Nhiếp ảnh gia Quentin de Briey (bên phải) chụp ảnh cùng gia đình kiến trúc sư Balkrishna Doshi năm 2019.
Trước khi bước vào sự nghiệp nhiếp ảnh, Quentin de Briey từng là vận động viên trượt ván chuyên nghiệp, nhưng ông đã dính một chấn thương nghiêm trọng, buộc phải từ bỏ việc đó. Chính vì vậy, những bộ ảnh và dự án được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Bỉ thường gắn liền với khung cảnh đường phố và đô thị, phản ánh sự chân thực, gần gũi và gai góc của con người. Tháng 4 năm 2019, tạp chí Apartamento đã mời Quentin tham gia vào dự án sách kiến trúc về ngôi nhà nơi kiến trúc sư Balkrishna Doshi đang ở.
Trong quá trình xử lý nội dung phục vụ cho bài viết, đội ngũ biên tập viên của tạp chí dường như bị thu hút bởi tinh thần, trí tưởng tượng, tính thẩm mỹ cũng như cách tiếp cận kiến trúc của Doshi. Ngay sau khi tạp chí phát hành, họ đã nhanh chóng liên hệ hợp tác với Khushnu Panthaki Hoof – cháu gái của Doshi, với mong muốn tiếp tục được xuất bản những bản vẽ tay của ông trong một dự án khác, bởi theo Apartamento, việc vẽ và phác họa trong quá trình hành nghề mang một ý nghĩa rất quan trọng theo suốt chiều dài cuộc đời người đàn ông trầm tính Doshi.
Balkrishna Vithaldas Doshi là kiến trúc sư đầu tiên của Ấn Độ nhận giải thưởng Pritzker năm 2018 dù trước đó, ông chưa từng thiết kế nhà ga, sân bay hay những tòa nhà chọc trời ở Ấn Độ. Suốt sự nghiệp kéo dài 70 năm, ông chỉ tập trung thiết kế các công trình cộng đồng như trường học, thư viện, trung tâm biểu diễn nghệ thuật và dự án nhà ở xã hội… Doshi thực hành thiết kế bền vững từ rất sớm, không phải vì dự cảm về môi trường mà bởi tính bền vững là yếu tố gắn với địa phương. Ông mong muốn các công trình thuộc về bối cảnh nơi chúng sinh ra.
Tranh vẽ của kiến trúc sư Doshi. Ảnh: Doshi
Doshi làm việc hướng đến cảm xúc hơn là lý trí. Ông coi tờ giấy là vật thiêng liêng và cây bút chỉ là phương tiện truyền tải câu chuyện. Cảm giác về sức sống và sự chuyển động trở nên rõ ràng trong các bản phác thảo của ông, đôi khi chúng xuất hiện phù du và đôi khi lại mãnh liệt.
Khushnu Hoof nói về tranh vẽ của Doshi
Sau này, dự án xuất bản những bản vẽ được thay thế bởi câu chuyện kiến trúc về công trình Nhà Kamala, vốn là ngôi nhà Doshi thiết kế cho chính gia đình của ông, thậm chí tên gọi cũng lấy theo tên người vợ.
Cảm nhận thấy sự thú vị của dự án, nhiếp ảnh gia Quentin quyết định bay tới Ahmedabad (Ấn Độ) và sống cùng gia đình Doshi vài ngày. Trong chuyến ghé thăm lần này, ông đã chụp lại đời sống hàng ngày của người dân địa phương cùng một số công trình kiến trúc nổi bật khác của thành phố Ahmedabad.
Bài viết này là tuyển tập những hình ảnh từ chuyến du lịch của nhiếp ảnh gia Quentin de Briey mà tạp chí Apartamento muốn chia sẻ đến độc giả nhân dịp phát hành cuốn sách mới.
Ảnh
Quentin de Briey
Nguồn
apartamentomagazine