Công trình được cải tạo từ một căn nhà xây dựng quãng thập niên 80 của thế kỉ trước, nằm ngay giao lộ ở quận Đống Đa, kẹt giữa sân vận động Hàng Đẫy ồn ào và khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nghiêm lặng. Bối cảnh xung quanh gồm nhiều cửa hàng bán đồ điện máy, kim khí và hàng quán trà đá vỉa hè – vốn là nét cũ quen thuộc của Hà Nội.

Khoảng sân trong là điểm chung mà tôi và chủ đầu tư tìm thấy nhau khi trao đổi về việc hợp tác cải tạo công trình này. Nét xưa cũ và những điều giản dị hiện có của căn nhà đã ảnh hưởng tới việc hình thành ý niệm dành cho không gian thương mại, tôi thấy đó là sự lặng lẽ tồn tại song song với những điều muôn màu xung quanh.

Võ Trọng Hồng

Cũng theo Tôra Studio – đơn vị thiết kế chia sẻ: “Chúng tôi chủ động biến khoảng giếng trời thành một khu vườn. Mặt bằng công trình gồm 4 khối chức năng nằm tuyến tính, các không gian kết nối với nhau qua dãy hành lang dài và hẹp để đảm bảo tất các khu vực đều được tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên. Chúng tôi muốn hướng thiết kế của mình tới sự vừa đủ, không gian có khoảng thở và quãng nghỉ cho tâm trí người tới trải nghiệm.”

Mặt bằng dự án. Nguồn: Tôra Studio

Vật liệu và chất liệu sử dụng cho công trình chủ yếu gom về từ các địa phương xung quanh, hoặc các yếu tố mang tính truyền thống như đá và gỗ tự nhiên.

Chúng tôi có sưu tầm các khối đá khác nhau. Cụ Rùa Đá từ Nam Định, những phiến đá phẳng từ Thái Bình, chân cột đá từ những nếp nhà cột ba gian ngày xưa hay những chú chó đá có tuổi đời tương đối lớn. Tất cả vốn là thứ dễ thấy trước đây trong khuôn viên của các ngôi nhà nông thôn Bắc bộ. Đó là cách để nguyên liệu cũ được tiếp tục sống trong một không gian mới.

Tôra Studio


Ảnh
Tùng Phạm