Bước vào studio của Lyn Nga là bước vào một thế giới sinh động với những kệ vải đủ màu sắc, những mẫu thiết kế đầy ắp mảng tường trắng, khung tranh, giá vẽ, hoạ cụ lẫn với những chậu cây xanh và rất nhiều hoa tươi cắm xen kẽ khắp căn phòng nhỏ. Chủ nhân căn phòng này đem lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc về tính nữ phóng khoáng của thập niên 70 ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Chị kể với tôi căn phòng này do bố chị tự tay làm cho từ sàn đến vách và những bậc thang gỗ. Còn chị tự sơn những lớp sơn đầu tiên lên tường, tự trồng cây, tự may rèm gối khăn trải, tự đi tìm chọn và nhặt nhạnh những món đồ trang trí nhỏ nhắn vừa vặn.
Chiếc hộp gỗ đựng bộ sưu tập hoa lá ép khô được mở ra và câu chuyện giữa chúng tôi dần chuyển sang những bông hoa, chiếc lá với rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Chị sưu tầm và ép khô những chiếc lá, bông hoa từ bao giờ?
Lyn Nga: Những chiếc lá đầu tiên tôi nhặt và giữ lại là từ thời sinh viên, chắc phải hơn 10 năm rồi. Hồi đó đi chơi nhiều, đến mỗi nơi tôi đều muốn mang về nhà một chút tâm hồn của nơi chốn đó. Đi biển tôi thích nhặt vỏ ốc, mảnh vụn san hô hay một nhúm cát. Lên rừng tôi thích nhặt rêu, dương xỉ, lá rừng và hoa dại. Dù là thành phố hay làng quê tôi cũng sẽ tìm một mảng xanh, đứng dưới tán lá rồi nhìn xuống chân xem có chiếc lá nào rơi xuống không.
Đối với lá hoặc những bông hoa nhỏ thì việc thu thập rất đơn giản, chỉ cần mang theo một cuốn sổ là có thể ép được vô số. Với hoa có hình khối to hơn sẽ cần dụng cụ chuyên biệt cho ép hoa và yêu cầu độ tỉ mẩn trong thao tác cao hơn. Tôi tự mày mò ép hoa một cách có “kỹ thuật” được khoảng 5 năm trở lại đây.
Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Hương Trà, ảnh chụp bởi Trần Trung Hiếu
Nhặt nhạnh nhiều và đa dạng như vậy, những chiếc lá này đến từ đâu chị còn nhớ không?
Những chiếc lá vô cùng đặc biệt với tôi thì tôi nhớ rõ, mọi thứ như một thước phim quay chậm có bối cảnh câu chuyện rõ ràng. Còn lại nhiều lúc tôi cũng không nhớ được hết, tôi hay ghi chú lại: ở đâu, khi nào, vì sao giữ lại, câu chuyện liên quan…Bạn bè chơi đủ lâu và thân thiết với tôi mặc định rằng đi đâu về không phải mua quà cáp gì, chỉ cần nhặt cho tôi ít hoa lá là tôi đủ âm ỉ sung sướng cả ngày rồi.
Chính vì vậy mà bộ sưu tập của tôi khá phong phú đến từ khắp nơi: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Mỹ, Đức, Pháp, Úc…Những chiếc lá còn dính đất trong vườn, trong rừng, dính bụi đường lấp lánh, tôi không xử lý làm sạch mà thích giữ nguyên như vậy.
Sau khi ép khô, chúng sẽ biến đổi thế nào?
Có những chiếc lá khi còn xanh có cấu trúc dày, cứng cáp nhưng sau khi ép khô trở nên rất mỏng, trong suốt như tơ như lụa. Lá phong, lá rẻ quạt là loại lá giữ được màu rất đẹp. Lại có những loại biến đổi mạnh về màu sắc, thậm chí chuyển sang màu nâu hoặc đen kịt lại.
Nếu ép lá chỉ cần kẹp vào trang sách, ép hoa cần sử dụng kỹ thuật phức tạp hơn vì mang hình khối 3D. Sau khi khô cũng khó dự đoán hình dạng và độ giữ màu của hoa, nhất là những bông hoa có hệ nhụy phức tạp. Hoa phong lan cánh dày và tích nước, nhuỵ dễ gãy dập, dễ mốc nếu không bảo quản trong môi trường phù hợp. Hoa cúc nhiều khi cần cắt đôi ra để ép từng nửa một, hoa hồng tôi sẽ lấy bớt cánh đi. Ngoài ra, hoa cần dụng cụ chuyên dụng riêng để ép, khá mất công và cầu kỳ.
Hoa đẹp nhưng cũng nhanh tàn, vì lẽ đó mà ép khô là một cách tuyệt vời để lưu giữ lại vẻ đẹp của một bông hoa, tôi nghĩ vậy.
Vậy chị mất bao lâu để hoàn thiện một tác phẩm sắp đặt hoa và lá?
Giống như vẽ tranh hay thiết kế, công đoạn bắt tay vào thực hiện thì không lâu lắm. Công đoạn lên ý tưởng, tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển ý tưởng mới tốn nhiều thời gian.
Có một bức mà giữa đêm tôi bật dậy làm vì nghĩ ra được một giải pháp hay, muốn thử nghiệm ngay lập tức. Hôm đó tôi thức đến sáng và hoàn thành tác phẩm trong vòng 5 đến 6 tiếng. Nhưng lại có những bức tôi làm cả năm mới xong vì mùa hoa đã qua, phải chờ đến mùa hoa năm sau. Ép xong tôi sẽ chờ 2 đến 5 tuần cho hoa khô, rồi mới sắp đặt và hoàn thiện được.
Có một bức tôi tâm huyết vô cùng, trong đó sử dụng hoa lá tôi gom góp nhặt nhạnh trong vòng hơn 10 năm qua. Đó là chất liệu từ những chuyến đi, những rung động về một vùng đất lần đầu tôi đặt chân đến, những tháng ngày mải mê theo dự án làm phim tài liệu ngủ bờ ngủ bụi, là những lần vào vườn quốc gia tham gia các dự án bảo tồn thiên nhiên, là những bước ngoặt sự nghiệp, những thay đổi về nơi sống, những cuộc tình, những mối quan hệ thân thiết hơn ruột thịt, những cuộc gặp gỡ, những buồn vui bi luỵ, những cuộc “săn lùng” hoa cũ người ta vứt ra đường sau dịp Tết, Valentine hay mùng tám tháng ba… Một thập kỷ tôi thay đổi và trưởng thành gói gọn trong tác phẩm đó.
Nhiều người ngỏ ý mua nhưng tôi quyết định giữ lại không bán. Sau này già rồi trí nhớ kém còn nhìn vào mà hồi tưởng lại thập kỷ sóng gió chết đi sống lại ấy (cười lớn).
Điều gì ở việc ép khô và sắp đặt hoa lá đã hấp dẫn chị?
Là sự vẹn nguyên kiều diễm một cách mộc mạc của thiên nhiên. Hoa lá nói riêng và thực vật nói chung luôn nhắc nhở tôi rằng loài người chúng ta chỉ là một phần bé nhỏ của thiên nhiên mà thôi.
Tuy nhiên khi hái hoa tôi luôn tuân theo nguyên tắc 1/20, tức là chỉ hái 1 bông hoa/chiếc lá nếu xung quanh đó có khoảng 20 bông hoa/chiếc lá trở lên. Vừa để cho người khác có cơ hội được nhìn ngắm, vừa tránh tận diệt cây cối. Chứ lỡ thấy đẹp quá hái trụi hết thì dần dà còn đâu nữa cho mình hái (cười).
HT: Tôi được biết Frida Kahlo và Azuma Makoto là những người truyền cảm hứng cho chị. Ấn tượng của chị về họ là gì và họ đã truyền cảm hứng như thế nào?
Trong tranh của Frida Kahlo thiên nhiên xuất hiện khá nhiều, thu hút tôi về mặt thị giác, chưa kể đến nghị lực sống và tình yêu lớn đối với nghệ thuật của bà. Đã qua hai mùa Halloween liên tiếp tôi hoá trang thành Frida (cười).
Azuma Makoto là một nghệ nhân hoa (flower artist) đến từ Nhật Bản – người có khả năng sáng tạo vượt qua mọi ranh giới khiến tôi rất khâm phục. Những tác phẩm sắp đặt hoa của Makoto lộng lẫy cho dù ở sa mạc, đáy biển sâu, vùi trong băng tuyết hay phóng ra vũ trụ. Tôi cũng thích cách anh ấy đặt hoa cạnh những thứ nhân tạo để tạo nên sự đối lập trong các tác phẩm của mình.
Có nơi nào chị đặc biệt muốn đến và sưu tầm hoa lá từ đó không, và đó là loại hoa/lá nào?
Quê chồng sắp cưới của tôi. Anh ấy là tiến sĩ khoa học chuyên ngành sinh học, được nghe anh ấy kể về nhiều loài hoa lá cỏ thú vị lắm mà tôi chưa được tận mắt thấy. Sau rồi nơi ấy cũng sẽ trở thành nhà mình nên tôi muốn yêu mảnh đất đó qua từng cành cây ngọn cỏ.
Tôi ao ước được nhìn ngắm rừng lá phong, lá thông, lá linh sam, được chạm vào cánh hoa diên vỹ xanh (blue flag irish), hoa duyên linh (trillium), hoa tháng năm (mayflower), hoa hồng Mountain Avens và các loại rêu, địa y, dương xỉ trong các khu rừng quốc gia.
HT: Chị thường tặng loài hoa nào cho người thân vào những dịp đặc biệt?
LN: Tôi thường tìm những món quà theo sở thích của người nhận. Tôi chỉ tặng hoa cho ai thích hoa thôi, chứ không thích hoa thì mình tặng làm gì (cười).
Hình ảnh trong bài viết chủ đạo là lá và hoa được nhiều bạn bè gửi tặng từ các quốc gia, thời điểm khác nhau trưng bày tại triển lãm do Lyn Nga và Artistay kết hợp thực hiện tháng 03.2021