Đây là ngôi đình ra đời sớm nhất, có thể là kiến trúc mẫu cho đình làng Việt Nam.
Thư tịch xưa cho biết dịch đình và gia đình trạm đã phổ biến ở thời Lý, Trần, còn đình làng thì phải đến thời Lê sơ mới lác đác xuất hiện. Những ngôi đình làng đầu tiên có thể bằng tranh tre nứa lá và chưa định hình, đều không để lại được bia ký, nó hoàn chỉnh về kiểu thức và dựng bằng gỗ lợp ngói nên có sức chịu đựng đối với sự phá hoại của thời gian, do đó có thể còn lại đến ngày nay.
Dựa vào phong cách kiến trúc và điêu khắc trang trí kiến trúc, các nhà nghiên cứu mỹ thuật đã xác định được niên đại tương đối thuộc thời Mạc cho đình Tây Đằng và đình Tường Phiêu (Hà Tây xưa, nay là Hà Nội). Phong cách ấy về sau càng được khẳng định khi tìm thấy niên đại tuyệt đối ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) là năm 1576. Đình Thổ Hà (Bắc Giang) và đình Phù Lưu (Bắc Ninh) còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc thời Mạc. Tuy nhiên những di tích trên đều có niên đại vào cuối thời Mạc.
Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, được sự mách bảo và gợi ý của địa phương, các nhà nghiên cứu sau khi bóc tách ra các lớp niên đại đã xác minh được đình Thụy Phiêu ra đời khoảng năm 1531, tức là thời kì đầu nhà Mạc (1533 – 1592).
Ngôi đình hiện thờ Tản Viên Sơn thánh, thời Nguyễn nơi đây là xã Thụy Phiêu, tổng Thụy Phiêu, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây.
Ảnh
Triệu Chiến
Địa điểm
Thôn Thụy Phiêu, xã Thụy An
Huyện Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm cảnh “Táng mả hàm rồng’ trong ảnh 1
Bức chạm hoạ tiết con thạch sùng và con rồng trong ảnh 2