Maria Speake & Adam Hills Ảnh: YMC

“Tôi là người cứu hộ kiến trúc. Tôi thường gom nhặt những mảnh còn sót lại.” Adam Hills đang ngồi trong cửa tiệm bán lẻ trên con đường nhỏ phía tây London. Anh giải thích về mô hình kinh doanh của Retrouvius – công ty cứu hộ, tái chế và thiết kế nội thất do anh đồng sáng lập vào năm 1993.

Hills từng theo học trường kiến trúc. Công việc thu gom cấu kiện và đồ cổ từ các công trình sắp bị phá hủy đã từng bị coi là ‘trộm’: “Mọi người từng nghĩ là tôi ‘lấy trộm’ lò sưởi nhưng cũng khá lâu rồi tôi không còn nghe thấy điều đó nữa.”

Công việc cứu hộ, tái chế ngày nay đã trở thành một ngành kinh doanh. Retrouvius là một trong số ít các công ty tiên phong chú trọng nguồn gốc, xuất xứ trong thiết kế nội thất. Đây là một trong những cơ sở cứu hộ và thiết kế kiến trúc hàng đầu của Anh được nhiều cư dân London yêu thích, những người coi trọng lớp mặt bóng trên đồ vật và sự mòn vẹt qua thời gian.

Với những ai đang tìm kiếm một phong cách nội thất đơn giản, cao- cấp-nhưng-không-phô-trương thì có thể ghé thăm cửa hàng trên con đường Harrow nơi có hàng hoá thay đổi mỗi ngày.

Retrouvius trên thực tế là hai công ty: một chuyên hoạt động cứu hộ và buôn bán do Hills điều hành với doanh thu khoảng 1.5 triệu bảng mỗi năm; bên cạnh đó là studio thiết kế nội thất do Maria Speake, đồng sáng lập (và cũng là vợ của Hills) điều hành. Hills nói rằng studio thu về lợi nhuận lớn hơn so với mảng kinh doanh của anh. Speake đã làm rất nhiều thứ, từ nhà gỗ Thụy Sĩ cho đến căn hộ ở Paris và nhiều cửa hàng thời trang ở London.

Công ty đã đưa cứu hộ kiến trúc từ ngành phụ trợ trong thương mại đồ cổ thành xu thế chính, nhờ vào sự thân thiện với môi trường. Khi một công trình sắp bị phá hủy, Retrouvius sẽ biến sàn nhà, ban công, đèn, cửa ra vào, cửa sổ hoặc bất cứ thứ gì có thể trở thành hàng hóa thay vì phế liệu. Các vật liệu được cứu hộ, đặc biệt là từ các công trình công cộng và còn nguyên bản thường vẫn ở trạng thái tốt nhưng cũng có dấu hiệu bị mòn. Retrouvius biến sự không hoàn hảo thành một triết lý. “Phá huỷ đi mọi thứ nếu không phải lười biếng thì đúng là ngớ ngẩn,” Hills kết luận.

Tấm ốp làm từ thớt gỗ cắt phô mai
Bản sao mặt nạ của Beethoven. Ảnh: Harry Crowder

Lần đầu tiên anh nhận thấy mọi người thay đổi thái độ với việc cứu hộ, tái chế là khi nào? “Khoảng 10 năm trước, khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, mô hình của chúng tôi được chú ý chỉ sau một đêm. Chúng tôi bắt đầu nhận được cuộc gọi từ các công ty thời trang và đột nhiên rất nhiều thương hiệu cao cấp nói rằng họ yêu thích đồ tái chế và muốn đặt các món đồ tôi tìm được trong cửa hàng.”

“Tôi tự hỏi vì sao họ lại gọi cho mình? Sau đó tôi nhận ra chúng tôi là liều thuốc giải độc cho thời đại hào nhoáng. Mua những món đồ có tuổi đời từ lâu là có một phần lịch sử.”

Vào một buổi sáng giữa tuần, dòng người đều đặn ra vào phòng trưng bày kiêm nhà kho, nơi một phần đổ nát của London được xếp chồng lên nhau cao đến trần nhà. Hills chào đón các vị khách trong khi đội ngũ cố vấn trẻ đang đi qua đi lại, lấy cửa, tấm ván, gương và giải thích về nguồn gốc của từng thứ.

Kho hàng của Retrouvius luôn được lấp đầy do sự gia tăng của các công trình hạ tầng lớn trên toàn thủ đô chứ không chỉ riêng Crossrail – dự án đường sắt đông tây London trị giá 18,3 tỷ bảng cắt ngang qua trung tâm thành phố, dự kiến hoạt động vào năm 2021. Theo thống kê chính thức, Vương quốc Anh thải ra 66,2 triệu tấn phế liệu xây dựng trong năm 2016, chiếm khoảng 3/5 tổng lượng rác thải (rác thải hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 12%) – tăng gần 12% kể từ năm 2010. Đối với những người làm công việc cứu hộ tái chế, càng nhiều tòa nhà bị kéo xuống đồng nghĩa với việc hàng hoá trong kho cũng đầy lên.

Người mua đồ cũ biết rõ họ muốn gì. Lassco, một doanh nghiệp khác

Cửa hiệu Retrouvius.

ở London, cho biết doanh số của các món đồ mid-century, brutalist modernist đã tăng 300% so với 5 năm trước. Điều đó cho thấy nhu cầu ngày càng lớn đối với các vật liệu chưa tinh chế, chẳng hạn như đá ở dạng thô – được tiên phong bởi 6A Architects. Ngôi nhà Black Stone ở Hackney do 6A Architects thiết kế đã được đề cử Nhà của năm cho giải thưởng Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh 2018. Ngoài ra, ván sàn thời Georgia cũng đang được ưa chuộng.

Tại showroom Retrouvius, điện thoại của Hills liên tục nhận được thông tin về công trình sắp bị phá bỏ.Kể cả khi rõ ràng ở đó có những vật liệu giá trị như đá cẩm thạch hay đồng. “Phần lớn đều bỏ qua vì chi phí tháo dỡ tốn kém,” anh nói. “Tôi sẵn sàng nhảy ra khỏi giường lúc 3 giờ sáng nếu có thể cứu bất cứ thứ gì.”

Anh giới thiệu một số món đồ đặc biệt trong showroom: Chiếc cửa gỗ sồi từ nhà thờ; bộ tủ trưng bày bằng gỗ gụ lớn thanh lý từ Bảo tàng Anh. Trên kệ có một bản sao khuôn mặt Beethoven (“Không nhớ tôi đã lấy từ đâu”). Những cánh cửa bằng đồng Edwardian tinh xảo được xếp chồng dựa vào tường, cứu được từ một tòa nhà của trường Đại học West End chuẩn bị kéo xuống để nhường chỗ cho dự án Crossrail.

Cửa Crittall được sử dụng trong phòng tắm. Ảnh: Natalie Dinham
Bản đồ giao thông trong phòng tắm dành cho trẻ em. Ảnh: Anders Gramer

“Tôi tìm thấy hàng chục cánh cửa dọc hành lang và mua lại tất cả. Mười nghìn bảng – một số tiền lớn nhưng là cho rất nhiều cánh cửa. Đôi khi phải chấp nhận chuyện đó.” Hills nói.

Những quả cầu màu trắng hóa ra là đèn đường cũ của Paris. Một bộ cửa kính tân cổ điển đã từng là một phần của cửa hàng bách hóa Whiteleys ở Bayswater. Hàng chồng vật liệu có phong cách và tuổi đời từ thời trung cổ đến hậu hiện đại dường như không có điểm kết thúc.

Những món đồ bán chạy của Retrouvius

Hills gặp áp lực vì anh có rất ít thời gian làm công việc của mình. Thường thì chỉ có khoảng vài giờ để tiếp cận và tháo dỡ trước khi công trình bị phá huỷ.

“Có một vài khối văn phòng trong thành phố có thể là từ những năm 1960 giờ không còn hoạt động tốt và cách nhiệt kém. Người chủ thuê kiến trúc sư xử lý theo kế hoạch của họ. Có rất ít người để tâm đến lịch sử ở đó.”

Thỉnh thoảng Hills quan sát đồ đạc và phụ kiện trong lúc các nhân viên văn phòng sử dụng máy tính.

“Công việc tiếp theo được chuyển cho một nhà thầu phá dỡ và đó là lúc chúng tôi xuất hiện. Nhưng thường thì chúng tôi không nhận được thông báo gì cả.”

Trong kho báu vật còn có những chiếc hộp lưu trữ màu đỏ huyết, giống như được làm bằng da nhưng thực chất là các-tông lưu hóa. Hills tìm thấy chúng trong một nhà kho tại Blythe House, một cơ sở lưu trữ Edwardian ở Hammersmith, từng được bảo tàng Victoria & Albert và Khoa học sử dụng.

Những món đồ bán chạy của Retrouvius

“Tôi nhận việc dọn dẹp nhà kho và trong đó có đầy các hộp do bị bỏ quên.” Các hộp các-tông không còn đáp ứng tiêu chuẩn của bảo tàng vì chúng bị axit hoá, trước đây dùng để chứa đồ khảo cổ. “Chúng bị dư thừa và đã ở đó hàng thập kỷ.” Hiện tại, chúng vẫn được những người yêu thích đồ tái chế ở London mua lại với giá 6 bảng trở lên cho mỗi chiếc.

Nội thất, mảng còn lại của công ty, là lãnh địa của Speake. Khách hàng tin vào sự sáng tạo và tài nguyên to lớn của cô khi mong muốn một căn phòng không giống bất kỳ ai. “Trong những ngày đầu, chúng tôi phải cố gắng giải thích làm thế nào để sử dụng vật liệu,” cô ấy nói. “Còn giờ thì mọi người đã cởi mở hơn với đồ vật đã qua sử dụng và có màu thời gian.”

Speake làm việc với khoảng 20 khách hàng cùng lúc. “Chúng tôi chỉ có thể thực hiện một số lượng dự án nhất định mỗi năm. Chúng tôi muốn thay đổi với nhiều khách hàng và nhiều loại công trình để bản thân không lười biếng và lặp lại. Có nhiều cơ hội để mở rộng và tăng lợi nhuận nhưng chúng tôi tránh điều đó.”

Một khách hàng gần đây đã trang bị cho căn bếp chiếc tủ gỗ gụ lấy từ một bảo tàng lớn ở London, Speake đặt thêm lên đó một tấm đá cẩm thạch trắng. Trong ngôi nhà, cô còn sắp xếp một chiếc gương cao từ sàn đến trần ở hành lang, nằm giữa các cột trụ tân cổ điển thu được từ cửa hàng bách hóa Victo- ria Lewis ở Liverpool.

Speake đặt đá cẩm thạch từ sân bay Whitehall và Heathrow trên sàn phòng tắm và ốp đá với hoạ tiết lửa khắc trang trí xung quanh khu vực vòi sen. Đôi khi cô chỉ đơn giản là sử dụng những gì sẵn có.

Henrietta Courtauld, nhà thiết kế vườn và cũng là khách hàng nói rằng các vật liệu tái sử dụng mang sức sống đến cho ngôi nhà. Đó là lý do vì sao cô chọn chúng thay vì vật liệu mới để cải tạo ngôi nhà ở Notting Hill. Speake gỡ những cánh cửa có hoa văn tinh xảo bên ngoài nhà và biến chúng thành vách ngăn phòng, bằng cách xoay cửa sang hai bên ngăn giữa bếp và phòng giặt.

“Chúng giống như những người bạn cũ đã từng trải qua một cuộc đời và được sống lại,” Courtault nói. “Vậy cũng đỡ lãng phí hơn.” Ở vị trí khác trong nhà, Speake sử dụng tủ gỗ gụ từ Bảo tàng Victoria và Albert. “Tôi yêu thích V&A. Tôi thích tưởng tượng về các món đồ mà họ từng nắm giữ.”

Cột từ cửa hàng bách hóa Lewis ở Liverpool trong hành lang
Tủ trưng bày bảo tàng sử dụng trong nhà bếp. Ảnh: Anders Gramer

“Những câu chuyện đi cùng mỗi món đồ thực sự phi thường. Có vài người không thích khi họ mới nhìn thấy lần đầu tiên nhưng ngay khi bạn kể chúng đến từ đâu, trạng thái của họ sẽ lập tức chuyển thành, ‘Thật tuyệt vời! Làm thế nào chúng ta có thể sử dụng chúng?’”

Retrouvius có cảm thấy không thoải mái khi lấy những món đồ từng là tài sản công và bán chúng cho các hộ gia đình tư nhân – mà thường là những người giàu có?

“Chúng tôi làm việc rất nhiều với viện bảo tàng”, Hills nói. “Rất nhiều thứ chúng tôi xử lý là đồ trưng bày cũ dư thừa.”

Cầu thang bên ngoài Cumberbatch, Oxford. Ảnh: Architectural Press Archive/RIBA Collection

Hills nói rằng anh từng do dự một hoặc hai lần vào những ngày đầu. “Có một nhà thờ ở Glasgow mở cửa lần cuối vào chủ nhật và chuẩn bị phá hủy vào thứ hai. Maria và tôi được đề nghị lấy đi hàng lan can nhưng chúng tôi không thoải mái nên đã không tới.”

“Tất nhiên sau đó nó bị phá hủy. Tôi có cơ hội để cứu nó nhưng tôi không làm.”

Hills sắp sửa đến tòa nhà Cum- berbatch từ năm 1969 sắp bị phá hủy ở trường Đại học Trinity, Oxford (quyết định bị chỉ trích bởi Twentieth Century Society, tổ chức di sản cáo buộc trường đại học lờ đi tầm quan trọng của công trình).

“Đó là một viên ngọc quý, một tòa nhà mid-century,” anh nói và chỉ vào những bức hình cho thấy cấu trúc bê tông thô với các cửa sổ nhô ra. “Tôi sẽ tới đó. Hy vọng có hai hoặc ba ngày.”

Hills tìm kiếm gì ở đó? “Tất cả cửa sổ đều bằng gỗ tếch, có các kệ sách của Le Corbusier…” Tuy nhiên, thứ anh thực sự muốn mang về là cầu thang xoắn ốc bên ngoài được làm bằng bê tông đúc sẵn với lan can màu đen thanh mảnh.

“Tôi không thể làm điều đó”, Hills nói. “Dịch vụ hậu cần còn lớn hơn cả giá trị. Thời gian và nguồn lực có hạn nên tôi cần tập trung.”

Phòng trưng bày luôn bận rộn nhưng 90% doanh thu của Retrou- vius lại bắt đầu từ mua bán trực tuyến: hàng trong kho được đăng trên trang web của công ty, sau đó có thể đặt trước hoặc đặt giao hàng tận nơi. Trong những tuần tới, kệ sách Le Corbusier và tay nắm cửa hiện đại sẽ được chụp ảnh và phân loại trên trang web, nguồn gốc xuất xứ được bổ sung.

Tuy vậy Hills vẫn thích bán trực tiếp hơn. “Mọi thứ chúng tôi có ở đây đều khó mà làm hài lòng tất cả. Chúng có những vết xước còn chúng tôi luôn cố gắng không khôi phục quá mức.”

“Tôi mong mọi người hãy đến tận nơi và cảm nhận.”

Tấm da đã qua sử dụng (12 bảng/tấm)

Nội dung
Helen Barrett

Nguồn
Financial Times

Biên dịch
Hạnh Nguyễn