Làng nghề múa rối nước Đào Thục

Ở Hà Nội đã ngót chục năm nhưng đến tận hôm nay tôi mới có dịp ghé thăm làng múa rối nước truyền thống Đào Thục. Chỉ cách Hà Nội cỡ một giờ chạy xe máy, xuyên qua thị trấn Đông Anh, tôi hỏi thăm đường về xã Thuỵ Lâm. Từ đây chạy dọc con đường với hai bên là ruộng lúa nếp chín thơm ngào ngạt đang được bà con thu hoạch, làng Đào Thục dần hiện ra trước mắt tôi.

Làng Đào Thục xa xưa có tên là Đào Xá, đến thời Đồng Khánh (1886 – 1888) đổi tên thành Đào Thục. Rối nước Đào Thục xuất hiện vào thời Hậu Lê. Ông tổ nghề là cụ Nguyễn Đăng Vinh (tự Phúc Khiêm – Đào tướng công). Ngày còn làm quan trong triều Lê, được tiếp cận với các loại hình múa rối đặc sắc ở nhiều địa phương nên sau này khi về quê ông đã chắt lọc nghệ thuật tinh hoa đó đem về truyền cho dân làng của mình. Từ ngày ra đời đến nay, rối nước Đào Thục đã trải qua nhiều biến cố, có lúc thịnh có lúc suy, có thời điểm phải dừng hẳn. Đến năm 1984 với sự tài trợ của Hiệp hội múa rối thế giới và tổ chức UNIMA (UNESCO) làng rồi Đào Thục được Đoàn múa rối Hà Nội (nay là nhà hát múa rối Thăng Long) giúp từng bước khôi phục lại.

Ngay từ đầu làng, có thể nhìn thấy một ngôi chùa nhỏ cổ kính và bên cạnh là thuỷ đình – sân khấu của các tiết mục múa rối nước. Thuỷ đình là một ngôi nhà trên mặt ao, với mái cong hình rồng và lớp ngói đã lấm tấm rêu phong theo thời gian. Trước mặt thuỷ đình là bức màn cói xanh biếc hệt như màu xanh của nước ao và đằng sau bức màn che ấy là nơi các nghệ nhân trầm mình xuống nước, biểu diễn những tích trò vô cùng đặc sắc. Tôi may mắn ghé đúng dịp phường rối nước đang tất bật chuẩn bị biểu diễn cho một đoàn khách tới tham quan.

Chú Cường, nghệ nhân của làng nghề rối nước truyền thống Đào Thục

Thực hiện
Phương Mây

Địa điểm
Xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội

Buổi diễn kết thúc, bên trong thuỷ đình – nơi “trốn” của rất nhiều những chú rối nước màu sắc khác nhau, tôi được gặp và trò chuyện với chú Cường – một trong số nghệ nhân vừa tham gia buổi diễn rối nước. Bác chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào: “Mọi người trong phường đều là những nghệ nhân lâu năm, có người còn được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đã nhiều năm nay, lượng khách trong và ngoài nước đến làng xem múa rối khá nhiều, là cơ hội để phường tiếp tục gìn giữ, phát huy và giới thiệu loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè quốc tế. Ngoài ra hàng năm, phường đều tổ chức một khoá đào tạo múa rối cho thệ hệ trẻ, cứ vậy đời cha đời chú truyền lại cho đời con cháu với ý nghĩ duy nhất là để tình yêu và ngọn lửa của phường rối sẽ luôn được thắp sáng đời đời.”

Chia tay chú Cường, chia tay phường rối Đào Thục, tôi thấy vui và tự hào bởi nơi đây – tình yêu và giá trị truyền thống của nghề múa rối vẫn luôn được người dân giữ gìn và nuôi dưỡng. Hạnh phúc khi được tận mắt đứng bên trong thuỷ đình ngắm nhìn những con người dù đã qua ngũ tuần vẫn hăng say, rạng rỡ khi điều khiển những con rối nước đầy uyển chuyển và mềm mại. Tự hào vì loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc được bạn bè quốc tế quan tâm và yêu mến.