Văn phòng của kiến trúc sư Võ Trọng Hồng nằm trên tầng 5 một khu nhà tập thể cũ tại Hà Nội. Ghé thăm anh vào đầu giờ chiều, để cùng trò chuyện về những thay đổi của anh trong hai năm qua, về cách anh làm kiến trúc và thiết kế song hành cùng niềm yêu thích hội hoạ. Cũng như về cuốn sách mà anh sắp ra mắt vào thời gian tới.
Chào Hồng, anh đã dành 2 năm để chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách của mình, thời điểm này đã gần hoàn tất.
Cá nhân tôi trong 2 năm qua thì vẫn vậy, công việc không có gì thay đổi nhiều. Thời điểm có sự thay đổi là trước năm 2020 và tôi nhận ra điều đó khi đang vẽ. Cuốn sách là tập hợp tranh tôi vẽ từ năm 2017 đến 2020, cùng cách suy nghĩ và kiểu thể hiện. Tôi có tâm sự với anh Hiếu điều này và nói rằng mình mong muốn làm một cuốn sách về thời kì đó vì chắc nó sẽ kết thúc thôi. Đó là cách cuốn sách xuất hiện.
Giữa kiến trúc và hội hoạ, anh thấy bản thân dễ kết nối hơn với điều gì?
Khi mới tốt nghiệp đại học, lý tưởng trong đầu tôi nhiều lắm, ngày đi học gần như mình được học toàn thứ hoàn hảo. Sau này khi đi làm và tham gia vào hoạt động thiết kế thì mình được va chạm thực tế nhiều hơn, bắt đầu hiểu cái gì mình làm được, cái gì mình không làm được và có sự cân đối hơn. Với tôi thì kiến trúc và hội hoạ khác nhau. Trong hội hoạ, cảm xúc được đưa ra trước, cảm xúc là khởi nguồn và mang đậm tính cá nhân, khi vẽ tôi được kiếm soát mọi thứ. Còn kiến trúc với tôi là một môn khoa học, cũng chứa đựng cảm xúc nhưng rất ít. Mọi thứ trong kiến trúc và thiết kế đều đỏi hỏi một sự tính toán chính xác về dữ liệu, về các con số. Nên tôi cảm thấy bản thân mình dễ kết nối hơn với hội hoạ.
Thực hiện
Phương Mây
Phạm Hà Thu
Thời gian
03.2023
Địa điểm
Tôra Studio
Ảnh
Phương Mây
Văn phòng kiến trúc của anh thời gian đầu có tên tạm gọi là TÔ Architecture, còn bây giờ là TÔ Design? Đây có phải là sự chuyển mình trong công việc kiến trúc của anh?
Từ ngày tôi bắt đầu mở văn phòng thì nó gần như không có tên, tôi coi đây chỉ là chỗ mọi người cùng làm việc với nhau, và mọi người trong văn phòng hay gọi cái tên là Tô. Còn bây giờ thì văn phòng tôi có tên chính thức rồi, một người bạn đặt là Tôra Studio. Tôra tiếng Nhật còn có nghĩa là con hổ. Tôra cũng mang thêm một ý nghĩa là “tiến lên tiến lên”.
Thông tin về Tôra Studio có vẻ bí ẩn trên internet.
Tôi coi đây là thời gian mình đang thực hành, cũng không biết sản phẩm mình làm ra có tốt hay không. Thành thật với bản thân thì mình thấy chưa thực sự sẵn sàng, tôi chưa đủ tự tin và cảm thấy thời gian trước mình làm chưa đủ tốt. May mắn là tôi được bạn bè, người quen giúp đỡ, giới thiệu khách hàng cho. Văn phòng neo người, một năm chỉ nhận làm 2-3 dự án và cứ túc tắc như vậy.
Khi làm thiết kế, yếu tố hội hoạ có được anh ứng dụng không? Và bằng cách nào?
Tôi sử dụng hội hoạ vào thiết kế thì đúng hơn. Vẽ tranh là lúc tôi nói ra cảm xúc của mình thông qua tác động của chủ thế tới mình để có sự giao thoa cảm xúc. Thì trong thiết kế cũng vậy. Có cảm xúc rồi thì mình để thành hình gì ở trong thiết kế đó. Đó là cảm nhận của cá nhân tôi, chứ không có cách làm rõ ràng nào cả.
Thời gian tôi thực hành nghiêm túc về thiết kế mới khoảng hai đến ba năm, khá ngắn. Điều khiến tôi cảm thấy hài lòng và thể hiện đúng là cái đèn đằng kia. Cây sắt được tôi xin về từ xưởng và cái đèn được tạo ra mà không có đề bài nào dành cho nó. Có gì dùng nấy, nên nó được sinh ra rất tự nhiên và ngẫu hứng.
Trong mỗi dự án thiết kế, tôi thấy anh thường đặt vào đó một sản phẩm thủ công do mình tự làm.
Những thứ đó không phải do mình tôi làm, mà tất cả mọi người trong văn phòng cùng làm với nhau. Thiết kế phụ thuộc rất nhiều vào yêu cầu và mong muốn của chủ đầu tư, còn tôi chỉ là người tư vấn và đưa ra giải pháp phù hợp với họ là chính. Tôi chỉ là phụ. Nên nếu thể hiện cái tôi của mình nhiều quá thì không cần thiết. Tôi hiểu và tôn trọng cá nhân họ. Còn món đồ tôi đặt vào trong mỗi công trình thiết kế, tôi coi nó như một thứ thể hiện bản thân mình ở đó, rất nhỏ thôi, nhưng hiện hữu hơn những thứ không nhìn thấy như không gian…và điều đó cũng giống như một món quà.
Tôi thích đồ thủ công do mình tự làm vì khi đó mình thể hiện được suy nghĩ, có cơ hội thực hành nhiều hơn, hiểu được tại sao lại thế này tại sao lại thế kia. Ngày còn nhỏ, muốn có đồ chơi như cung tên, khăng hay diều thì đều phải tự làm nên cứ thế cái “tự tay làm” nó ngấm vào bên trong mình và hiện hữu trong cả đời sống hiện tại.
Chiếc đèn giấy dó
Thiết kế
Tôra Studio
Thời gian
2022
Trong hành trình vẽ của mình, ai là người có ảnh hưởng tới anh nhất? Tại sao?
Có một thời điểm, khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm, tôi vẫn vẽ kí hoạ mà chỉ là vẽ hồn nhiên thôi. Đi làm kiến trúc thời điểm đó thấy không phù hợp với mình nên tôi nghỉ. Người có ảnh hưởng với tôi là bác Thuý – một hoạ sĩ lớn tuổi đã truyền cho tôi cảm hứng để tiếp tục vẽ tranh bằng màu nước. Cứ chủ nhật là tôi lại theo bác đi vẽ. Bác không dạy theo khuôn khổ hay sự bài bản nào cả, bác giúp khơi ngợi trong tôi cảm nhận và cảm giác về khung cảnh đó rõ ràng hơn, sắc nét hơn để đưa vào tranh của mình.
Tại sao anh lại yêu thích việc kí hoạ? Ngoài việc sử dụng chất liệu màu nước và chì, anh có nghĩ tới sử dụng các chất liệu khác không? Vì sao?
Tôi lựa chọn ghi lại cảm xúc của mình tại thời điểm đó, trong không gian đó giống như việc viết nhật kí. Sau khi vẽ màu nước thì tôi có vẽ pastel. Tôi cảm thấy mình phù hợp với hai chất liệu ấy. Tôi cũng vẽ cả sơn dầu nữa, nhưng có thể thời điểm này nó chưa thực sự phụ hợp với bản thân. Hơn nữa khi kí hoạ, màu nước rất nhanh khô nên nó giúp tôi nhấn mạnh tính thời điểm trong lúc vẽ.
Tôi thấy hầu hết các tác phẩm của anh đều là kí hoạ về phong cảnh, anh có kí hoạ những thể loại khác không? Tiêu chí nào để lựa chọn địa điểm cho các bức vẽ của mình?
Đây là lựa chọn cá nhân của tôi thôi. Tôi thích cái gì đó tương tác vừa đủ với mình. Mình cảm nhận được hoặc điều đó tác động được đến mình, hoàn toàn xuất phát từ cảm quan nên tôi không có tiêu chí cụ thể nào cả. Ngoài kí hoạ thì tôi còn tự hoạ nữa, nhưng hiện tại, tự hoạ tôi muốn giữ cho riêng mình.
Tôi được biết, thời gian ở bên Pháp, anh tham gia nhiều sự kiện triển lãm có trưng bày tranh của mình. Việc được triển lãm tranh cá nhân có mang lại nhiều trải nghiệm cho anh? Anh hãy chia sẻ kỹ một triển lãm mà anh thấy ấn tượng nhất.
Nhiều trải nghiệm lắm và cái nào tôi cũng trân quý cả. Nhớ nhất là buổi triển lãm cuối cùng của tôi ở Pháp. Có người đưa tôi chìa khoá gallery để chủ động tự mở cửa. Hôm đó trời mưa nên tôi nghĩ chắc không có ai đến đâu, cứ thong thả đi ăn sáng, uống cà phê rồi dạo phố. Khi tới nơi thì thấy hai ông bà đang đứng dưới mưa ở phía đối diện. Tôi nhìn họ và họ cũng nhìn tôi. Tôi nghĩ chắc họ đang đợi ai đó ở toà nhà bên cạnh. Khi cửa phòng gallery mở thì họ bước sang chào tôi. Họ kể rằng đã đến từ sớm, nhưng không hiểu sao gallery lại đóng cửa. cũng không biết cách nào để liên lạc nên đã đứng đợi. Và họ ở rất xa, cách thành phố tôi ở tận 120km. Đó là những thứ rất quý đối với tôi, nó quá lớn lao và tôi không biết bằng cách nào mình lại được nhận điều đó. Mỗi khi nghĩ lại chuyện này, hình ảnh hai ông bà đứng dưới mưa xoẹt qua tâm trí tôi như mới chỉ ngày hôm qua.
Một triển lãm của Võ Trọng Hồng tại Pháp. Ảnh: NVCC
Vì sao tại thời điểm này anh lại xuất bản sách? Anh có mong muốn gì thông qua việc xuất bản cuốn sách này không?
Thời điểm làm xong cuốn sách là năm 2021. Anh Hiếu luôn hỏi tôi: “làm cuốn sách này làm gì?” Và khi cầm bản thảo cuốn sách trên tay, tôi nghĩ những thứ trong này liệu có giúp ích được cho ai không. Về mặt cá nhân thì tôi muốn lưu trữ lại thời điểm đó của mình. Mặt khác tôi nghĩ rằng, nếu bản thân tôi ngày chưa gặp được bác Thuý, mà được cầm cuốn sách như thế trên tay thì tôi sẽ rất vui. Nó giống như một sự khích lệ, một lời chia sẻ dành cho những con người giống tôi ở thời điểm đó, đang loay hoay tự hỏi những gì mình vẽ có đẹp không, có được coi là hội hoạ không.
Suy nghĩ về công việc vẽ của anh ở thời điểm hiện tại.
Ngày xưa chỉ học vẽ và thực hình kĩ thuật, kĩ năng của mình là nhiều. Giờ thì cá nhân tôi thấy mọi thứ đi qua mình nhiều hơn, cảm xúc được tôi truyền tải qua tranh cũng rõ ràng hơn. Ví như cái nhìn nhận của mình với mọi thứ xung quanh chạy qua não cùng mọi cảm xúc của mình rồi vẽ thành tranh, nếu ngày xưa tôi chỉ đưa ra được chút chút, thì giờ dòng chảy cảm xúc trên tranh của tôi ngày càng mở rộng hơn. Điều đó không cần phải có đối tượng trước mặt để khơi nguồn cảm xúc nữa.
Văn phòng Tôra Studio tại Hà Nội
Võ Trọng Hồng là một kiến trúc sư trẻ, tốt nghiệp khoa Kiến Trúc của trường Đại học Xây Dựng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ở Việt Nam, anh tiếp tục đi du học chuyên ngành Kiến Trúc của trường Kiến trúc Quốc gia thuộc Grenoble, Pháp.
Hội hoạ đối với anh là niềm yêu thích hết sức giản dị. Anh vẽ kí hoạ từ những ngày còn là cậu sinh viên ở Hà Nội. Thời gian du học bên Pháp, anh có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc Pháp và kí hoạ đã giúp anh lưu giữ lại cảm xúc khi được đứng trước những công trình đó.
Hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh trở về Việt Nam, thành lập văn phòng hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và thiết kế có tên Tôra Studio. Đồng thời, vẫn tiếp tục công việc vẽ kí hoạ màu nước của mình.