
LUIS BARRAGÁN
Luis Ramiro Barragán Morfín (1902 - 1988) sinh tại thành phố Guadalajara năm 1902, nơi được xem như trung tâm văn hoá của đất nước Mexico, quá trình thực hành đã đưa Barragán trở thành một tên tuổi có tầm ảnh hưởng rất lớn không chỉ với nền kiến trúc hiện đại ở Mexico mà còn vươn tầm ra thế giới.
Barragán lớn lên trong một gia đình địa chủ với nền tảng giáo dục nhân văn, ông cũng là tín đồ trung thành của đạo Công giáo. Về sau, cuộc cách mạng Mexico đã tác động đáng kể đến sản nghiệp của gia đình ông, hầu hết khối tài sản lớn bị tịch thu sau cuộc cải cách nông nghiệp. Ông từng có thời gian theo học kiến trúc và kỹ thuật tại Trường kỹ thuật Guadalajara. Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường Kỹ sư Guadalajara, Barragán đã tới thăm Châu Âu vào năm 1924 –1925, những trải nghiệm tích lũy được đã thúc đẩy nhận thức nghệ thuật của ông. Đặc biệt, ông bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hoài cổ trong lối kiến trúc Địa Trung Hải được thể hiện qua những tác phẩm của Ferdinand Bac – một tiểu thuyết gia và họa sĩ minh họa có dòng dõi quý tộc, người đã thiết kế một số khu vườn và nội thất một số căn biệt thự ở Côte d’Azur, Cộng hoà Pháp. Barragán tin rằng cách tiếp cận với thiết kế kiến trúc và cảnh quan như vậy hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Mexico.
Trở về nước, quan điểm và tư tưởng này được thể hiện rõ trong một số dự án đầu tiên của ông ở Guadalajara với những ngôi nhà liền kề có kết cấu hai tầng cùng nhiều căn biệt thự nằm len lỏi trong bối cảnh đô thị dày đặc. Thiết kế này mang âm hưởng của kiến trúc Địa Trung Hải và kiến trúc Moorish, được Barragán hoàn thiện nhờ kết hợp kỹ thuật xây dựng hiện đại với cách thức thi công truyền thống theo lối thủ công của người dân Mexico.
Hãy cùng ghé thăm biệt thự của gia đình Aguilar, công trình được xem là thiết kế lớn đầu tiên của Luis Barragán ở thể loại công trình nhà ở đô thị. Dự án đã mang đến những tìm tòi, khám phá của kiến trúc sư về các yếu tố cấu thành không gian và hình khối.
Công trình là đại diện cho hướng tiếp cận chủ đề nhà ở dành cho giai cấp tư sản giàu có được Barragán đề xuất giai đoạn những năm 1920, trong đó, sự chuyển tiếp giữa các không gian được kiến trúc sư đặc biệt quan tâm. Khu phòng làm việc trong dự án đã được xử lý như một đơn vị tách biệt và độc lập.
Công trình nổi bật tiếp đến của Barragán là thiết kế ngôi nhà cho vợ chồng luật sư Eduardo Prieto López và Esther Sánchez Mejorada de Prieto. Nằm trong khu vực phát triển dân cư “Jardines del Pedregal” (Khu vườn Pedregal), điểm đặc biệt của dự án này là tất cả các bước của dự án này đều được Barragán thực hiện, từ quy hoạch chia lô cho đến thiết kế nội thất và các chi tiết trang trí trọng yếu.
Hãy cùng ghé thăm căn nhà riêng của kiến trúc sư Luis Barragán, nơi ông sống và làm việc cho đến cuối đời được xây năm 1948 tại số 14 phố Francisco Ramírez ở thành phố Mexico. Đây được xem là một trong những kiệt tác kiến trúc của ông. Với những diễn giải cá nhân về chủ đề nhà ở đương đại, kiến trúc sư mang đến trải nghiệm về một không gian sống vừa hiện đại, vừa truyền thống, chứa đầy cảm xúc và có thể mê hoặc bất cứ ai.
Về cảm quan, những không gian khác nhau được bố trí chặt chẽ thành một chuỗi khung cảnh liên tiếp, được dàn dựng cẩn thận. Ở mỗi góc bên trong căn nhà, lớp không gian này cứ tiếp nối lớp không gian khác, tựa một câu chuyện hấp dẫn. Tổ chức công năng và thiết kế mặt bằng hình học đầy lý tính vốn được xem là điển hình của thiết kế nhà ở hiện đại giữa thế kỷ 20 hoàn toàn bị phá vỡ một cách tinh tế tại đây. Toàn bộ trải nghiệm không gian được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc khiến nhiều nhà phê bình đã dùng một số khái niệm như “mê hoặc” và “say mê” để nói về ngôi nhà này, thường thì đây là những thuật ngữ được thấy trong các tác phẩm trữ tình hơn là trong diễn ngôn kiến trúc. Chính Barragán đã chỉ ra điều này trong bài phát biểu nhận giải Pritzker của mình.
Tài liệu ảnh lưu trữ cho thấy rõ hơn những thay đổi của không gian mà Barragán đã ở trong 40 năm này, chẳng hạn như các đồ trang trí, đồ nội thất, tác phẩm nghệ thuật, đồng thời, những thứ khác đại diện cho cuộc sống hàng ngày của ông. Ông lựa chọn và sắp xếp mọi thứ rất cẩn thận, vật liệu và lớp hoàn thiện có chất lượng cao về thị giác cũng như xúc giác, góp phần khẳng định rằng “Ngôi nhà Barragán” là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp.
Trong bài phát biểu nhận giải Pritzker, Barragán đã chỉ ra tinh hoa trong phương pháp tiếp cận kiến trúc của mình: “Điều cần thiết đối với một kiến trúc sư là phải biết cách nhìn. Ý tôi là nhìn theo cách mà tầm nhìn không bị áp đảo bởi các phân tích lô-gic”. Cách làm việc của ông dựa vào trải nghiệm vật lý của cơ thể khi chuyển động trong không gian. Do đó, khi một dự án gần được hoàn thành, giai đoạn đỉnh cao của quá trình sáng tạo sẽ diễn ra ngay tại công trường. Tại đó, kiến trúc sư sẽ thực hiện các điều chỉnh giữa ý tưởng thiết kế và không gian công trình thực tế, lúc nàyc ác bản vẽ thiết kế sẽ được xếp sang một bên. “Ngôi nhà Barragán” minh chứng cho quá trình này.
Song song với những dự án như vậy, Barragán cũng để ý tới mảng quy hoạch và phát triển đô thị. Dự án phát triển đô thị “Jardines del Pedregal” bắt đầu vào giữa những năm 1940, tập trung khai thác vẻ đẹp của cảnh quan dung nham ngọn núi lửa nguyên sơ, từng bị coi là một thứ bên lề và không thể sử dụng được. Tham gia thiết kế và quản lý một dự án mạo hiểm như vậy thể hiện bước ngoặt trong việc hình thành các tác phẩm sáng tạo của Barragán và việc tiếp nhận những phê bình từ giới chuyên môn.
Trong suốt những năm 1950 và 1960, Barragán đã trau chuốt và mở rộng vốn thẩm mỹ đặc biệt của mình, trong đó màu sắc ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ông tiếp tục hòa trộn môi trường xây dựng và môi trường tự nhiên trong việc phát triển các khu dân cư như Las Arboledas và Los Clubes, nằm trên vùng canh tác nông nghiệp cũ phía Bắc thành phố.
Ngôi nhà của gia đình Gálvez (Chimalistac) nằm trong khuôn viên vườn cây ăn quả xưa kia bao quanh Tu viện Carmen cổ kính. Bản thiết kế đặc biệt tập trung vào khu vườn và bức tường bao, nằm giữa con đường rải sỏi và ngôi nhà, hai không gian mở trên đóng vai trò quan trọng trong đồ án kiến trúc với nhiều lớp không gian xuất hiện một cách tuần tự này.
Cuối mùa hè năm 1954, Barragán đã nhận thiết kế đồng thời tham gia đóng góp hỗ trợ tài chính để xây dựng nhà nguyện cho dòng tu “Clarisas Capuchinas Sacramentarias del Purísimo Corazón de María”. Cộng đồng tôn giáo có trụ sở ở Tlalpan, một ngôi làng phía Nam thành phố Mexico. Nhiệm vụ thiết kế tổ chức lại tòa nhà thuộc địa hiện có và các khu phụ, xây dựng nhà nguyện mới và phần mở rộng của tu viện ở phía sau. Quá trình thiết kế và xây dựng dự án kéo dài hơn 6 năm, phản ánh cách làm việc tỉ mỉ, chắt lọc đến từng chi tiết của vị kiến trúc sư.
Quan sát những công trình của Luis Barragán, ngoài yếu tố màu sắc, Thomas Schielke còn đặc biệt ấn tượng với những vùng sáng mờ (half light) trong một số tác phẩm của Barragán, ông đã viết trên tạp chí Archdaily như sau: "Ở những nơi bầu trời ít mây, người ta thường phải tìm bóng râm để tránh nắng. Tường tạo ra bóng đổ, những ô cửa nhỏ, có màn che mang đến một môi trường sống thoải mái hơn ở những vùng khí hậu nóng bức. Barragán đã áp dụng những thiết kế không gian như trên vào nhiều tác phẩm, chẳng hạn như nhà nguyện Tu viện Capuchine hay ngôi nhà Gilardi, nơi ông hạn chế những khoảng mở trực tiếp ra ngoài."
"Các kiến trúc sư đang quên rằng vùng mờ là một yếu tố rất cần thiết với con người, ánh sáng dịu dàng của vùng mờ sẽ mang lại cảm giác yên bình cho không gian sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi. Người ta phải bỏ đi hơn một nửa số kính hiện có trong nhiều tòa nhà văn phòng, cũng như nhà ở để có được chất lượng ánh sáng cho phép sống, làm việc một cách thoải mái và tập trung hơn. Chúng ta nên giảm bớt sự lo lắng – một đặc trưng của thời kỳ đầy biến động này, hạn chế những không gian có ánh sáng chói lòa gây mất tập trung, để thoải mái suy ngẫm, làm việc và trò chuyện." - Barragán có lần đề cập.
Song song với những dự án nhà ở tư nhân, quy hoạch và phát triển đô thị. Một số dự án nổi bật có thể kể tên như "Những khối tháp vệ tinh" - công trình biểu tượng quốc gia gồm năm khối lăng trụ bê tông thẳng đứng án ngữ lối vào phía nam Đô thị vệ tinh (Ciudad Satélite) và Toà tháp thương mại - một phần của chuỗi những công trình biểu tượng “Hành trình sáng tác”, thiết kế vào năm 1981 cho hãng sản xuất hóa chất Cydsa có trụ sở tại Monterrey, vào năm 1983,
Tác phẩm vĩ đại này sớm được thừa nhận là một thành tựu lớn của Luis Barragán và được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Trọng tâm của nhiệm vụ thiết kế là tạo ra một điểm nhấn thị giác ấn tượng cho chiến dịch quảng bá dự án và tạo ra một cột mốc dễ nhận diện từ đường cao tốc. Barragán đã mời nghệ sĩ Mathias Goeritz cùng tham gia vào dự án. Cả hai về sau cùng thống nhất ý tưởng một công trình biểu tượng đô thị với một hình dáng mới, thiên về hướng trừu tượng.
Thiết kế “Tòa tháp thương mại”, hoàn thành vào tháng 11 năm 1982, là một công trình bê tông cốt thép rỗng cao gần 70 mét. Một mặt bên hẹp của tòa tháp để trống để chứa thang dịch vụ dẫn lên đỉnh tháp. Ở đó, đèn la-ze chiếu những chùm tia sáng rực lên bầu trời đêm. Màu cam phát quang của tòa tháp giống với màu sắc ban đầu của dự án “Hình vuông đỏ”. Địa điểm được chọn để xây dựng công trình là “Quảng trường lớn”, hay còn được gọi là “Ô vuông lớn”. Tọa lạc tại trung tâm thành phố Monterrey, không gian công cộng khổng lồ này là khoảng không còn sót lại sau khi 40 dãy phố và quảng trường lịch sử Zaragoza bị phá bỏ vào những năm 1979 đến 1984. Kéo dài hơn một km, hai bên quảng trường hình chữ nhật là các công trình công cộng hoành tráng của Monterrey. Nhiều tờ rơi quảng cáo ở thời điểm đó, mà một vài bản sao còn được giữ tại Kho lưu trữ “Barragán”, cho thấy vị trí dự kiến xây dựng công trình trong khu vực được tạo ra nhờ quá trình chuyển đổi đô thị quy mô lớn này. Một số tờ rơi có ghi chú thích của Barragán + Ferrera xác định hướng của tòa tháp một cách chi tiết, cụ thể hơn.
Tổng thống Mexico, Miguel de la Madrid, đã khánh thành “Tòa tháp thương mại” vào ngày 7 tháng 12 năm 1984. Các chùm tia la-ze trên đỉnh tháp lần đầu tiên chiếu sáng bầu trời đêm vào ngày 4 tháng 1 năm 1985, tạo ra một khung cảnh ngoạn mục, tôn vinh sức mạnh công nghiệp và vị thế kinh tế của Monterrey. Nhận được nhiều sự quan tâm từ giới truyền thông, sau lễ khánh thành, nhiều bản tin đã cho biết suy nghĩ của cộng đồng cư dân địa phương về dự án. Phổ biến rộng rãi, “Tòa tháp thương mại” nhanh chóng trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Năm 2001, công trình được Mexico xếp hạng là Di tích nghệ thuật quốc gia.
Quay trở lại nguồn cảm hứng từ Ferdinand Bac, Barragán thừa nhận chính cuộc gặp gỡ với nhà thiết kế cảnh quan người Pháp đã mở mang tầm nhìn của bản thân về chủ đề nét đẹp tới từ những khu vườn. Barragán đã trích dẫn lời của Bac trong bài phát biểu nhận giải Pritzker năm 1980 như sau: “Linh hồn của những khu vườn che chở cho sự bình yên trong tâm hồn của mỗi chúng ta.”
Barragán tiếp tục giải thích trong bài phát biểu nhận giải Pritzker rằng sự kết hợp giữa bí ẩn và bình yêu là điều mà ông luôn xem là rất quan trọng trong các tác phẩm của mình. Trí tưởng tượng của Barragán được tự do bay bổng trong các trang trại và khu vườn ở Mexico, truyền cảm hứng cho những thiết kế phóng khoáng và đầy màu sắc trong suốt sự nghiệp của ông.
Tất cả những cô đọng trên được thể hiện rõ nhất có lẽ qua một công trình không lớn, bình dị và đầy tinh tế mang tên "Cuadra San Cristóbal" - dự án này ông thiết kế cùng một người bạn gợi nhớ hình ảnh về đời sống đồng quê tại vùng ngoại ô thành phố náo nhiệt.
Đánh giá đây là một thiết kế mang tính biểu tượng nghiêm trang nhưng lại đầy màu sắc, dự án dựa trên nguyên tắc về công năng và thẩm mỹ của Chủ nghĩa Hiện đại. Đồng thời, gợi lên cảnh quan vùng nông thôn Mexico với các trang trại và đồn điền, được chắt lọc qua ký ức của bản thân Barragán và cách diễn giải sáng tạo của ông.
Những năm 1970, Barragán phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe và các khó khăn tài chính tạm thời, rất ít dự án của ông được hoàn thành nhưng nhiều cơ quan chức năng quy hoạch và kiến trúc đã chủ động học hỏi và áp dụng ý tưởng thiết kế của ông vào kiến trúc nhà phố, tập trung khai thác các yếu tố mặt nước, ánh sáng và màu sắc.
Luis Ramiro Barragán Morfín qua đời vào ngày 22 tháng 11 năm 1988 ở tuổi 86, tang lễ của ông được tổ chức trang trọng cấp nhà nước.
Ngày nay, Barragán được coi là kiến trúc sư người Mexico có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Cách tiếp cận độc đáo của ông đã hòa trộn hiện đại và truyền thống, tạo ra một kiến trúc đương đại và xuyên thời gian.
---
Chuyên trang được thực hiện bởi ban biên tập Notesbook tổng hợp về cuộc đời và sự nghiệp của kiến trúc sư Luis Barragán, nội dụng có đề cập tới một số công trình nổi bật của ông dưới sự cho phép của Barragán Foundation, trong nhiều bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo của một số chuyên gia và nhà quan sát. Ảnh tư liệu chính sử dụng chủ yếu của Nhiếp ảnh gia người Mexico Armando Salas Portugal (1916 - 1995). Chịu trách nhiệm nội dung: Vũ Thuỳ Linh và các cộng sự