Đình Phú Hữu

Chủ đề chạm ở đây đề cập nhiều đến yếu tố gia đình rồng, một hình ảnh đẹp và hiếm đâu thấy xuất hiện rõ nét như ở đây.

Ngôi đình thờ thần Tản Viên, được trùng tu lớn vào năm Minh Mạng 12 (1831). Đình toạ lạc dưới chân đồi, trong khuôn viên có tường vây bọc, mặt trước rộng khoảng 30m, dài 90m. Kiến trúc đình bao gồm Tam quan, Tả vu, Hữu vu và Đại đình. Đại đình rộng 5 gian, 2 chái, ở 4 góc còn thêm 4 cột gạch đỡ tầu đao cong vút. Chạy dài gần suốt bờ nóc, là đôi rồng chầu mặt trời được đắp công phu. Trang trí ngoài các hình chạm tứ linh của thời Nguyễn, có di vật quý là tượng cô tiên, voi, ngựa (phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII) là di vật của ngôi đền cũ nay chuyển sang đình làng.

Tòa đại đình bề thế là nơi trình diễn và lưu giữ những mảng chạm đậm tinh thần, cuộc sống, nếp sinh hoạt của người làng khoảng thế kỉ 17, thông qua hoạt cảnh đời thường, người xưa đã thể hiện niềm ước mong hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, tạo vật và các loài linh thú.

Bên cạnh một số ít mảng chạm tả hình người, linh vật rồng là chi tiết phổ biến hơn trong trang trí các cấu kiện kiến trúc khác ở đình Phú Hữu, đặc biệt ở vì nách trong kết cấu khung nội của đình.

Qua nhiều lần trùng tu, cải tạo, đình hiện vẫn giữ được tinh thần nguyên bản, trừ khoảng sân thấp trước toà đại đình đã được thay màu áo mới.

Theo tục làng, phụ nữ không được bước vào trong toà đại đình.


Ảnh
Triệu Chiến

Địa điểm
Thôn Phú Hữu, xã Phú Sơn
Huyện Ba Vì, Hà Nội

Thời điểm
10.2022