Tác giả cuộc trò chuyện này có lần đầu gặp gỡ kiến trúc sư Đào Thanh Hưng tại văn phòng hồi còn bên 93 Trần Quốc Toản (Hà Nội) từ năm 2014. Thời điểm đó văn phòng AHL Architects mới hoạt động được hơn 3 năm. Đã 9 năm kể từ ngày biết và quen kiến trúc sư Hưng, gần đây nhất, tác giả cùng cộng sự ở Notes có dịp gặp lại anh bên văn phòng mới, dành thời gian nửa buổi chiều để trò chuyện về hơn quãng thời gian 11 năm của AHL Architects.
Câu chuyện có nhiều thông tin giá trị, tác giả tin rằng nội dung này cũng hữu ích với những người quan tâm và theo dõi kiến trúc sư Đào Thanh Hưng cùng các cộng sự ở AHL.
Kiến trúc sư Đào Thanh Hưng tại văn phòng AHL Architects
Thực hiện
Trần Trung Hiếu
Phạm Hà Thu
Thời gian
06.2023
Ảnh chân dung
Trần Trung Hiếu
Chào anh Hưng, thời điểm này, AHL đang thực hiện thiết kế những dự án gì? Anh có thể chia sẻ với chúng tôi được không?
Đào Thanh Hưng: Hiện tại chúng tôi đang làm khá nhiều dự án tương đối đa dạng nhưng đều xoay quanh lĩnh vực “ở”. Gần đây nhất là một dự án khách sạn quy mô nhỏ ở Đà Nẵng và một công trình dạng căn hộ dịch vụ tại Hà Nội cùng một số dự án nhà ở khác.
Công trình nhà ở Thái Nguyên vừa hoàn thành thật ấn tượng, chúng tôi rất muốn nghe anh chia sẻ về kiến trúc ngôi nhà này.
Đó là công trình của một nhà thiết kế thời trang đang công tác ở Hà Nội muốn dành tặng mẹ ở quê Thái Nguyên. Người mẹ ở một mình, thi thoảng khi về thăm nhà cô con gái vẫn có không gian riêng cho bản thân. Công trình có 2 khối chức năng rõ ràng: khối phục vụ kinh doanh phía trước có thể là quán cà phê hoặc siêu thị, không gian vuông 12x12m bên trong làm nhà ở. Đường nét kiến trúc được lấy bởi chính cách thiết kế sản phẩm của chủ đầu tư (CĐT). Cô có thế mạnh về sử dụng chất liệu và thiết kế với mảng miếng lớn. Ngôi nhà có mái gập như vạt áo là cảm hứng tạo hình nhưng vẫn đảm bảo công năng. Nhà có 6 hàng hiên mái sà xuống giúp cho không gian bên trong được bảo vệ khỏi nắng, mưa, gió. Chúng tôi đang học lại các giá trị của căn nhà truyền thống các cụ ngày xưa đã làm để ứng dụng vào các dự án gần đây.
Nhà Hiên
Ảnh: Chimnon studio
Kiến trúc sư (KTS) hiện nay có vẻ đang bỏ qua chi tiết về khoảng lùi, ô văng để thỏa mãn hình thức kiến trúc được coi là “hiện đại”. Nhiều công trình gần đây chúng tôi có để ý hơn và tìm cách khai thác, sử dụng lại những yếu tố đó. Công trình này nhấn mạnh việc sử dụng những hàng hiên, coi đó như những khoảng đêm giá trị giữa không gian sử dụng bên trong và yếu tố tự nhiên bên ngoài, được đặt tên là Nhà Hiên.
Nhà Hiên đơn giản vậy thôi. Ngày tôi và anh nhiếp ảnh gia Hoàng Lê xuống chụp trời nóng 40 độ. Mọi người nhìn ảnh thấy nhiều bê tông nghĩ nhà chắc sẽ oi bức lắm. Nhưng dù không dùng điều hoà, chúng tôi ngồi trong nhà mở cửa, bật quạt trần thì thấy cũng thoải mái chứ không đến mức không thể chịu nổi. Chính vì thiết kế này có khoảng lùi nên khối 12x12m tương đối thoáng do đối lưu được không khí. Còn nếu đóng hết cửa lại thì sẽ giống như một cái hầm. (Cười)
Chúng tôi thấy AHL Architects khá “trung thành” với những dự án kiến trúc nhà ở, hầu như không thấy thể loại công trình khác, hẳn có lý do đối với việc này, thưa anh?
Điều đó xuất phát từ mong muốn và suy nghĩ từ ngày đầu thành lập văn phòng. Trước khi mở văn phòng, tôi đi làm cho 3-4 công ty cả trong và ngoài nước. Họ đều tập trung vào các dự án lớn. Tôi tự nhủ không biết khi nào chứng kiến công trình mình vẽ được xây lên. Nhìn quanh các công trình quy mô lớn ở Việt Nam, tôi thấy rất khó để chú ý tới từng chi tiết nhỏ vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Tham khảo nhiều tài liệu của nước ngoài, tôi thấy họ làm công trình rất kỹ lưỡng. Khi mở văn phòng AHL cùng 2 cộng sự, chúng tôi suy nghĩ mình sẽ làm thế nào để đạt được sự kỹ lưỡng với công trình?! Chúng tôi muốn làm công trình đến nơi đến chốn. Nhà ở khá dễ tiếp cận, gần như là hoạt động thường ngày của đời sống, dường như không bị chi phối quá nhiều bởi kinh tế thị trường. Đó là lý do lớn nhất tôi và anh em trong văn phòng quyết định tập trung vào thể loại công trình này. Cho tới giờ tôi vẫn nghĩ quyết định đó là đúng.
Công trình 8×24
Ảnh: Triệu Chiến
Công trình LPH
Ảnh: Chimnon studio
Công trình TAC
Ảnh: Chimnon studio
Thời gian đầu gặp khách hàng, chúng tôi chưa có đủ kinh nghiệm tích luỹ, cũng phải qua từng công trình, qua từng giai đoạn mình mới có thể dần dần kiểm soát được các vấn đề. Tới thời điểm này, tôi có thể nói rằng AHL làm chủ được cuộc chơi. Khách hàng khi tìm đến văn phòng tin tưởng vào đề xuất, quyết định của AHL là thứ hợp lý, được đưa ra bởi người có chuyên môn và tận tâm. Họ thường giao cho AHL toàn quyền quyết định như xây dựng ra sao, vật liệu gì, màu sắc thế nào. Kiến trúc sư luôn theo sát các giai đoạn xây dựng từ đầu tới cuối để kiểm soát chi tiết. Khác với một số đơn vị, họ chỉ giao bản vẽ và qua kiểm tra quá trình xây dựng với vai trò giám sát tác giả, dẫn đến rất nhiều công trình thiết kế xong thi công bị sai vì nhà thầu không đủ năng lực thực hiện hoặc chủ đầu tư tự ý thay đổi các chi tiết. Chúng tôi vẽ gì ra thì sẽ làm vậy, nếu có thay đổi thì thường từ phía mình bởi quá trình thi công là một dịp KTS có thể kiểm tra lại thiết kế trước khi cấu kiện, chi tiết đó được nhà thầu thực hiện. Dù rất bận và vất vả nhưng các bên đều rất vui với việc mọi người làm đúng chuyên môn và nhiệm vụ.
Một góc văn phòng AHL Architects
Ảnh: Trần Trung Hiếu
Nhớ lần đầu tiên gặp anh Hưng ở văn phòng cũ bên Trần Quốc Toản, không gian chỗ đó khá nhỏ và nay ở văn phòng mới, diện tích đã lớn hơn rất nhiều với vô số mô hình, bản vẽ và những ghi nhận. 12 năm là một chặng đường không hề ngắn nhưng cũng không qua dài với một văn phòng kiến trúc, nếu để tổng kết giáp vừa rồi trong một từ (hoặc một câu), anh sẽ nói gì? Và vì sao?
Trong 12 năm qua, thứ tôi nhìn thấy rõ và làm tốt nhất đó là sự kiên trì. Mình kiên trì theo đuổi một con đường. Với nhiều người, công trình nhà ở như là cái móng, là bàn đạp để họ có thể làm những công trình lớn hơn. Nhà ở dễ tiếp cận, dễ được giải thưởng. Chúng tôi không nghĩ vậy. Nhà ở là thứ tôi thực sự muốn làm.
Trong cuốn sách của văn phòng cũng có câu hỏi là “có chán nhà ở không?”. Thực ra với tôi, mỗi CĐT đều có một đề bài riêng thì sao phải chán?
Với tôi, đây là sự kiên định với một dòng suy nghĩ.
Cuốn sách 11×22 mới ra mắt của AHL Architects, nội dung gồm 22 công trình được thực hiện trong 11 năm từ ngày thành lập.
Trên hành trình đó, anh nhận ra điều gì về kiến trúc nói chung? và kiến trúc của mình nói riêng?
Cơ bản tôi thấy vui với công việc của mình đang làm. Sau 20 năm ra trường hành nghề, tôi luôn hào hứng vì không biết ngày mai mình gặp ai, khách hàng thế nào, đề bài mới ra sao. Công việc của tôi tuy nhỏ nhưng có rất nhiều thử thách như việc vẽ giải pháp như thế nào cho thiết kế, ý tưởng là gì, từ khoá, biện pháp thi công…
Chúng tôi chưa bao giờ thấy AHL quá đông nhân sự, có phải anh luôn muốn giữ văn phòng như một studio nhỏ hay đang hướng từng bước tới một quy mô lớn hơn trong tương lai?
Điều này xuất phát từ việc tôi muốn làm tất cả các đồ án ở mức độ tốt nhất có thể. Muốn làm tốt nhất, với quan điểm và cách làm của tôi thì mình phải tham gia trực tiếp từ thiết kế đến bản vẽ kỹ thuật, các chi tiết, ra công trường… Trước giờ tôi cố gắng chỉ duy trì 5-6 người là nhiều, lúc đông nhất là 8 người. Một mình tôi quản lý cả văn phòng nên quy mô vậy cũng phù hợp với năng lượng của bản thân. Thay vì làm nhiều dự án hơn, tôi muốn làm bớt dự án đi. Giá trị của dự án đi lên tốt hơn nhiều so với việc thêm người và thêm dự án.
Tiếp xúc với nhiều chủ đầu tư thể loại nhà ở, anh thấy họ thời điểm này thế nào so với giai đoạn trước đây?
Đa phần chủ đầu tư bên tôi đều là những người trẻ độc lập về tài chính và chủ động trong công việc. Tôi thấy họ rất giỏi trong những lĩnh vực hoạt động riêng. Họ luôn là người chốt phương án mà không bị chi phối bởi các tác động bên ngoài như gia đình, người thân hay bạn bè, hơn nữa lại rất tôn trọng ý kiến của kiến trúc sư và phản biện khi cần thiết. Tôi đặc biệt hứng thú với tư duy phản biện, tôi thiết kế nhà là cho họ chứ không phải cho bản thân; đôi khi anh em KTS nhìn vào bản thiết kế mà thốt lên: ‘Ôi làm sao để thuyết phục chủ đầu tư với phương án này?’, thực ra đằng sau những thiết kế bất thường đó là những cuộc trao đổi kỹ lưỡng giữa KTS và CĐT, họ biết rõ ràng cái mình mong muốn và là những người tiêu tiền thông minh.
Công trình nhà 32QT
Ảnh: Chimnon studio
Nói kĩ hơn về thiết kế chung của AHL, chúng tôi thấy và cảm nhận chất liệu về hình khối – những diện vật liệu được hiển thị rất mạnh, những đường cong và thẳng xuất hiện luôn hướng đến sự rõ ràng và mạch lạc. Cảm giác nhận diện về kiến trúc trong một công trình luôn được đưa lên rất cao theo hướng hiện đại và tối giản. Lối kiến trúc này xuất hiện khá nhiều ở các nước duyên hải nhiệt đới. Anh có bị ảnh hưởng bởi lối kiến trúc đó không hay có quan điểm và triết lý của riêng mình trong bối cảnh hiện tại?
Thực tế, tôi là người làm việc khá bản năng. Lối làm kiến trúc và các hoạt động của văn phòng phản ánh khá trung thực tính cách của tôi: thẳng thắn, rõ ràng.
Trong tôi có sự tương phản, giữa vẻ bề ngoài và nội tâm bên trong. Tôi làm kiến trúc cũng vậy, luôn có sự tương phản giữa cấu trúc nặng và nhẹ (bê tông và gỗ, thép); giữa khoảng không gian đặc và rỗng; giữa bề mặt thô ráp tự nhiên và nhẵn tinh; giữa bóng tối và ánh sáng; giữa tự nhiên và con người (nhân tạo)… Quan sát nhiều công trình của AHL, bạn dễ nhận thấy một mảng tường bê tông kết hợp với mảng tường trắng hay một miếng gỗ lớn; một không gian tối và thấp nằm cận kề một không gian sáng và cao. Tôi đặc biệt thích chúng. Sự tương phản đôi khi mang tới góc nhìn của sự so sánh, ai mà hay chữ thì có khi lại vỡ ra đó là ý niệm chẳng hạn.
Còn về tính nhiệt đới trong công trình thì như trên tôi đã đề cập, đây là chuyện đương nhiên. Ta đang sống ở Việt Nam – một đất nước nhiệt đới nóng ẩm quanh năm. Tôi quan tâm vấn đề này cũng nhiều năm, mỗi KTS sẽ có một cách khai thác khác nhau, cá nhân tôi hay nhìn lại công trình của các cụ xưa để nhặt ra những yếu tố như: hàng hiên, hướng nhà, mái ô văng (mái hắt). Khi biết được rồi, ta cần quyết định cách sử dụng chúng thế nào, mình làm theo hay có thay đổi gì không để công năng phù hợp với thiết kế.
Đương nhiên chúng vẫn phải toát lên cái riêng của AHL.
Công trình nhà 32QT
Ảnh: Chimnon studio
Anh nghĩ gì về bản sắc một không gian ở của người Việt trong kiến trúc đương đại? Cụ thể chúng tôi muốn hỏi về “chất Việt” trong một căn nhà của người Việt.
Nhìn từ nhà của các cụ, tôi vẫn hay đặt câu hỏi khi mọi người nói câu “kiến trúc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc tộc” nhưng thế nào là vừa “đậm đà bản sắc dân tộc” mà vừa hiện đại?! Cá nhân tôi đang có góc nhìn ngược lại về hồi xưa để mình khai thác những yếu tố cần cho công trình của mình. Hãy nhìn vào các dự án của AHL trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, có thể mọi người sẽ lờ mờ thấy được điều này. Tôi ứng dụng những điều mình học được theo nhiều cách khác nhau, không biết liệu mọi người có nhìn ra hay không. (Cười)
Chúng tôi thấy bê tông, cây xanh và ánh sáng luôn là vật liệu anh sử dụng nhiều nhất. Hẳn chúng có ý nghĩa hoặc giá trị nhất định?
Bê tông là chất liệu ưa thích của tôi và thường kết hợp cùng thép và gỗ để thành hệ cấu trúc vật liệu chính cho các công trình. Về mặt sử dụng, khi thi công một bức tường bằng bê tông sẽ đắt hơn hẳn một bức tường gạch, nhưng bê tông có giá trị sử dụng lâu dài hơn, bền vững hơn, ít phải bảo trì hơn do đặc điểm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Việt Nam.
Tôi nghĩ nhiều hơn về mong muốn chơi vật liệu của một kiến trúc sư; bê tông bản chất không phải là một bức tường, chúng là kết cấu chịu lực. Đôi khi bức tường bê tông sẽ là hệ thống chịu lực chung để các kết cấu khác nương tựa. Khi sử dụng bê tông, tôi có thể bỏ qua bước hoàn thiện bề mặt vì chúng chính là bề mặt rồi. Tôi muốn sử dụng đúng tính chất của vật liệu vào công trình, kết hợp với các diện và khối để tạo độ tương phản.
Công trình LPH
Ảnh: Chimnon studio
Nhìn ra kiến trúc thế giới, ở thể loại nhà ở tương tự như AHL đang làm, anh có suy nghĩ gì?
Tôi nghĩ rằng nhà ở là loại công trình xuất hiện nhiều nhất trên thế giới mà các kiến trúc sư được tiếp cận nhiều nhất, đặc biệt là ở Việt Nam. Nhà ở cũng là dạng công trình thể hiện được tính cá nhân của gia chủ, đặc tính tự nhiên của địa điểm và phản ánh văn hoá ở địa phương. Với mỗi đặc điểm khí hậu và địa lý khác nhau, công trình cần những giải pháp khác nhau.
Điều anh khiến anh suy nghĩ (tâm tư) về kiến trúc Việt Nam ở thời điểm này?
Trong 10 năm trở lại đây, nhiều văn phòng bao gồm cả AHL đang cố gắng giúp cho quá trình hành nghề Kiến trúc ở Việt Nam dần được chuyên nghiệp hơn, vai trò của KTS được CĐT nhìn nhận rõ nét hơn. Trước đây, tôi thấy vai trò của KTS thường bị coi nhẹ, giống mấy ông thợ vẽ, chỉ có chạy theo CĐT, họ nói gì mình làm nấy, đời sống của KTS rất khổ.
Hiện giờ tôi thấy mọi thứ cân bằng hơn và có giá trị hơn cho KTS. Tôi luôn cảm kích những KTS đi trước như anh Hiệp (a21studio), anh Nghĩa (VTN), anh Hào (1+1>2) và các anh KTS lứa 7x khác, họ là những người đặt nền móng cho thế hệ KTS Việt Nam sau này phát triển và được biết tới nhiều hơn trên thế giới, tạo ra một cộng đồng các văn phòng kiến trúc tích cực hoạt động chuyên nghiệp và học hỏi cùng nhau. Truyền thông kiến trúc cũng là một cánh tay giúp cho kiến trúc Việt Nam được biết tới nhiều hơn, lan toả những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các kênh truyền thông nên có những bộ lọc “kĩ” hơn với các dự án, thông tin đăng tải để giới kiến trúc sư cũng như khách hàng có thể tiếp cận với những nguồn thông tin có giá trị.
Ở thời điểm hiện tại, mọi người làm việc rất chuyên tâm và nhiều KTS có thể sống được bằng nghề và làm những điều mà họ thực sự muốn. Khi có một cá nhân tốt lên, họ sẽ giúp được những người khác tốt hơn, và dần dần là cả cộng đồng.
Công trình anh luôn muốn được thực hiện nhất là gì?
Thành thực mà nói, không phải AHL chỉ làm nhà ở, AHL rất mong muốn được làm và tham gia vào một công trình từ đầu tới cuối, có thể làm đến cùng, khách hàng có thể đi theo mình tới cùng, đầu tư tới cùng. Nếu giờ có ai ngỏ ý muốn tôi thiết kế một bảo tàng tư nhân, hay văn phòng cho công ty riêng thì tôi cũng rất sẵn lòng. Thứ cốt yếu là mình phải được làm dự án đó cho tới từng chi tiết và làm tới cùng.
Câu nói truyền cảm hứng cho anh nhất trong nghề kiến trúc nói riêng và cuộc sống nói chung
Chắc là câu nói của một anh bạn tôi về sự tử tế, đó là thứ tôi hướng đến: cố gắng làm việc một cách tử tế, ứng xử với mọi người tử tế. Cứ vậy thì mọi thứ tốt đẹp sẽ tới.
Một lời chia sẻ từ anh dành cho những văn phòng kiến trúc trẻ như AHL 12 năm trước.
Cứ chuyên tâm, chuyên cần và làm mọi thứ một cách tử tế.
Chân thành cảm ơn anh!
Cuộc trò chuyện diễn ra từ 15h15 đến 17h30 một ngày tháng 6.2023. Tối đó, văn phòng AHL Architects tổ chức tiệc chia tay một nhân sự chuẩn bị chào Hà Nội để “bám” công trường thi công khách sạn tại Đà Nẵng…cho tới lúc hoàn thành.