ra đời.

Chủ đề phóng xạ thường xuất hiện trong các tác phẩm của tôi. Mối quan tâm về phóng xạ đã dẫn dắt tôi khám phá ra sự tồn tại của cuốn sổ ghi chép mà Marie Curie dùng trong phòng thí nghiệm, tôi được biết cuốn sổ hiện được lưu giữ trong thư viện Đại học Meisei tại Nhật Bản. 

Gần 120 năm trước, Marie Curie lần đầu cầm radius trong tay. Chu kỳ bán rã của chất phóng xạ radium là 16.601 năm, nếu làm phép cộng thì dấu vân tay của bà ấy trên cuốn sổ vẫn sẽ có tính phóng xạ vào năm 3503. Nghe có vẻ mỉa mai nhưng tôi thấy nó có liên quan tới mong muốn “Tôi muốn tiếp tục sống ngay cả sau khi đã chết!”. Điều quan trọng là cách chuyển tải nội dung liên quan tới phóng xạ và năng lượng hạt nhân qua các câu hỏi không có đúng sai hay phản bác hoặc dành cho riêng ai. Đây cũng là phương pháp tôi áp dụng cho loạt sách LUMINOUS (Điểm Sáng) và một loạt sách khác cùng những dự án sắp đặt của mình.

Tác phẩm LUMINOUS

Bắt đầu bằng việc coi như mình không biết gì

Cuốn nhật ký của cha còn khiến tôi suy nghĩ tới một vấn đề khác. Thực tế ngoài đời, cha tôi là một người trưởng thành và già dặn, còn trong cuốn sổ thì chỉ là một cậu bé tuổi chưa mười tám. Dù đã gắn bó với nhau bao năm, tôi nhận ra có nhiều thứ mình chưa hề biết về cha, việc này đôi khi khiến mình thấy buồn. Nhưng thực ra chính việc ngộ nhận rằng tôi hiểu cha mình làm tôi cảm thấy còn buồn hơn.

Đánh đồng rằng mình biết một việc gì đó là chuyện hết sức bình thường. Lần đầu bước chân vào nhà máy năng lượng hạt nhân TEPCO Fukushima Daiichi, tôi phải làm một bài kiểm tra. Mặc dù tôi đã viết câu “phóng xạ vô hình” rất nhiều nhưng đâu đó trong đầu tôi vẫn quẩn quanh về việc có rất nhiều điều nhìn thấy được như những mảnh vụn rải rác hay những rừng cây mọc um tùm. Trước khi cây cối mọc lên thì khu đất này chỉ toàn bụi hạt nhân phủ kín, giống như trong mấy phim viễn tưởng. Tôi nhận ra rằng mình đã vô thức nhận diện một nơi bị ảnh hưởng phóng xạ phải có hình ảnh lạ lẫm khác. 

Từ đó, tôi thường cố gắng tư duy theo kiểu mình là một tờ giấy trắng. Tôi quan sát và nhận diện những thứ vô hình theo cách của sự vật đó thay vì tưởng tượng. Cuốn sách Trinity, Trinity, Trinity (Chúa Ba Ngôi) và triển lãm Văn Học trong Nghệ thuật Đương Đại Nhật bản tại Trung tâm Nghệ thuật quốc gia là kết quả đầu tiên sau khi tôi thử thực hành lối suy nghĩ đó.

Tác phẩm Trinity, Trinity, Trinity xuất bản mùa hè năm 2020

Sức nặng của lựa chọn quyết định tương lai 100 năm tới

Thế giới hiện đang tìm cách đối phó với chủng vi-rút vô hình Corona; dù muốn hay không, con người cũng đang phải cố gắng nhìn vào một thứ mắt thường không thể thấy. Tôi hiểu được sự nhẹ nhõm của việc nghĩ là mình “biết” vì chẳng ai muốn nhìn thấy cái làm mình thấy sợ. Dù vậy, bản thân tôi luôn muốn nhận biết được sự thật, rằng điều mình thấy chỉ là một góc nhỏ của thế giới rộng lớn, dù chỉ một chút cũng được. Một điều khác nữa mà tôi để ý thấy đó là có không ít người luôn giải quyết vấn đề bằng cách đổ hết gánh nặng lên vai kẻ yếu. 

Hơn 100 năm trước, người ta phát hiện ra tia X và tia phóng xạ. Lịch sử của giai đoạn này cho thấy chỉ 100 năm trước phụ nữ thậm chí không có quyền bầu cử, vậy mà mọi thứ đã thay đổi rất nhiều sau ngần ấy năm. Điều này cho tôi hy vọng rằng xã hội và con người sẽ còn nhiều khả năng thay đổi trong 100 tới. Đây chính là cảm xúc tôi bộc lộ khi viết. 

Tôi tin rằng “lựa chọn” là yếu tố then chốt để thay đổi thế giới trong 100 tới. Tôi đã lần theo dấu viết trong cuốn nhật ký của Anne Frank, những mốc thời gian và nơi bà từng có mặt. Khi bà ở trong khu trại tập trung Bergen-Belsen vào những ngày cuối đời, lúc đó tôi có suy nghĩ “giá mà họ xả trại sớm hơn một tuần nhỉ”. Tới mỗi nơi, tôi thường tưởng tượng ra các tình huống khác nhau của Anne. Cuối cùng khi tôi đến Franfurt am Main – nơi sinh của bà, tôi đã nghĩ “giá như hồi đó không ai bầu cho Đức Quốc Xã”…

Nhận thức sâu sắc tôi có được thời điểm đó là ai cũng có trong tay mạng sống của một người khác, những lựa chọn chúng tra đưa ra bây giờ có khả năng cứu hoặc giết một ai đó trong 10 năm tới. Bạn có thể tán thành hoặc phản đối, điều này không quan trọng. Cốt yếu là phải biết những gì bạn chọn bây giờ sẽ có ảnh hưởng lớn đến mọi thứ trong 10, 20 hay cả trăm năm sau. Tôi có mong muốn mạnh mẽ là trở thành người không bị cuốn vào những vấn đề trước mắt mà đưa ra lựa chọn cho tương lai.

“Xảy ra giữa” những tàn dư của lịch sử tại mỗi địa điểm

Tôi đánh giá cao những thứ có mặt ở thực tại trong bán kính 1 mét vuông hay cỡ đó. Tuy vậy đề tài chiến tranh xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của tôi và rất nhiều người đã hỏi liệu tôi có thích những thứ liên quan tới lịch sử không. Ví dụ như tôi muốn tìm hiểu về quá khứ của bà ngoại hay mẹ, vô tình tôi phải tìm hiểu về chiến tranh. Tôi chỉ viết về chiến tranh vì tôi không thể miêu tả điều mình muốn truyền đạt theo cách khác. Những câu hỏi về tại sao tôi sống ở thời đại này, ở đây, trong hoàn cảnh này thúc đẩy tôi muốn viết. 

Nói về bán kính 1 mét không chỉ liên quan đến những ai bên cạnh tôi mà nó còn ở khoảng xa hơn. Trước khi bắt đầu viết một cuốn sách tôi thi thoảng đi thăm nhiều thị trấn khác nhau, nơi có dấu tích của những tầng lịch sử riêng của địa phương đó. Mỗi lần khám phá ra được điều gì đều khiến tôi phấn khích.

Tôi từng ghé thăm Jáchymov – một thị trấn nhỏ ở Cộng Hoà Séc khi viết cuốn Trinity, Trinity, Trinity (vợ chồng nhà khoa học Marie Curie đã tìm ra chất phóng xạ trong các mỏ quặng tại đây). Khi đi trên đường chạy qua trung tâm thị trấn, tình cờ tôi thấy biểu tượng Vòng tròn Olympic trên tường ghi “1936”. Tôi đã tự hỏi tại sao nó lại ở đó, sau khi tra cứu, tôi phát hiện ra đủ thứ. 1936 là năm Thế vận hội Olympic Berlin được tổ chức dưới thời Đức Quốc Xã và cũng là năm đầu tiên diễn ra Lễ rước đuốc Olympic. Lẽ ra Thế vận hội tiếp theo năm 1940 được lên kế hoạch tổ chức tại Tokyo, tuy nhiên sự kiện này lại diễn ra năm 1964 và đây là lần đầu tiên tôi phát hiện ra sự tồn tại của một thứ chưa từng xảy ra.

Phát hiện tình cờ này đã dạy cho tôi về lịch sử và góp sức cho sự ra đời cuốn sách của tôi. Một sự trùng hợp thú vị là bản dịch tiếng Pháp của Trinity, Trinity, Trinity được xuất bản ở Paris (Pháp) và đây là nơi sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic tiếp theo. Biết được loạt sự việc “Xảy ra giữa” những tàn dư của lịch sử tại mỗi địa điểm tôi ghé thăm là một trải nghiệm tuyệt vời. Mỗi thị trấn hay thành phố bạn thăm quan đều có thể mang đến những bất ngờ thú vị nho nhỏ, đây có lẽ không phải thứ bạn tìm thấy trong mấy cuốn giới thiệu về thành phố/thị trấn đó đâu. 

Khám phá lịch sử ở Roppongi, nơi nhiều tuýp người gặp gỡ

Tôi có cảm giác Roppongi cũng có rất nhiều “tàn tích” như vậy. Ví dụ như tàn tích nhỏ của một Trung đoàn quân đội hoàng gia Nhật Bản xưa vẫn còn một phần được trưng bày trong Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia ở Tokyo. Khi học lịch sử thì thấy nó xa, nhưng điều đó vẫn tồn tại và bây giờ mình vẫn dễ dàng nhìn thấy lịch sử tận mắt. Khi dạo quanh đây, tôi bắt gặp rất nhiều tàn dư lịch sử đậm màu thời gian. Vì vậy, nếu có một dự án lấy bối cảnh tại Roppongi thì tôi muốn bắt đầu bằng việc khám phá lịch sử của nó. 

Đặc biệt, Roppongi là nơi tụ tập của nhiều người với nhiều ngành nghề và các nền văn hoá trong và ngoài nước, mỗi lần đi ngang qua ai tôi cũng tò mò muốn biết về lai lịch của người ta, quê ở đâu hay cuộc sống hiện tại của họ thế nào, tại sao lại là Nhật Bản, tại sao lại chọn Tokyo hay cụ thể là Roppongi?

Vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu về Tokyo

Tôi nhớ về dự án Tokyo Heterotopia của Akiara Takayama khi tham gia chương trình Heterotopia Riga lần đầu được tổ chức, dự án liên quan đến việc viết về những toà nhà có mối liên hệ tới lịch sử của Riga (thủ đô của Latvia) và Nhật Bản. Những mẩu chuyện này được thu âm bởi người dân địa phương tại mỗi toà nhà du khách ghé thăm, phục vụ nhu cầu hướng dẫn tham quan bằng âm thanh. Tôi đã viết một mẩu chuyện dựa vào dữ liệu lịch sử có thật, theo giọng kể của một vong hồn kể về toà nhà bị ma ám. Hơn tất cả, tôi nghĩ điều nổi bật của dự án là mọi người có thể vừa nghe, vừa ở trong chính bối cảnh của câu chuyện. 

Tôi cũng mong ai đó sẽ thực hiện dự án “Roppongi Heterotopia “ tại tất cả những dấu ấn lịch sử ở đây (cô cười tươi). Hồi tổ chức chương trình Tokyo Heterotopia năm 2013 (F/T13) tôi có tham dự với tư cách khán giả, tôi ghé thăm mọi địa điểm một mình, được nghe hướng dẫn thủ thỉ vào tai những câu chuyện của quá khứ, tôi cứ vậy đi giữa dòng người ồn ào, cảm giác rất thú vị. 

Tôi nhận ra mình yêu mến Tokyo, tôi thích những thành phố lớn mang nhiều lớp vỏ và khía cạnh của cuộc sống. Hơn nữa Tokyo còn là nơi tôi sinh ra lớn lên và tôi nghĩ Tokyo có rất nhiều tiềm năng. Dù đôi lúc tôi thấy hơi ngội ngạt ở Tokyo hay Nhật Bản nói chung nhưng tôi tin rằng mọi thứ đều có thể thay đổi. 

Qua sách ảnh, mắt “thấy” gì

Sở thích mới của tôi là khám phá sách ảnh. Tôi đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách ảnh đầu tay mang chủ đề ‘cái chết’ vào mùa hè này. Cái chết ngày càng trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm trong bối cảnh toàn cầu rối ren hiện tại. Tôi suy nghĩ nhiều về cách truyền tải, đặc biệt là với trẻ em. 

Tôi thường nghĩ về tuổi thơ của chính bản thân để làm chủ đề cho các bài viết thay vì nhìn vào những đứa con của mình. Thời gian trôi qua lâu khiến mình không nhớ hết nhưng cuối cùng thì tôi có thể nhớ tới những hồi ức của mình mà không cảm thấy buồn bã để viết được thành câu. Tôi có nghe từ nhà báo Sergii Mirnyi – người đưa tin về thảm hoạ Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nói rằng kể từ vụ thảm hoạ, tới tận hai mươi năm sau người ta mới bắt đầu nhắc tới những vụ việc đã xảy ra. Tôi có thể hiểu được cảm giác này. Mỗi điều cần thời gian để bộc lộ, 10 hay 20 năm đều không phải là thước đo. Tôi muốn tiếp tục viết về phóng xạ và chiến tranh, tôi tin rằng chủ đề “những thứ không thể thấy bằng mắt thường” luôn thu hút bản thân mình khám phá.


Erika Kobayashi – Tiểu thuyết gia/ Hoạ sĩ truyện tranh

Sinh năm 1978 tại Tokyo – Nhật Bản, tác phẩm của Kobayashi lấy cảm hứng từ những điều vô hình trước mắt, thời gian và lịch sử, gia đình và ký ức cùng dấu vết của nhiều địa danh. Kobayashi được trao Giải thưởng văn học Tekken Heterotopia lần thứ 7 vào năm 2020 với cuốn tiểu thuyết Trinity, Trinity, Trinity do Sueisha xuất bản; cùng nhiều giải thưởng khác.

Song song đó, các tác phẩm sắp đặt của cô còn được triển lãm ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, mang tới cho người xem những trải nghiệm cá nhân xen lẫn xã hội.

Một số ấn phẩm tiêu biểu:

Truyện ngắn Cô gái ấy soi gương (She looks into the mirror)
Truyện hư cấu Kitty yêu dấu  (Your dear Kitty)- lấy cảm hứng từ Nhật ký của Marie Curie
Ba tập sách tiểu thuyết đồ hoạ LUMINOUS (Sáng)